(Tổ Quốc) - Lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump với thỏa thuận hạt nhân Iran mở ra bối cảnh mới cho cuộc tranh giành quyền lực chính trị tại Tehran.
- 14.10.2017 Rúng động Mỹ “giáng đòn” Iran
Các nhà phân tích và người trong cuộc nói rằng chính trường Iran đã nhanh chóng đoàn kết hơn để chống lại cách tiếp cận diều hâu mới của Mỹ, tuy nhiên, phe bảo thủ quyền lực tại Iran đang tìm cách tận dụng mâu thuẫn với Washington để làm suy yếu các đối thủ trong nước, những người đang cởi mở với phương Tây.
Lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu về việc sẽ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã dấy lên bối cảnh mới cho cuộc đấu đá chính trị phức tạp tại Iran.
Căng thẳng với Mỹ khiến chính trường Iran đang nóng lên. (Nguồn Reuters) |
Hiện tại, sự đoàn kết trong giới tinh hoa chính trị nội bộ Iran đang là ưu tiên hàng đầu.
Một quan chức cao cấp xin giấu tên nói với Reuters rằng "Vấn đề bây giờ là sự đoàn kết chống lại kẻ thù nước ngoài". "Lợi ích quốc gia của chúng tôi là ưu tiên cho tất cả các quan chức Iran."
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Rouhani và những người theo chủ nghĩa thực tế và các đồng minh cải cách đã thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân năm 2015- nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc nước này dừng chương trình hạt nhân – đang trở nên nhạy cảm hơn về mặt chính trị ở trong nước.
Nếu thỏa thuận của Iran và sáu cường quốc bắt đầu tan rã, bất cứ ai từng thúc đẩy mạnh mẽ nó, như Tổng thống Hassan Rouhani – người theo chủ nghĩa thực tế, có thể phải đối mặt với một sự phản ứng dữ dội.
Các nhà phân tích nói rằng điều này có thể khiến những lực lượng quân sự cứng rắn tại Iran không còn vấp phải sự phản đối – điều thúc đẩy lập trường mạnh mẽ hơn của Iran ở nước ngoài và sẽ càng làm cho tình hình căng thẳng tại Trung Đông thêm trầm trọng.
“Cơ hội vàng” cho các nhà chỉ trích Rouhani
"Sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ là một cơ hội vàng cho những người cứng rắn muốn giáng đòn mạnh vào lực lượng của ông Rouhani", một đồng minh của Rouhani, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài 18 tháng cho hay.
Theo hệ thống chính trị kép đặc biệt của Iran, Tổng thống được bầu ra vẫn dưới quyền của lãnh tụ tối cao Khamenei. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã kiên định ủng hộ Rouhani khi ông mở cánh cửa ngoại giao hạt nhân với các cường quốc thế giới, tuy nhiên, cũng đã nhiều lần bày tỏ sự bi quan về cam kết của Washington đối với thỏa thuận trên và với chính Iran.
Đối với Rouhani, ông đã từng giành được lợi thế: cách tiếp cận của ông với thế giới đã giúp ông tăng cường hình ảnh tại Iran và uy tín ở nước ngoài, gây trở ngại cho các đồng minh cứng rắn của Khamenei, những người phản đối cả việc thân thiện hơn phương Tây và tự do hóa trong nước.
Tuy nhiên, ván bài này có thể nghịch chuyển.
Một quan chức cao cấp của Iran cho hay, "Rouhani và chính sách giảm căng thẳng của ông ấy với thế giới sẽ bị suy yếu nếu thoả thuận hạt nhân không còn tồn tại". "Và tất nhiên một chính sách khu vực cứng rắn hơn sẽ là điều không tránh khỏi."
Trong khi đó, về mặt chính sách xã hội, phạm vi ảnh hưởng của ông Rouhani trong việc nới lỏng các hạn chế đối với quyền tự do cá nhân và các quyền xã hội khác và sẽ bị “nghiền nát” bởi phe bảo thủ nếu ông mất uy tín chính trị. Phe chính trị cứng rắn tại Iran đang có ảnh hưởng lớn tại tòa án, lực lượng an ninh và truyền thông.
Mỹ- Iran đáp trả “có đi có lại”
Về phản ứng với những tuyên bố của ông Trump, ông Rouhani đã đưa ra tín hiệu rằng Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu không giữ được lợi ích của Tehran.
Sự tồn tại của thỏa thuận này hiện nằm trong tay Quốc hội Hoa Kỳ - sẽ có thời hạn 60 ngày để thảo luận có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi Quốc hội từ chối xem xét các biện pháp trừng phạt, thoả thuận này vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu Washington và Tehran sử dụng các biện pháp trả đũa lẫn nhau.
"Miễn là cả hai bên chỉ dừng lại ở khẩu chiến, hoạt động giao thương vẫn sẽ tiếp tục như thường lệ", Saeed Leylaz – nhà phân tích chính trị tại Tehran nhận định.
Kể từ khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, ông Rouhani đã bắt đầu tiến trình phục hồi một nền kinh tế bị tàn phá bởi một thập kỷ hạn chế trong ngành dầu khí quan trọng của nước này và đã chào đón nồng nhiệt các nhà đầu tư toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn tại châu Âu có thể sẽ nghĩ lại về việc tới làm ăn tại Iran nếu căng thẳng giữa nước này với Mỹ tiếp tục gia tăng và bất ổn về sự sống còn của thỏa thuận hạt nhân tiếp tục leo thang.
"Nếu các công ty châu Âu không nhận được tín hiệu bảo đảm về một thỏa thuận chính trị được Mỹ thông qua thì họ sẽ dừng lại", một nhà ngoại giao cao cấp của Pháp nói.
Trong số các công ty châu Âu đã công bố các giao dịch lớn tại Iran kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực là nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus AIR.PA, tập đoàn năng lượng Pháp Total TOTF.PA và hãng Siemens SIEGn.DE của Đức.
Hỗn loạn khu vực
Ông Trump đã khiến Tehran tức giận khi nói rằng Lực lượng vệ binh Cách mạng Iran – được cho là đã tham chiến trong các cuộc chiến tranh quyền lực tại khu vực trong nhiều thập kỷ - là "lực lượng khủng bố cá nhân của Khamenei". Đáp trả lại, ông Rouhani nói rằng người Iran sẽ luôn luôn sát cánh cùng lực lượng Vệ binh của họ.
Trong khi đó, một số quan chức đã nhất trí rằng lập trường của ông Trump sẽ không thay đổi hành vi tại khu vực của Iran, được lãnh tụ Khamenei ủng hộ và thúc đẩy. Một trong những quan chức thân cận với việc ra quyết sách tại Iran nói rằng, nếu ông Trump bằng cách nào đó thực hiện tốt những mối đe dọa của mình, "thì sau đó Iran sẽ áp dụng chính sách khu vực cứng rắn và mạnh mẽ hơn nữa".
Iran và đối thủ khu vực Saudi Arabia đã liên tục cáo buộc nhau làm gia tăng căng thẳng khu vực. Vương quốc Hồi giáo Sunni này luôn đối lập với các nhà lãnh đạo Shi'ite của Tehran trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới Ả rập, từ Syria, Yemen, Irac, Bahrain và Lebanon.
(Theo Reuters)