(Tổ Quốc) - Bấy lâu, nhiều người hiểu chưa đúng và đủ về bạo lực gia đình.
- 25.11.2022 Thừa Thiên Huế: Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- 24.11.2022 Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em
- 22.11.2022 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình
- 14.11.2022 Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Bạo lực gia đình là vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội từ lâu nay và ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn, phức tạp hơn. Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021 cho thấy, có 32% phụ nữ bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Không riêng với phụ nữ, bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến khi có tới 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.
Các hình thái bạo lực gia đình
Bấy lâu, nhiều người hiểu chưa đúng và đủ về bạo lực gia đình. Chúng ta chỉ nghĩ bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó. Thế nhưng, Thạc sĩ tâm lý học Quỳnh Nguyễn (hiện là Quản lý Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC) chỉ ra có 5 hình thái bạo lực gia đình: Bạo lực về mặt thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực quan hệ xã hội và bạo lực kinh tế.
1. Bạo lực về mặt thể xác là hành vi đánh đập, hành hung của 1 thành viên nào đó với người thân trong gia đình. Thường thành viên đó là những người khỏe mạnh hơn, ví dụ người đàn ông, người chồng đánh đập vợ con. Đấy là hành vi trực tiếp gây tổn hại về mặt thể chất, thậm chí gây tổn hại cả về tính mạng.
2. Bạo lực tinh thần là những hành vi lăng mạ, chửi bới, xúc phạm ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tâm lý, danh dự của các thành viên trong gia đình.
3. Bạo lực tình dục là những hành vi cưỡng bức, ép buộc, gây tổn thương trong quan hệ tình dục của chồng với vợ và những hành vi quan hệ loạn luân.
4. Bạo lực quan hệ xã hội là cấm không cho các thành viên trong gia đình có các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả người thân
5. Bạo lực về mặt kinh tế: Các thành viên trong gia đình đến tuổi trưởng thành không được tự do kiếm tiền, lo mặt tài chính cho bản thân mà bị ngăn cản.
Trong những ca đã tư vấn và hỗ trợ giải quyết thành công, chị Quỳnh kể lại: “Đó là một trường hợp khá đặc biệt vì nó hội tụ nhiều hình thái bạo lực. Chị vợ này đã kết hôn được chục năm. Chồng chị bình thường được đánh giá hiền lành ít nói nhưng cứ uống rượu say lại biến thành người khác. Anh ta chửi bới, thóa mạ, đánh đập vợ dã man, xung quanh tiện đồ vật gì anh ta sẽ dùng để đánh. Hết cơn say anh ta lại quỳ xuống xin lỗi vợ nhưng bao năm trôi qua vẫn đâu vào đấy.
Chị vợ tuy có bằng đại học, cũng gọi là chăm chỉ nhưng làm ở công ty nào cũng bị chồng đến phá. Anh ta ghen tuông sợ vợ đi làm mở rộng mối quan hệ. Anh ta cấm vợ không được có nhiều bạn bè, cấm hẳn bạn khác giới. Khi được bố mẹ vợ khuyên giải anh ta cấm cả vợ mình không được về ngoại. Chị vợ vừa bị bạo hành về mặt thể chất, tinh thần lại vừa bị bạo hành mặt kinh tế, quan hệ xã hội”.
Cũng có nhiều trường hợp tương tự như bố mẹ bạo hành con cái, cấm đoán hay kiểm soát quá mức dù con đã trưởng thành. Hoặc thời gian gần đây có nhiều vụ con cái bạo hành bố mẹ như vụ 3 cô con gái ở Hưng Yên tưới xăng đốt mẹ đẻ mình vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai.
Các phương pháp tự bảo vệ mình
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý, chị Quỳnh cho biết, để giải quyết dứt điểm vấn đề bạo lực trong 1 gia đình cần cả 1 quá trình dài. Thêm vào đó, chính những thành viên trong gia đình hay bản thân phụ nữ cũng cần thay đổi tư duy, suy nghĩ.
“Tất cả mọi người đều phải biết được rằng, không một thành viên nào đáng bị bạo hành. Tất cả hình thái bạo hành đều sai trái và đáng bị lên án kể cả mặt đạo đức hay pháp luật”, chị Quỳnh nhấn mạnh.
Các bước cần thiết tự bảo vệ mình khỏi bạo lực gia đình:
- Trang bị kiến thức, kinh nghiệm để làm chủ cuộc sống của mình như chủ động kinh tế, không bị phụ thuộc chồng. Phụ nữ nên có sự để ý, hiểu biết về người đàn ông mình chọn làm chồng, hành vi sắp xảy ra trong lúc nóng giận để phòng tránh.
- Giữ nguyên tắc im lặng là vàng để hạn chế kích động đối phương trong tình huống xấu. Đồng thời trang bị cách phòng tránh, kêu gọi sự trợ giúp từ người thân, bạn bè hàng xóm, hội phụ nữ...
- Phòng bị bằng cách lưu lại bằng chứng, tang chứng, vật chứng bị bạo hành để làm bằng chứng trước tòa khi cần thiết.
- Lưu lại số tổng đài cần thiết: 18001768 hoặc đường dây nóng 111 bảo vệ trẻ em kể cả trong gia đình hay ngoài xã hội. Nếu cần thiết hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giải tỏa và tìm hướng đúng đắn.
Tâm lý chung của những người bị bạo hành là lo lắng sợ hãi kèm xấu hổ nếu mọi thứ phát giác. Vì dù sao kẻ bạo hành cũng là người thân của họ, sẽ có rất nhiều thứ họ phải đối mặt khi có nhiều người biết sự thật.
Thế nên chúng ta phải cân nhắc 2 trường hợp: Nếu chọn chịu đựng không tố cáo thì chuyện gì có thể xảy ra. Nếu tố cáo, chọn cách đối diện thì đối diện như thế nào để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp với khả năng giải quyết vấn đề của từng người, đồng hành với họ trong từng giai đoạn. Thời gian đầu nạn nhân cần chia sẻ với những người thân khác, kêu gọi sự hỗ trợ từ chính thành viên trong gia đình và những người có khả năng can thiệp nhanh nhất như hàng xóm, hội phụ nữ... Quan trọng là tâm lý của người bị bạo hành họ có xu hướng cam chịu để bảo toàn danh dự nhưng tình trạng đó kéo dài sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy xảy ra.
Do đó, mỗi nạn nhân khi bị bạo hành thì đừng im lặng, hãy lên tiếng, hãy tìm đến pháp luật, tìm đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ kịp thời”, chị Quỳnh bày tỏ.
Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), cụ thể:
- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình dẫn đến đủ căn cứ cấu thành các tội khác trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác - Điều 134; Tội hành hạ người khác - Điều 140; trường hợp gây chết người còn có thể bị truy cứu về Tội giết người - Điều 123… thì người phạm tội sẽ bị xử lý tùy theo hành vi, mức độ phạm tội và hậu quả mà mình gây ra.Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), cụ thể:
- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình dẫn đến đủ căn cứ cấu thành các tội khác trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác - Điều 134; Tội hành hạ người khác - Điều 140; trường hợp gây chết người còn có thể bị truy cứu về Tội giết người - Điều 123… thì người phạm tội sẽ bị xử lý tùy theo hành vi, mức độ phạm tội và hậu quả mà mình gây ra.
PV
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện