(Tổ Quốc)- Thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt với trẻ em, hệ miễn dịch còn non yếu sẽ rất dễ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm đường hô hấp trên… Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng có những tác động không nhỏ tới trẻ em, có thể gây tổn thương hô hấp, đặc biệt đối với trẻ có sức đề kháng kém. Làm thế nào để con có sức đề kháng tốt, ít ốm vặt là vấn đề mà bất kì người mẹ nào quan tâm.
PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện dinh dưỡng Quốc gia sẽ giúp các mẹ tìm ra lời giải để giúp trẻ ít ốm vặt, từ đó không gián đoạn việc học hỏi của trẻ mỗi ngày.
Xin bác sĩ cho biết về vai trò của hệ miễn dịch đối với việc giảm bệnh vặt ở trẻ?
Hệ miễn dịch là "rào chắn" giúp cơ thể tránh bị virus, vi khuẩn có hại xâm nhập. Trong thời điểm các bệnh truyền nhiễm bùng phát, một em bé khoẻ mạnh có hệ miễn dịch tốt khi tiếp xúc với đám đông sẽ ít mắc bệnh hơn, hoặc khi mắc thì diễn biến bệnh cũng sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường chủ quan, không chú trọng đến việc bảo vệ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi khi hệ miễn dịch suy yếu, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển của bé.
Một trong những nguyên nhân cần được giải quyết để giúp trẻ không thường bị ốm vặt là cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ, đồng thời tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm để trẻ hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể qua các bữa ăn hàng ngày, từ đó giúp trẻ đỡ ốm vặt, không ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Theo khuyến nghị từ tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi bữa ăn chính của trẻ được khuyến cáo có từ 10 loại thực phẩm trở lên, không có loại thực phẩm nào là tối ưu đầy đủ các chất dinh dưỡng, bởi vậy cần cho trẻ ăn đa dạng. Các rau củ quả màu vàng nhiều vitamin A, tham gia vào hệ thống miễn dịch, kháng thể bề mặt chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập. Vitamin C có trong các loại rau xanh đậm, vitamin D từ ánh nắng mặt trời, vitamin E trong các loại hạt có dầu – PGS.TS Bùi Thị Nhung chia sẻ.
Ngoài ra, tháp dinh dưỡng còn hướng dẫn bổ sung sữa và chế phẩm sữa như sữa chua, phô mai, đặc biệt bổ sung lợi khuẩn (probiotics) vào chế độ dinh dưỡng cũng giúp trẻ hấp thu tốt hơn và cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó nâng cao khả năng miễn dịch, ngăn ngừa sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,…
Lợi khuẩn là gì và có vai trò thế nào với việc tăng đề kháng, giảm bệnh vặt ở trẻ?
Lợi khuẩn hay probiotics là những vi khuẩn sống có lợi hoặc các vi sinh vật sống có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ. Cách tốt nhất để nâng cao sức đề kháng, giảm bệnh vặt cho trẻ là chăm sóc đường ruột khỏe mạnh.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ (American College of Gastroenterology) chỉ ra rằng các chủng lợi khuẩn có thể hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh hô hấp, tiêu chảy, ngăn ngừa bệnh tự miễn, giảm bớt bệnh ngoài da, chống lại một số bệnh nhiễm trùng…
Để tăng lợi khuẩn cho cơ thể, chúng ta có thể sử dụng các chế phẩm men vi sinh hoặc một số thực phẩm lên men như sữa chua men sống, đậu nành lên men (natto), kim chi, dưa muối, hay sữa mẹ... Lợi khuẩn cũng phát triển tốt khi có nguồn thức ăn là các chất xơ hòa tan (prebiotics). Tuy nhiên, khi qua môi trường axit dạ dày, các lợi khuẩn có thể bị suy giảm số lượng. Một trong những chủng lợi khuẩn được nghiên cứu trên thế giới có tỷ lệ sống sót cao sau khi qua dạ dày là L.Casei 431TM từ tập đoàn men sống hàng đầu Châu Âu - Chr. Hansen.
Khi trẻ bị ốm vặt, nhu cầu năng lượng tăng lên, nhưng trẻ lại không muốn ăn, lúc này, các mẹ có thể nấu đồ ăn mềm hơn, loãng hơn và tăng thêm dầu mỡ để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Bên cạnh đó, có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng sữa chua men sống có chứa probiotics để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và hồi phục tốt hơn.