• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyển đổi số tại Nhật Bản gặp khó về cung – cầu

Thế giới 21/09/2022 12:48

(Tổ Quốc) - Các vấn đề cung và cầu đang phần nào hạn chế quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản, theo nhận định của trang East Asia Forum.

Một nhân viên chính quyền ở tỉnh Yamaguchi đã mang một đĩa mềm chứa thông tin tài khoản của 463 cư dân đến một ngân hàng địa phương. Ông muốn thực hiện thanh toán cho 463 cư dân này. Tuy nhiên, đã có sự nhầm lẫn đâu đó giữa yêu cầu của nhân viên này và quá trình xử lý giao dịch của ngân hàng và do đó lệnh chuyển tiền bị thực hiện sai.

Thay vì 463 cư dân nhận khoản thanh toán của họ, chỉ một người dân nhận khoản thanh toán một lần của 463 cư dân. Một sai sót như vậy là có thể hiểu được nếu nó xảy ra vào những năm 1980, khi máy tính cá nhân và các thiết bị lưu trữ mới xuất hiện. Nhưng điều này đã diễn ra ở Nhật Bản vào năm 2022.

Những sự cố như vậy là lời nhắc nhở về tình trạng trục trặc kỹ thuật số ở Nhật Bản. Từng được biết đến là một cường quốc về công nghệ, Nhật Bản đã bị tụt hậu trong làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.

Dù Nhật Bản vẫn đang duy trì khả năng cạnh tranh về công nghệ trong một số lĩnh vực như robot, pin, một số thiết bị đầu vào và máy móc trung gian có giá trị gia tăng cao, cũng như có nguồn nhân lực dồi dào với tỷ lệ người biết chữ cao, nhưng trong số các quốc gia giàu có, họ đang xếp hạng dưới mức trung bình về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số, xây dựng chính phủ điện tử và nền giáo dục điện tử.

Sự chậm trễ trong chuyển đổi kỹ thuật số đã được ghi nhận một cách rõ nét trong đại dịch COVID-19 khi phần lớn các cơ quan quản lý y tế công của Nhật Bản vẫn dựa vào các phương pháp lưu trữ hồ sơ lỗi thời và không thể theo dõi kịp số lượng các ca bệnh.

Đang có nhiều lời giải thích từ phía cung và cầu về lý do tại sao chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra còn chậm ở Nhật Bản.

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Một cuộc khảo sát đối với các công ty Nhật Bản năm 2021 do Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này (MIC) thực hiện đã nhấn mạnh rằng: sự thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là nhân tố chính dẫn đến sự tụt hậu trong tiến bộ chuyển đổi số. Đây là một vấn đề từ phía nguồn cung nhân lực. Năm 2018, Nhật Bản đã thiếu tới 220.000 người trong lĩnh vực CNTT-TT. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này (METI) ước tính tình trạng thiếu hụt đang trầm trọng hơn và sẽ thiếu tới 450.000 lao động trong ngành này vào năm 2030.

Chuyển đổi số tại Nhật Bản gặp khó về cung – cầu - Ảnh 1.

Quá trình chuyển đổi số tại Nhật Bản được đánh giá là còn chậm. Ảnh: East Asia Forum.

Một lý do tại sao Nhật Bản không có đủ chuyên gia CNTT-TT là do nhu cầu sử dụng CNTT-TT đã vượt quá nguồn cung. Tuy nhiên, bản thân các công việc CNTT-TT dường như cũng chưa đủ hấp dẫn.

Năm 2016, METI đã thực hiện một nghiên cứu so sánh về nhân sự CNTT-TT ở Nhật Bản và Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy mức lương trung bình của nhân viên CNTT-TT tại Nhật Bản chỉ bằng một nửa so với các đồng nghiệp ở Mỹ. Đối với người lao động Nhật Bản ở độ tuổi 20, lương trung bình hàng năm là 4,1 triệu yên (31.300 USD), trong khi người lao động Mỹ kiếm được 10,2 triệu yên mỗi năm (77.900 USD). Nhân viên CNTT-TT được trả lương cao nhất ở Nhật Bản ở độ tuổi 50, trong khi mức lương ở Mỹ đạt mức cao nhất khi nhân viên ở độ tuổi 30. Trong khi đó, mức tăng lương ở Nhật Bản cũng không đáng kể.

Những con số trên cho thấy sự khác biệt trong hệ thống nguồn nhân lực giữa mỗi quốc gia. Ở Nhật Bản, lương thưởng dựa trên tuổi tác và thâm niên. Do đó, những người trẻ tuổi phải làm việc cho đến khi họ bước vào tuổi ngũ tuần để đạt được mức lương cao.

Hiện tại, các công ty thành công trong việc tuyển dụng các chuyên gia CNTT-TT là các công ty nước ngoài, chẳng hạn như Google Nhật Bản khi họ đưa ra mức lương cạnh tranh hơn dựa trên thành tích làm việc. Do vây, không có gì ngạc nhiên khi có sự di chuyển của các chuyên gia CNTT-TT từ các công ty công nghệ Nhật Bản sang các công ty nước ngoài.

Chưa bắt kịp thay đổi

Về phía các đơn vị thực hiện (bên cầu), xu hướng ngại thay đổi, được MIC ghi nhận, cũng là một yếu tố khiến quá trình chuyển đổi số trì trệ hơn.

Theo báo cáo của Nikkei Asia năm 2021, nhiều cơ quan hành chính công của Nhật Bản vẫn sử dụng đĩa CD để lưu trữ. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, các trung tâm y tế vẫn sử dụng máy fax để gửi báo cáo viết tay. Tại Nhật Bản, những lợi ích của công nghệ mới dường như đang bị che lấp bởi sự bất tiện khi chuyển sang công nghệ mới.

Việc chuyển đổi kỹ thuật số tại nơi làm việc cũng đang gặp một số khó khăn vì quy chuẩn phổ biến là các giao dịch chính thức phải diễn ra trực tiếp, trên giấy tờ và có đóng dấu phê duyệt (hanko). Trong một nền văn hóa chú trọng đến nghi thức như Nhật Bản, thì việc số hóa hay làm việc từ xa vẫn còn thấp và chưa đủ bảo đảm tính xác thực.

Đang có một số dấu hiệu tiến triển về quá trình chuyển đổi số, mặc dù còn chậm. Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cơ quan kỹ thuật số vào năm 2021 với hy vọng đẩy nhanh quá trình số hóa. Làm việc từ xa cũng đang được thúc đẩy. Hitachi, Panasonic và những ông lớn khổng lồ công nghệ khác đã thông báo rằng họ sẽ loại bỏ hanko và giảm việc sử dụng các tài liệu giấy.

Dù vậy, những động thái này vẫn rất hiếm và hầu hết chỉ diễn ra ở các công ty lớn. Đối với phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi kỹ thuật số vẫn chưa phải là điều họ quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn thế giới đang đẩy nhanh quá trình số hóa, việc Nhật Bản chậm trễ có thể khiến năng suất làm việc của họ giảm và mất đi nhiều cơ hội phát triển.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ