(Tổ Quốc) - Dự đoán, Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào giữa tháng Tư sắp tới.
Joel Wit, một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên, đồng thời là người sáng lập của 28 North – website giám sát và phân tích các vấn đề liên quan tới đất nước châu Á, nhận định, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh vào giữa tháng Tư. Đây cũng là thời điểm diễn ra phiên họp khóa 14 của Đại Hội đồng nhân dân tối cao của Triều Tiên.
Theo ông Wit, Chủ tịch Kim có thể thông qua vụ phóng tên lửa để chứng minh mình không "chùn bước bởi các lệnh trừng phạt".
(ảnh minh họa: Yonhap)
Đầu tuần này, cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc báo cáo với Quốc hội nước này rằng, có những dấu hiệu về việc Triều Tiên đang tái xây dựng khu phóng tên lửa Dongchang-ri mà họ từng giải giáp một phần, và coi đó là minh chứng cho những cam kết phi hạt nhân hóa sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018.
Hôm thứ Tư (6/3), 38 North cũng trích dẫn một số hình ảnh vệ tinh cho thấy, dường như khu phóng đang quay trở lại "trạng thái vận hành bình thường". Tất cả làm dấy nên những lo ngại về khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa mới sau khi thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào cuối tháng hai, không đạt được một thỏa thuận chung.
"Không có chứng cứ chỉ ra Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch để phóng bất kỳ thứ gì nếu chỉ nhìn vào các hình ảnh vệ tinh thương mại", ông Wit nói. "Nhưng tất nhiên, không thể bỏ qua khả năng đó".
Ông cũng đánh giá, phóng đi một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào lúc này là quá mạo hiểm bởi vì nó sẽ khiến Bình Nhưỡng phải hứng chịu sự phản đối của quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, phóng một vệ tinh có thể sẽ giúp làm tăng "tiếng nói" cho Triều Tiên về mặt chính trị.
Mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, họ đều tuyên bố có quyền "khám phá không gian một cách hòa bình", như cách cộng đồng quốc tế vẫn làm. Tuy vậy, giới chuyên gia nói, tên lửa không gian và ICBM chỉ khác nhau ở tải trọng và lượng chất nổ.
Cũng theo chuyên gia 38 North, sau vụ phóng vệ tinh, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đề xuất khôi phục lại đàm phán với Mỹ, tương tự như những gì ông từng lại sau vụ phóng tên lửa hồi năm 2012.
"Chủ tịch Kim có thể quay trở lại với chính quyền Trump giống như sau vụ phóng tên lửa vào tháng 4/2012 và nói, 'hãy thỏa thuận nào'", ông Wit dự đoán. "Chính quyền Barack Obama lúc đó đã từ chối và áp dụng các lệnh trừng phạt mới. Liệu Tổng thống Trump có đồng ý với đề xuất của ông Kim hay không vẫn còn là điều khó dự đoán".