• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội: Cần tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch

Thời sự 07/01/2022 20:58

(Tổ Quốc) - Chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch, đây là ngành có ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

Đại dịch là cơ hội để thay đổi tư duy về du lịch

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long), du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mở ra cho du lịch thay đổi tư duy về du lịch của Việt Nam sau đại dịch để tạo ra bước đột phá kích thích du lịch phát triển nâng cao chất lượng.

Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội: Cần tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long)

ĐB này thống nhất việc hỗ trợ cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá tác động đối với ngành du lịch để có sự lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng lợi thế của từng địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường du lịch "an toàn" "nhân văn" "bền vững"; Xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du lịch, giữ gìn trật tự trị an, cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet, qua hệ thống thông tin, các ấn phẩm quảng bá du lịch, cải tiến chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ du khách.

Cùng với việc huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch như tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ 1,4% lên khoảng 3% tổng chi ngân sách như các nước trong khu vực, nữ đại biểu này đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu điểm đến an toàn cho du khách và tuyên truyền về đảm bảo y tế, tạo tâm lý an toàn để du khách an tâm khi tham quan du lịch nội địa. Song song đó cần quan tâm các yếu tố về an sinh xã hội để nhân dân được thụ hưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần từ lợi ích mà ngành du lịch mang lại.

"Đây là một yếu tố quan trọng để giữ gìn phát huy giá trị vốn có, giúp du lịch đi vào chiều sâu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững" - ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

ĐB này cho rằng cần tăng cường xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án du lịch mang tính chiến lược, tạo động lực để thúc đẩy phát triển du lịch của cả nước và của từng địa phương. "Hy vọng du lịch trong thời gian tới sẽ đưa Việt Nam đến bạn bè trên thế giới để nâng cao hơn nữa tầm vóc Việt Nam trên trường quốc tế" - ĐB này nói.

Quan tâm đến quyết sách nhằm hỗ trợ cho ngành du lịch

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, qua đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành bị tổn thương nặng nề nhất, phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có như số lượng du khách, doanh thu du lịch giảm sút mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động, chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự.

Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội: Cần tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận)

"Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng, không doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay, khoản thuế phí. Hầu hết lao động ngành du lịch bị mất việc, không thu nhập buộc phải chuyển nghề khác để kiểm sống dẫn đến nguy cơ thiếu hút nhân lực khi du lịch khôi phục lại và một số khó khăn khác"- ĐB Nguyễn Hữu Thông nêu rõ.

Vì vậy, vị ĐB đoàn Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có những quyết sách nhằm hỗ trợ cho ngành du lịch, như: Tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương trọng điểm về du lịch trong đó có tỉnh Bình Thuận, các khu du lịch quốc gia Mũi Né nhằm nâng cao hơn khả năng kết nối giao thông tới các khu điểm du lịch quốc gia, như khẩn trương sửa chữa, nâng cấp tuyến đường quốc lộ 55 qua địa bàn Bình Thuận. Bởi đây là tuyến kết nối du lịch giữa Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu và Lâm Đồng.

Đồng thời, có chính sách tái cơ cấu lại thị trường du lịch, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, cho phép các địa phương trong đó có Bình Thuận thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế theo mô hình "du lịch an toàn".

Giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch... Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú, khu du lịch. Có chính sách miễn giảm thuế, thuế phí, có chính sách miễn giảm phí giao thông đường bộ cho các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong năm 2022. "Thực tế năm 2021, các hoạt động vận tải du lịch rất ít hoặc không hoạt động nhưng phí giao thông các DN vẫn phải đóng theo quy định"- ĐB Thông cho biết.

ĐB cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thông qua chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Hỗ trợ nguồn lực cho địa phương trong đó có Bình Thuận trong việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch.

Đối với chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, ĐB này kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ để kích cầu phục hồi một cách tích cực và hiệu quả, vì đây là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch Covid-19 thời gian qua./.

Bộ trưởng Tài chính: Nên giữ nguyên thuế giao dịch chứng khoán

Tiếp thu và giải trình các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn tốt và nên giữ nguyên mức thuế giao dịch hiện tại. Hiện thị trường chứng khoán đang "rất tốt", và là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế.

"Năm 2021, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 7,77 triệu tỉ đồng, tương đương 92,5% GDP của năm 2021, do vậy nên giữ nguyên mức thuế giao dịch. Nếu có siết thì siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế", ông Phớc cho biết.

Do tính chất ngắn hạn nên có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về

Tham gia giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng dư địa chính sách tiền tệ trong Chương trình phục hồi kinh tế này là ít, chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa.

Vì vậy, theo bà Hồng, khi đưa tiền ra theo chính sách tài khóa thì Chính phủ đã cân nhắc kỹ để đảm bảo linh hoạt chính sách tiền tệ. Mục tiêu là đảm bảo chương trình thực hiện thành công.

"Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường, do đó có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về. Nên tại thời điểm xây dựng gói phục hồi kinh tế khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ", bà Hồng nhấn mạnh.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ