• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia Liên hợp quốc tung cảnh báo mạnh về IS tại lục địa đen

Thế giới 10/08/2022 10:54

(Tổ Quốc) - Một chuyên gia an ninh châu Phi đã cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba rằng mối đe dọa từ nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gia tăng ở châu Phi và lục địa này có thể là nơi thiết lập "caliphate tương lai" của chúng.

Ông Martin Ewi, điều phối viên của một dự án về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại Viện Nghiên cứu An ninh ở thủ đô Pretoria của Nam Phi và trước đây từng phụ trách chương trình chống khủng bố của Ủy ban Liên minh châu Phi, cho biết Nhà nước Hồi giáo (IS) "đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình một cách mạnh mẽ" ở châu Phi, với ít nhất 20 quốc gia trực tiếp chịu ảnh hưởng từ hoạt động của nhóm cực đoan này và hơn 20 quốc gia khác "bị chúng tận dụng cho các hoạt động hậu cần, huy động tài trợ và các nguồn lực khác".

IS liên tục gia tăng ảnh hưởng

Ông Ewi cho biết: "Chúng hiện là một vấn đề trung tâm của khu vực này và đã trở thành hành lang gây bất ổn ở châu Phi".

Ông Ewi cho biết lưu vực Hồ Chad, giáp với Chad, Nigeria, Niger và Cameroon, là khu vực hoạt động lớn nhất của nhóm cực đoan này. Còn các khu vực ở Sahel hiện "không thể quản lý nổi" và Somalia thì vẫn là "một điểm nóng" của IS ở vùng Sừng châu Phi.

Chuyên gia Liên hợp quốc tung cảnh báo mạnh về IS tại lục địa đen - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP.

IS gần đây đã nhắm mục tiêu gây bất ổn ở Uganda và dù chúng đã thất bại thì ông Ewi cho biết một chi nhánh của IS, Lực lượng Dân chủ Đồng minh, "vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng" tại đây. Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Trung Phi đã biến một số khu vực của Congo và Mozambique trở thành "nơi giết hại nhiều người".

Nhà nước Hồi giáo, còn được biết đến với tên viết tắt tiếng Ả Rập là Daesh, đã chiếm lĩnh nhiều vùng rộng lớn của Syria và Iraq vào năm 2014 và thiết lập một tổ chức Hồi giáo Caliphate trong khu vực mà chúng kiểm soát, trải dài một phần ba cả hai quốc gia này và giết hại nhiều người trong thời gian chúng nắm quyền. Nhóm này chính thức bị đánh bại ở Iraq vào năm 2017 sau nhiều trận chiến lớn kéo dài suốt 3 năm. Chiến dịch đánh bại IS đã khiến hàng chục nghìn người chết và các thành phố đổ nát, nhưng các chi nhánh của chúng vẫn tồn tại và tiếp tục phát động các cuộc tấn công ở nhiều khu vực khác nhau của cả hai quốc gia này.

Ông Ewi đưa ra những phát biểu trên tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về báo cáo mới nhất của Tổng thư ký Antonio Guterres về mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo. Theo đó, ông nói rằng sau khi các phần tử cực đoan này thành lập caliphate ở Syria và Iraq, một liên minh quốc tế đã cùng nhau tiến hành một chiến dịch quân sự để đánh bại IS.

Ông cho biết: "Chủ nghĩa khủng bố đã bị đẩy xuống phía nam châu Phi, nhưng không có liên minh tương tự nào được thành lập để đánh bại Daesh ở châu Phi ... Điều đó có nghĩa là lục địa này đã phải gánh chịu hậu quả của những tên chạy trốn khỏi Syria và tìm nơi trú ẩn an toàn trên lục địa này."

Người đứng đầu tổ chức chống khủng bố của Liên Hợp Quốc Vladimir Voronkov cũng cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng mối đe dọa từ Daesh đã gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Ông Voronkov cho biết biên giới giữa Iraq và Syria "vẫn rất dễ bị tổn thương, khi ước tính có tới 10.000 tay súng IS hoạt động trong khu vực."

Ông nói: "Từ khu vực đó, vào tháng 4 năm nay, chúng đã phát động một chiến dịch toàn cầu gồm các hoạt động trả thù cho các thủ lĩnh cấp cao bị giết trong các hoạt động chống khủng bố."

Châu Phi có nhiều thuận lợi cho IS

Chuyên gia Erwi cũng chỉ ra một số yếu tố khác khiến Daesh "rất thành công ở châu Phi" như sự phong phú của nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phép các nhóm cực đoan như Daesh tự tài trợ, nghèo đói và việc các nước ở đây thiếu ý chí chính trị để giải quyết vấn đề Palestine – một nguồn gốc "cực đoan hóa" đối với nhiều thanh niên châu Phi, cũng như năng lực của chúng trong việc kết nối với các nhóm khủng bố và tội phạm khác trên lục địa.

Ông Ewi cũng nêu ra sự thiếu vắng các sáng kiến mới ở châu Phi trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và "cách tiếp cận bỏ lơ vấn đề" của nhiều quốc gia khi họ đã phớt lờ những cảnh báo sớm về các mối đe dọa khủng bố.

Chuyên gia này đánh giá: "Do vậy, cộng đồng quốc tế đã được kêu gọi giúp đỡ vào thời điểm mà mối đe dọa đã thoát khỏi tầm tay. Chúng tôi đang thấy hiện tượng này diễn ra ở Benin và Togo, những quốc gia ven biển mới nhất ở châu Phi hứng chịu các cuộc tấn công tập trung của Daesh và các nhóm khủng bố khác".

Ông cũng nói thêm rằng hiện tượng tương tự này đã từng xảy ra trước đây ở Mozambique khi khủng bố bùng nổ, và cả ở Nigeria, Cameroon và nhiều quốc gia khác "nơi mà mối đe dọa bị đánh giá sai lệch và các chính quyền đưa ra phản ứng cũng không phù hợp."

Để đánh bại Daesh ở châu Phi, ông Ewi nói, "chiến lược cần nhắm đến cả nhóm này và bao gồm các liên minh của nó với al-Qaida và các nhóm tội phạm khác". Chuyên gia này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an huy động thiết bị và ngân sách để hỗ trợ nhiều hoạt động ủng hộ hòa bình đang diễn ra ở các khu vực khác nhau, đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của họ đối với các nhóm và cá nhân được thực thi.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ