(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, việc đội ngũ của Tổng thống Donald Trump khởi kiện tại một loạt các bang "chiến địa" dường như không quá liên quan tới vấn đề pháp lý mà chỉ nhằm làm chậm lại hành trình tiến vào Nhà Trắng của đối thủ Joe Biden.
"Thừa nhận thất bại ngay sau cuộc bầu cử không phải là một phản ứng hợp lý, vì vậy họ đưa ra các đơn kiện khó có khả năng thành công và hy vọng điều gì đó sẽ xuất hiện", luật sư bầu cử theo phe Cộng hòa và hiện là một cộng tác viên cho CNN Ben Ginsberg nhận xét. Theo ông, những vụ kiện như vậy thường không xuất phát từ một chiến dịch đang cảm thấy lạc quan về kết quả, ngược lại, chiến dịch đó có lẽ đang rất lo lắng.
Tương tự, giáo sư luật Franita Tolson từ Trường Luật Gould USC chỉ ra, "phần lớn lý lẽ khởi kiện đều không chắc chắn và gần như sẽ không thành công". Bà đề cập tới đơn kiện đưa ra vào tối ngày 4/11 tại bang Georgia của chiến dịch Trump trong đó cáo buộc các nhân viên bầu cử đã trộn lẫn phiếu đã xử lý và chưa xử lý với nhau. Điều đó có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các lá phiếu.
Bà Tolson nói: "Tôi nghi ngờ mục tiêu lớn của việc kiện tụng, trong ngắn hạn là nhằm thay đổi câu chuyện", từ khả năng ông Biden giành thắng lợi sang một cuộc đối thoại về cách quản lý bầu cử sai lệch, thậm chí là lừa đảo.
Một giáo sư luật khác và hiện cũng là cộng tác viên của CNN, ông Rich Hasen cho rằng, các vụ kiện tỏ ra liên quan tới quan hệ công chúng hơn là pháp lý thực sự. "Những vụ kiện này cho tới hiện tại không giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào có thể tạo ra nghi ngờ đối với quá trình bỏ phiếu nói chung", ông Hasen nói.
Còn giáo sư luật kiêm chuyên gia bầu cử Justin Levitt miêu tả các đơn kiện, như ở bang Michigan, là "đáng cười". "Người nào đó nói là bạn không lọc riêng các lá phiếu vắng mặt ra, vì vậy hãy ngừng kiểm phiếu. Chuyện đó có nghĩa gì vậy?", ông Levitt đặt câu hỏi.
Chiến dịch Trump đã đệ đơn kiện tại các bang Pennsylvania, Michigan, Georgia và trước đó là Nevada – yêu cầu các nhà quan sát được tiếp cận nhiều hơn tới các điểm xử lý và kiểm phiếu, đồng thời nêu ra các lo ngại về lá phiếu vắng mặt. Đội ngũ của đương kim Tổng thống cũng tìm cách can thiệp vào một quyết định của Tòa án Tối cao tại Pennsylvania về liệu các phiếu nhận được trong vòng 3 ngày sau bầu cử có thể được kiểm hay không. Ngoài ra, chiến dịch Trump còn yêu cầu tái kiểm phiếu tại Wiscosin nơi ông Biden được cho là đã giành được toàn bộ 10 phiếu đại cử tri.
Phát biểu ngày 4/11, ứng viên Đảng Dân chủ Biden khẳng định, việc kiểm phiếu phải được tiếp tục trên tất cả các bang. "Không ai có thể lấy đi nền dân chủ từ chúng ta – bây giờ và mãi mãi", cựu Phó Tổng thống nói.
Còn theo phát ngôn viên của chiến dịch Biden là Andrew Bates, hành động khởi kiện không phải là cách cư xử của một chiến dịch đang giành chiến thắng.
"Điều đặc biệt đáng thương là trong khi yêu cầu tái kiểm phiếu tại những bang đã thất bại, ông Trump cùng lúc có những cố gắng vô vọng nhằm dừng kiểm phiếu tại các bang khác mà ông ta sắp thất bại", Bates cho hay.
Quá trình kiểm phiếu sẽ được kéo dài ít nhất là sang ngày 5/11 (giờ Mỹ). Trong các cuộc bầu cử trước, kết quả công bố vào đêm bầu cử là không chính thức và kiểm phiếu vẫn được tiến hành sau Ngày Bầu cử. Tuy nhiên, năm nay sự khác biệt là, các bang bị "ngập lụt" với một số lượng lớn phiếu bầu qua thư do cử tri không muốn đến các điểm bầu cử trực tiếp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Mỹ tiếp diễn phức tạp. Phiếu bầu qua thư sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý và kiểm hơn phiếu bầu trực tiếp.
Tổng Chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro (một người theo phe Dân chủ) nói với CNN, đơn kiện của chiến dịch Trump giống "một văn kiện chính trị hơn là một văn kiện pháp lý".
"Có sự minh bạch trong quá trình kiểm phiếu. Việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục. Các nhà quan sát vẫn đang quan sát và mọi việc sẽ tiếp tục được triển khai", ông Shapiro nói.
Tại Michigan, đội ngũ của Tổng thống Trump cáo buộc người đứng đầu cơ quan đối ngoại bang Jocelyn Benson (một thành viên Dân chủ khác) đã cho phép các phiếu bầu vắng mặt được kiểm mà không có sự quan sát của đại diện hai đảng cũng như đại diện pháp lý. Phe Dân chủ tại Michigan khẳng định, vụ kiện là phi lý.
Còn tại Georgia, đơn kiện được đệ trình lên tòa án Hạt Chatham yêu cầu thẩm phán đảm bảo các quy định bang được tuân thủ đối với các phiếu vắng mặt.
Trong bài phát biểu từ Nhà Trắng vào rạng sáng thứ Tư, ông Trump đã nhắc tới khả năng đưa những tranh cãi bầu cử lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia luật, viện tới sự can thiệp của Tòa án Tối cao ở thời điểm hiện tại có vẻ quá sớm.
Giáo sư Richard Hasen nhận định, đơn kiện sẽ phải được đệ trình lên tòa án từ một bang nơi có kết quả bỏ phiếu mang tính quyết định tới ai là người thắng cuộc. Sự chênh lệch giữa tổng số phiếu của các ứng viên phải nhỏ hơn số phiếu có vấn đề trong vụ kiện. "Hiện tại (mặc dù mọi thứ có thể thay đổi), cả hai điều kiện trên vẫn chưa được đáp ứng", ông Hasen viết trên trang Election Law.