• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine: Chủ yếu mang tính biểu tượng, nhằm củng cố liên minh

Thế giới 27/12/2022 10:32

(Tổ Quốc) - Ngày 21/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm bất ngờ tới Washington. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi Nga mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Bối cảnh chuyến thăm

Chiến sự ở Ukraine bước sang tháng thứ 10 và theo đánh giá của Mỹ đang chuyển sang một “giai đoạn mới”. Ukraine tuyên bố sẽ mở chiến dịch quân sự lớn sau khi mùa đông kết thúc nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea. Kiev đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch này. Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu vũ khí và đạn dược. Những tháng tới là thời gian mang tính quyết định đối với Ukraine.

Mỹ và các nước châu Âu là những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất gặp nhiều khó khăn, gần đây đã tuyên bố kho vũ khí của họ đã bắt đầu cạn kiệt. Nhiều nước NATO tỏ ra mệt mỏi trong việc giúp Ukraine và muốn xung đột sớm kết thúc.

Nội bộ chính quyền Mỹ có những ý kiến khác nhau về các khoản viện trợ cho Ukraine. Đảng Cộng hòa giành thắng lợi tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11/2022. Trong chiến dịch tranh cử có nhiều nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố rằng Mỹ đã chi quá nhiều tiền cho Ukraine.

Ngày 20/12/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách 1,7 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2023, trong đó có 44,9 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot và có thể cả bom điều khiển chính xác.

Bộ máy lập pháp mới do đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 3/1/2023 và các khoản viện trợ hiện nay cho Kiev đã được Quốc hội hiện nay (với đa số là các thành viên đảng Dân chủ) chấp thuận và chuẩn bị biểu quyết thông qua gói viện trợ mới trước khi bàn giao cho Quốc hội mới.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine chủ yếu mang tính biểu tượng, nhằm củng cố liên minh chống Nga - Ảnh 1.

Ngày 21/12/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm bất ngờ tới Washington gặp người đồng cấp Joe Biden. Ảnh: WSJ

Mục đích chuyến thăm

Trong tình hình như vậy, Kiev lo ngại năm tới việc phê duyệt gói viện trợ mới có thể sẽ không suôn sẻ. Do đó, nhiệm vụ chính của Tổng thống Volodymyr Zelensky là thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ chưa từng có của Mỹ cho Ukraine trị giá 44,9 tỷ USD trong khuôn khổ đạo luật tài trợ của Chính phủ Liên bang, cũng như thảo luận về các vấn đề thiết thực, chủ yếu là cung cấp vũ khí và đạn dược.

Jen Psaki - cựu thư ký báo chí Nhà Trắng - cho rằng, ông Zelensky có chuyến thăm bất ngờ tới Washington là do Mỹ có chiều hướng cắt giảm sự hỗ trợ đối với Ukraine. Bà viết trên trang Twitter: “Đây là một nỗ lực để thuyết phục Quốc hội và xã hội Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông ấy sẽ không thực hiện chuyến đi này nếu sự hỗ trợ của Mỹ không suy giảm.”

Oleksiy Goncharenko - đại biểu Verkhovna Rada (Quốc hội) của Ukraine - và Serhiy Leshchenko - cố vấn cho người đứng đầu văn phòng Tổng thống - đều nói, mục đích chính trong chuyến đi Washington của Tổng thống Zelensky là để đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ quân sự và tài chính mới cho Ukraine.

Đảng Cộng hòa Mỹ không muốn viện trợ thêm cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Zelensky nói, chuyến thăm của ông tới Washington đã mang lại “kết quả tốt”. Ngoài cam kết hỗ trợ tài chính và các thỏa thuận khác, Tổng thống Biden khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine. Washington đã công bố một gói viện trợ mới cho Kiev trị giá 1,85 tỷ USD trong đó bao gồm một đơn vị tên lửa Patriot.

Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã phân bổ thêm 374 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Tổng thống Biden cam kết tạo điều kiện để Kiev chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, đồng thời nói rằng Moscow chưa sẵn sàng cho hòa bình.

Đây là số viện trợ không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ mà nằm trong quyền hạn của Tổng thống, cho phép Nhà Trắng chuyển viện trợ cho các nước trong trường hợp khẩn cấp từ tài khoản dự trữ.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine chủ yếu mang tính biểu tượng, nhằm củng cố liên minh chống Nga - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, tại Nhà Trắng vào ngày 21/12/2022. Ảnh: AP

Các nhà phân tích chính trị và dư luận Mỹ cho rằng, chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine không đạt được kết quả mong muốn. Số tiền 44,9 tỷ USD vẫn phải chờ Quốc hội lưỡng viện biểu quyết thông qua.

Sau khi nghe bài phát biểu của ông Zelensky tại Quốc hội Mỹ, Kevin McCarthy - thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Hạ viện, người ủng hộ việc cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine - tuyên bố: "Lập trường của tôi không bao giờ thay đổi. Tôi ủng hộ Ukraine, nhưng tôi không bao giờ cho phép tiếp tục dành 'những tấm séc khống' cho Kiev khi chi hàng tỷ USD mà không biết chúng đi đâu. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi khoản tiền chúng ta chi ra cho Ukraine.”

Stephen Skalis - người tổ chức Quốc hội tại Hạ viện, nghị sỹ đảng Cộng hòa - nói với các phóng viên rằng, ông lo ngại số tiền được phân bổ cho Ukraine sẽ được sử dụng vào các mục đích khác.

Lauren Bobert - Nghị sĩ đảng Cộng hòa - cho biết, cho đến khi nhận được báo cáo tài chính đầy đủ về số tiền 50 tỷ USD đã chi, ông sẽ không ủng hộ việc phân bổ gói tài trợ mới cho cuộc chiến này.

Theo tờ Washington Post, ông Zelensky đã không đạt được mục tiêu thuyết phục Mỹ đồng ý cung cấp các loại vũ khí tấn công, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km, máy bay trinh sát Grey Eagle và Reaper. Còn Tổng thống Biden tuyên bố, Mỹ không muốn leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Robert Hunter - cựu đại sứ Mỹ tại NATO - trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Al-Jazeera, đã đánh giá thấp việc chính quyền Tổng thống Biden cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Ông nói, bước đi này của Mỹ chỉ mang mang tính biểu tượng hơn là để tăng cường thực sự cho hệ thống phòng thủ của Ukraine. Qua việc làm này, Washington muốn khẳng định sự nghiêm túc của mình trong việc hỗ trợ Kiev. Ông Biden tuyên bố, mục tiêu của Washington không phải nhằm gây căng thẳng leo thang với Moscow, mà nhằm thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin lựa chọn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Một số nhà phân tích chính trị Mỹ cho rằng, Tổng thống Mỹ Biden tiếp ông Zelensky tại Nhà Trắng là cơ hội để củng cố vai trò của mình, góp phần gắn kết liên minh của Washington, đồng thời củng cố vị thế của đảng Dân chủ trong cuộc cạnh tranh với đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.

Viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine

Tờ Le Monde của Pháp tiết lộ, đến nay Mỹ là nước đứng đầu danh sách các quốc gia viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Tở báo trích dẫn số liệu thống kê của Viện Kinh tế Quốc tế (Kiel) cho biết, kể từ tháng 1/2022 đến nay, Washington đã cung cấp hơn 47 tỷ euro (khoảng 50 tỷ USD) cho Kiev, trong đó khoảng 22,9 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) là viện trợ quân sự.

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng khoảng 16 tỷ euro (khoảng 17 tỷ USD), trong khi các quỹ của Liên minh cung cấp cho Ukraine viện trợ lên tới khoảng 30 tỷ euro (khoảng 32 tỷ USD).

Nếu đánh giá số viện trợ này dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thì Litva đứng đầu danh sách với 1,1%, tiếp theo là Estonia 0,93%, Ba Lan 0,5% và Mỹ chỉ xếp thứ 9 với 0,23%, Pháp đứng thứ 22 với 0,05%.

Các số liệu của Kiel không bao gồm các khoản hỗ trợ đặc biệt không công bố, cũng như không bao gồm chi phí cho việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ