(Tổ Quốc) - Tiếp tục ca ngợi thành tích chống dịch, CNN điểm danh những cái nhất mà Việt Nam làm được?
Trong khi thế giới nhìn châu Á là tấm gương tốt trong nỗ lực giải quyết dịch bệnh thì nhiều chú ý dồn vào các hình mẫu điển hình như Hàn Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo CNN, câu chuyện thành công thực sự trong cuộc chiến dịch bệnh phải kể đến Việt Nam.
Hãng CNN trích dẫn rằng: "Đất nước có khoảng 97 triệu dân đã có thành tích chống dịch bệnh xuất sắc khi có tới 328 ca nhiễm nhưng không có ca tử vong nào. Đó là một kết quả chống dịch tuyệt vời của một quốc gia Đông Nam Á."
Theo World Bank, Việt Nam có hệ thống y tế chưa phát triển nhưng lại đạt được thành công nhất định trong cuộc chiến dịch bệnh.
"Sau khi áp dụng lệnh phong tỏa đất nước trong ba tuần, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng Tư. Và, điều tuyệt vời là không có ca nhiễm trong nước trong thời gian 40 ngày. Các cơ sở kinh doanh và trường học đã mở cửa trở lại và cuộc sống người dân đã quay lại tốc độ bình thường", CNN viết.
Bác sĩ chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm – ông Guy Thwaites nói rằng, những con số công bố là hoàn toàn chính xác. Tôi ở đây và tôi biết không hề có các ca tử vong nào.
Ông Guy Thwaites – người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Hãng CNN đặt ra câu hỏi: Bằng cách nào Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn mức độ lây nhiễm tốt như vậy?
Theo các chuyên gia y tế công cộng, câu trả lời nằm ở việc kết hợp các yếu tố là sự chỉ thị quyết tâm của chính phủ, phản ứng nhanh chóng ngăn chặn mức độ lây lan của dịch bệnh và truy tìm, kiểm dịch nghiêm ngặt cũng như truyền thông hiệu quả.
Hành động sớm
Theo CNN, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị chống dịch Covid-19 trong nhiều tuần trước khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện. Các ca nhiễm từ Trung Quốc liên tục ghi nhận và Việt Nam đã tự mình kiểm soát dịch bệnh nhằm ngăn ngừa mức độ lây lan.
Vào đầu tháng Một, việc sàng lọc thông qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể đã áp dụng với các hành khách đến từ Vũ Hán tại sân bay quốc tế Hà Nội. Bất kỳ hành khách nào có triệu chứng sốt đều được tiến hành cách ly và kiểm soát chặt chẽ. Truyền thông quốc gia cũng luôn có thông báo kịp thời.
CNN ghi nhận, Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong toả. Các trường học và đại học thậm chí cũng đã yêu cầu đóng cửa và tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm – ông Thwaites tại thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, tốc độ phản ứng đối phó với dịch bệnh của Việt Nam là nguyên nhân chính mang lại thành công chống dịch của quốc gia này.
Truy dấu cẩn thận
Chính phủ đã ra chỉ thị truy dấu liên lạc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và áp dụng cách ly từ 2-3 tuần, CNN viết.
Hành động quyết đoán đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn mức độ lây nhiễm trong cộng đồng.
Hãng CNN cũng ca ngợi các nỗ lực của trung tâm kiểm soát dịch bệnh và bệnh viện Bạch Mai trong nỗ lực chống chọi dịch bệnh và đặt ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết.
Việt Nam cũng tiến hành xét nghiệm trên 15.000 người bệnh tại các bệnh viện, trong đó hơn 1000 người là nhân viên y tế.
Theo ông Thwaites, nỗ lực truy dấu liên lạc của Việt Nam đã đạt được mức độ thành công đáng kể.
"Việc truy dấu liên lạc nhằm ngăn cản mức độ tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp giữa các ca nhằm ngăn chặn mức độ liên quan gây bệnh. Đây là điều đặc biệt mà Việt Nam đã làm được. Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia nào khác lại có thể làm được điều tương tự như vậy", ông Thwaites nói.
Tất cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp đều phải thực hiện cách ly tại các trung tâm y tế, các khách sạn hoặc các doanh trại. Các trường hợp tiếp xúc gián tiếp được yêu cầu tự cách ly ở nhà, CNN trích dẫn chỉ đạo phòng chống dịch tại Việt Nam.
Truyền thông công cộng và tuyên truyền
Theo CNN, ngay từ bắt đầu, chính phủ Việt Nam đã truyền thông rõ ràng với người dân về sự bùng phát dịch bệnh.
Trên các trang web, các đường dây nóng và các ứng dụng điện thoại luôn cập nhật thông tin chính xác đến người dân về diễn biến dịch bệnh và hỗ trợ y tế kịp thời. Bộ Y tế cũng luôn gửi các tin nhắn đến người dân qua hệ thống tin nhắn SMS.
Chương trình tuyên truyền rộng rãi đến người dân luôn linh hoạt nhằm nâng cao ý thức về diễn biến đại dịch thông qua các loa phát thanh, các tấm áp phích đường phố và truyền thống xã hội cũng như báo chí. Vào cuối tháng Hai, Bộ Y tế đã cung cấp một video âm nhạc hấp dẫn dựa trên một bản hit pop của Việt Nam để hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách và các biện pháp vệ sinh khác trong diễn biến dịch bệnh bùng phát.
Hãng CNN cũng ca ngợi bài hát rửa tay, có tên gọi là "Vũ điệu rửa tay – Ghen Cô Vy" của Việt Nam. Thế giới tỏ ra thích thú và ủng hộ chiến dịch chống dịch của Việt Nam với hơn 48 triệu lượt xem trên Youtube.
"Người dân Việt Nam có lẽ hiểu được phòng chống dịch bệnh là cần thiết và việc tuân thủ hướng dẫn từ chính phủ sẽ ngăn chặn mức độ lây nhiễm của dịch bệnh", chuyên gia Thwaites nói.