(Tổ Quốc) - Nhiều gia đình ở các địa phương miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực không ngừng tìm kiếm những "lối đi" riêng cho việc phát triển kinh tế trên chính quê hương mình, sự nỗ lực không biết mệt mỏi này đã giúp nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế của các địa phương
- 07.12.2023 Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Ninh
- 07.12.2023 Nghệ An: Tạo sinh kế giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững
- 05.12.2023 Đưa người lao động vùng đồng bào miền núi đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo bền vững
- 01.12.2023 Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy hòa bình ở vùng Sừng châu Phi là bài học quý báu cho Việt Nam
- 30.11.2023 Phát huy vai trò của dòng họ, làng, bản trong giảm nghèo bền vững
Chị Hồ Thị Thanh, xã Trọng Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình) là người Bru-Vân Kiều sinh ra trong gia đình đông anh em, đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2000, chị lập gia đình và sinh sống trên mảnh đất quê hương mình. Cuộc sống ở vùng khó đã khó với trăm bề thiếu thốn. Mặc dù hai vợ chồng "cày sâu cuốc bẩm" cần cù, chăm chỉ, nỗ lực lao động nhưng cuộc sống gia đình vẫn vất vả, thiếu thốn trăm bề và luôn thuộc diện hộ nghèo.
Quyết không khuất phục trước hoàn cảnh, chị Thanh cùng chồng đã tìm nhiều cách để phát triển kinh tế trên điều kiện vốn có của quê hương. Ngày đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, một chút vốn ít ỏi chị Thanh chỉ chăn nuôi ở quy mô nhỏ. Sau 1 năm, mọi thứ đã dần khác đi khi việc chăn nuôi của chị có lãi, chị đã tiếp tục đầu tư để mở rộng chăn nuôi lớn hơn. Tuy nhiên, muốn chăn nuôi có hiệu quả nên chị đã tìm tòi những kiến thức ở các tài liệu, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học trong chăn nuôi được tổ chức trên địa bàn…
Với chút kiến thức được trang bị cùng sự quyết tâm cao, chị tiếp tục vay vốn và chăn nuôi lợn bản với quy mô lớn. Nhờ thực hiện đúng kỷ thuật được học, bình quân mỗi năm chị có thể bán được khoảng 30 con lợn cho thu nhập bình quân từ 70-135 triệu đồng. Bên cạnh nuôi lợn, chị Thanh còn tận dụng đất rừng, đồi để nuôi bò, trồng keo… mặt khác ở gia đình, chị mở một quầy tạp hóa để phục vụ nhu cầu hàng ngày của bà con dân bản…
Chị Hồ Thị Thanh chia sẻ: Những ngày đầu "lập nghiệp" mọi thứ rất khó khăn đối với gia đình, có những lúc cứ trăn trở, mình làm không khác người ta nhưng tại sao thu nhập từ việc làm đó lại thấp như vậy? Nung nấu ý chí vượt qua khó khăn, gia đình đã bắt đầu có những hướng đi mới cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc cho vay vốn từ đó đã dần tích góp được để thoát cái đói, cái nghèo bám riết bấy lâu nay.
Từ chăn nuôi, trồng rừng, bán hàng tạp hóa đã giúp gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, các con ăn học đầy đủ, cuộc sống ngày càng ổn định, từ hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá trong bản. Với những kiến thức được học tập, tiếp thu và kinh nghiệm thực tiễn, chị tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò, lợn, gà cho các hộ gia đình trong xã.
Không chỉ có chị Thanh, chị Hồ Thị Loan ở thôn 4 xã Xuân Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) cũng là một tấm gương nỗ lực xóa đói giảm nghèo với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương, chị Loan là một điển hình tiêu biểu về vượt khó vươn lên.
Năm 2014 gia đình chị Loan thuộc diện hộ nghèo của xã, không có vốn để làm ăn nên cả gia đình chỉ phụ thuộc vào 2,5 mẫu ruộng được giao. Là địa phương ở vùng trung du miền núi nên có những lợi thế nhất định trong việc chăn nuôi, chị Loan và gia đình đã bắt đầu nuôi bò, lợn, gà và phát triển theo hướng trang trại tổng hợp không chỉ tận dụng được lợi thế thức ăn mà còn có thể quay vòng đồng vốn, lấy ngắn nuôi dài bổ sung cho nhau…
Chị Loan chia sẽ: Để có được ngày hôm nay, gia đình trải qua không biết bao nhiêu vướng mắc, khó khăn về đồng vốn, về kĩ thuật chăn nuôi chính vì vậy lúc đầu đã có những thiệt hại về kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và thực hiện phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm" đến nay gia đình đã có kết quả khả quan trong việc phát triển kinh tế trang trại. Gia đình hiện nay có hơn 1 ha cây keo sắp đến kỳ thu hoạch và 2,5 ha cao su, nuôi thêm 30 con lợn thịt và lợn ri, 100 con gà và trồng khoảng 2 ha lạc, ngô, sắn... Trung bình mỗi năm, gia đình thu về gần 300 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống của gia đình chị ngày một đi lên.
Không chỉ gia đình chị Thanh, chị Loan mà còn nhiều gia đình khác ở vùng khó Quảng Bình đã có những sự thay đổi lớn trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và trở thành những tấm gương cho các hộ gia đình khác noi theo. Từ việc chăn nuôi, trồng rừng, bán hàng tạp hóa đã giúp gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, các con ăn học đầy đủ, cuộc sống ngày càng ổn định, từ diện nghèo, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và trở thành gia đình có điều kiện kinh tế khá và có thể trở thành giàu có trong tương lai.
Có thể nói, từ sự nỗ lực, chịu thương chịu khó, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Những nỗ lực đó không thể thành công trong ngày một ngày hai mà đó là khoảng thời gian họ sẵn sàng chấp nhận thất bại, chắt chiu kinh nghiệm để phát triển kinh tế ở vùng khó khăn…