(Tổ Quốc) - Những tranh cãi về đập Tam Hiệp vẫn chưa bao giờ biến mất trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, sau khi công trình thủy điện này được đưa vào sử dụng hồi tháng 11/1997.
Khi đợt lũ thứ 3 trên sông Dương Tử (sông Trường Giang) vượt qua đập Tam Hiệp vào ngày thứ 4 (29/7) vừa qua, truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định rằng mọi thứ vẫn bình thường, theo báo Asia Times (Hồng Kông).
Tập đoàn Tam hiệp - đơn vị vận hành đập Tam Hiệp - cho biết công trình thủy điện cao 185 mét này đã ngăn hơn 1/3 lượng nước lũ đổ về từ thượng nguồn sông Dương Tử kể từ ngày 27/7.
Khi lũ đạt đỉnh vào ngày 27/7, lượng nước mưa ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh đã đổ dồn về đập Tam Hiệp với lưu lượng nước lên đến 60.000 mét khối/giây, con đập này đã mở cửa xả lũ với lưu lượng 38.000 mét khối/giây.
Về đợt lũ thứ 3 trên sông Dương Tử, hãng thông tấn trung ương Tân Hoa Xã cũng cho biết không có trận lũ lụt nghiêm trọng nào được báo cáo tại các thành phố lớn ở khu vực gần đập Tam Hiệp, trong đó bao gồm thành phố Vũ Hán. Tân Hoa Xã cũng khẳng định rằng con đập này đã "làm giảm thiểu rủi ro".
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã dự báo rằng đợt mưa dồn dập trút xuống các tỉnh miền Nam nước này trong thời gian qua sắp sửa chấm dứt. Ông Zhang Juan, nhà khí tượng học cao cấp của Trung Quốc, cho biết tình hình mưa lũ tồi tệ nhất kể từ tháng 6 vừa qua sẽ sớm kết thúc.
Có vẻ như đập Tam Hiệp đã "bình an vô sự" vượt qua những trận lũ lớn vừa qua. Tuy nhiên, tuần trước, hãng Tân Hoa Xã đã chính thức đưa tin về việc một phần cấu trúc đập Tam Hiệp bị biến dạng, cong vênh nhẹ do áp lực của dòng nước lũ.
Tiết lộ nói trên của hãng thông tấn trung ương Trung Quốc đã dấy lên những đồn đoán mới về nguy cơ đập Tam Hiệp bị vỡ, cùng với đó là những hoài nghi về khoảng thời gian đập Tam Hiệp còn chống chọi được trước những thử thách của tự nhiên.
Trả lời Asia Times, một vị giáo sư giấu tên đến từ trường Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Việc Tân Hoa Xã thừa nhận đập Tam Hiệp bị biến dạng nhẹ khi ngăn dòng nước lũ để bảo vệ các thành phố hạ nguồn như Vũ Hán là điều hiếm thấy".
"Thời điểm hãng tin này đưa ra thông tin nói trên cũng rất thú vị. Liệu đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi thái độ đối với đập Tam Hiệp và những dự án siêu đập thủy điện khác hay không? [...] Có thể các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đã không còn nhiều hứng thú với các dự án này như thế hệ trước", vị giáo sư nói trên đưa ra giả thiết.
Ảnh: CGTN
Đập Tam Hiệp - công trình gây tranh cãi
Những tranh cãi về đập Tam Hiệp vẫn chưa bao giờ biến mất trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, sau khi công trình thủy điện này được đưa vào sử dụng hồi tháng 11/1997.
Một số chuyên gia nhận định rằng những trận lũ lớn trong năm nay ở các tỉnh hạ nguồn sông Dương Tử như Hồ Nam, An Huy, Giang Tây và Giang Tô, đã cho thấy đập Tam Hiệp đã thất bại trong việc phòng chống lũ lụt và giảm thiểu thiệt hại.
Theo lời các chuyên gia này, mặc dù dòng nước lũ trên sông Dương Tử năm nay quả thực rất dữ dội, nhưng nó vẫn chưa thể sánh bằng kịch bản tồi tệ nhất từng được dự tính trong quá trình thiết kế đập Tam Hiệp.
Trong một bài viết được đăng tải trên ấn bản của tạp chí National Geographic của Trung Quốc, ông Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên, cho biết, dựa trên tính toán sơ bộ của ông này, đập Tam Hiệp mới chỉ giữ lại 9% lượng nước lũ trên sông Dương Tử trong năm nay.
Theo ông Fan, đập Tam Hiệp có thể tạm thời ngăn chặn dòng lũ ở thượng nguồn, nhưng hầu như không ngăn được dòng nước lũ do mưa lớn gây ra ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Trong khi đó, trong một phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Ye Jianchun đã cảnh báo rằng nếu thời tiết tiếp tục xấu đi, thì lũ lụt trên sông Dương Tử kể từ tháng 6 có thể đẩy đập Tam Hiệp và nhiều công trình thủy lợi khác trên con sông này đến ngưỡng chịu đựng tối đa.
Trái lại, tập đoàn Tam Hiệp khẳng định rằng tình hình lũ lụt năm nay có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu đập Tam Hiệp Không được xây dựng.
Theo Asia Times, đã có một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang muốn chuyển hướng ưu tiên vào những dự án khác ngoài các dự án siêu đập thủy điện. Trong năm nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt 3 dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân hoặc mở rộng năng lực sản xuất hiện có, nhưng không có dự án xây dựng đập thủy điện mới nào được công bố.
Trong khi đó, kể từ năm 2018 đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có bất cứ chuyến thị sát kiểm tra các đập lớn hoặc dự án thủy điện nào của nước này, theo Asia Times.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: