• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: Chính phủ rất thận trọng, tránh sơ suất

Thời sự 02/06/2022 14:39

(Tổ Quốc) - Tại phiên thảo thuận về KTXH và NSNN năm 2021 và đầu năm 2022 diễn ra sáng 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã phát biểu giải trình trước Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Chính phủ rất thận trọng

Về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: Chính phủ rất thận trọng, tránh sơ suất, trách nhiệm sau này - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình trước Quốc hội sáng 2/6.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ hết sức là quan trọng, làm cơ sở để đánh giá và xếp loại cho các cán bộ công chức và các tổ chức trong đánh giá xếp hạng cuối năm và đặc biệt là người đứng đầu. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức tập trung chỉ đạo với 3 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo.

Đề cập kết quả thực hiện, về cơ chế chính sách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ trưởng đã ban hành được 11/14 văn bản theo kế hoạch gồm có 7 nghị định, 1 nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và một văn bản hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, có một số văn bản vẫn chậm hơn so với tiến độ.

"Chương trình và chính sách rất phức tạp, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành. Trong những chính sách thực hiện trước đó có những chính sách là chúng ta cũng làm chưa tốt, còn nhiều vướng mắc hạn chế. Trong quá trình xây dựng, Chính phủ và các bộ ngành cũng rất thận trọng để tránh sơ suất, tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn" – Phó Thủ tướng lý giải nguyên nhân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn nhằm phục hồi sau khi tác động đại dịch COVID-19. Điều này làm nảy sinh ra nhiều công việc mà các bộ ngành cũng chưa chủ động được.

Về thực hiện các gói hỗ trợ, trong tổng gói hỗ trợ là 347 nghìn tỷ thì có 46 nghìn tỷ dùng quỹ tài chính hợp pháp để mua vaccine và trang thiết bị y tế. Hiện nay, chúng ta cũng đã kiểm soát cơ bản được dịch nên việc sử dụng cũng tùy theo tình hình.

Về 301 nghìn tỷ đồng còn lại, trong số này có 125 nghìn tỷ đồng là chính sách tài khóa. Cụ thể 64 nghìn tỷ đồng là tiền miễn giảm thuế. Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 để giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 với lãi suất là từ 10% xuống 8%. 38,4 nghìn tỷ đồng tiếp theo là chính sách tín dụng. Có 5 chương trình chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được hơn 4,5 nghìn tỷ/19 nghìn tỷ của năm 2022.

Ngoài ra, còn 6 nghìn tỷ đồng giảm chi phí cơ hội thông qua việc giãn tiến độ nộp thuế cũng đã được hướng dẫn thông qua 2 nghị định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và một số sắc thuế. Đối với khoản 6,6 nghìn tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà hiện đang chậm triển khai.

Đối với 176 nghìn tỷ đồng đầu tư công, trong đó có hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại 40 nghìn tỷ đồng, theo Phó thủ tướng, đã có Nghị định 31 hướng dẫn. Dù có chậm, nhưng Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2022 nên khi tiến hành quyết toán giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hộ gia đình được tính từ đầu năm. Khoản cuối cùng là 134 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông là 103 nghìn tỷ đồng, do Luật đầu tư công nên gói này thực hiện chậm.

"Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã giải ngân được 22 nghìn tỷ trong tổng số 300 nghìn tỷ. Đây là một tiền đề rất quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng gói hỗ trợ này, chương trình này được thực hiện tốt trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Trước mắt phải chống được lạm phát"

Trong phần giải trình trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là phải chống được lạm phát. Bởi hiện nay, đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế nên những nguyên liệu chúng ta phụ thuộc nước ngoài phải chịu sự tác động của nước ngoài, ví dụ như thép, phôi thép, xăng dầu... nên chống lạm phát là một vấn đề rất quan trọng.

Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: Chính phủ rất thận trọng, tránh sơ suất, trách nhiệm sau này - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội.

Theo đó, gói giải pháp chống lạm phát hiện nay là tập trung vào vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá tốt. Một vấn đề quan trọng nữa là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; phải tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Có như vậy sẽ tạo ra được những sản phẩm và nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp; từ đó có sức để chống lạm phát.

Giải trình về vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, muốn giảm được giá xăng dầu cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ví dụ, thuế trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45 đến 60% nhưng đối với nước ta chỉ từ 29 đến 30% thuế trong giá xăng dầu. Như xăng A92, các loại thuế trong xăng dầu chỉ chiếm 28% trong giá xăng dầu. Vừa qua đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Giảm thuế có nghĩa là chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi. Tuy nhiên, đối với nước ta là nước xuất xuất khẩu dầu thô, mỗi năm khoảng trên 8.000.000 thùng dầu thô nên khi giá dầu thô lên, chúng ta cũng bù đắp được một phần. Tuy nhiên, vấn đề giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội" Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Giải trình trước Quốc hộI về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các Luật, ban hành cơ chế, chính sách, quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo nhiều đổi mới quan trọng, căn bản trong lĩnh vực đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Việc thực hiện các các khâu trong quy trình cần tuân thủ một trật tự nhất định, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả.

Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để việc giải ngân đầu tư công có hiệu quả cao, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát các Bộ, ngành, các địa phương mình hơn nữa./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ