• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CNN: Sáu năm tiếp theo cho nhiệm kỳ Tổng thống Nga sẽ khiến thế giới thay đổi

Thế giới 17/03/2018 16:36

(Tổ Quốc) - CNN đưa ra cảnh báo về sáu năm tiếp theo cho nhiệm kỳ Tổng thống Nga 2018-2024 sẽ còn khiến thế giới nhiều thay đổi.

Nhiều cáo buộc bủa vây Nga
Trong suốt 4 năm qua, Nga đã thực hiện sáp nhập Crimea, nghi ngờ việc liên quan trong bầu cử Mỹ 2016 và tăng tốc các ảnh hưởng tại nội chiến Syria với vai trò hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ảnh minh hoạ. Theo CNN
Hiện tại, trước bầu cử Nga ngày 18/3, CNN cho biết, Nga cũng đang vướng vào khủng hoảng căng thẳng với Anh sau các cáo buộc Moscow liên quan đến vụ tấn công đầu độc cựu điệp viên Nga, con gái và một cảnh sát Anh. Một quan chức quốc phòng đứng đầu nước Anh tuyên bố ngày 16/3, Nga đang “phá vỡ các quy tắc quốc tế.”
Đương kim Tổng thống Putin đang tiếp tục tham gia chiến dịch bầu cử Tổng thống Nga 2018 trong nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2024.
Các cáo buộc cho rằng, Nga đã có tác động đến bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng và gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ.
Châu Âu cũng từng có cáo buộc Moscow cũng liên can trong các vụ tấn công mạng và làm ảnh hưởng đến các phiếu bầu tại một số nước.
CNN cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc chính Nga đang cố gắng “điều chỉnh các thông tin” nhằm đảo lộn trật tự thế giới.
Các nhà phân tích trên CNN cho biết, Nga đã cố tình can thiệp trong thời gian Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc rời EU hồi năm ngoái.
Quyền lực quân sự
Tổng thống Nga Putin đã từng tuyên bố sức mạnh quân sự Nga nhiều lần. Nga gia tăng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria trong cuộc nội chiến suốt 7 năm qua.
Các máy bay và binh lính Nga đã liên tục tăng cường tại Syria. Sức mạnh của Nga đã hỗ trợ cho chính quyền ông Assad và đóng vai trò quan trọng trong xung đột Syria. Thêm vào đó, Moscow cũng gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông.
Sức mạnh quân sự Nga cũng là một ví dụ điển hình cho vụ việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga trong năm 2014. Đây là một động thái dẫn đến các trừng phạt và sự lên án của phương Tây. Tuy nhiên, Moscow lại thúc đẩy hình ảnh của một siêu cường thế giới kể từ thời gian đó.
Mặt khác, Nga cũng tiếp tục tăng cường ảnh hưởng quân sự tại Libya đồng thời gia tăng thực hiện các cuộc diễn tập quân sự chung hàng năm với Ai Cập.
“Cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu giữa các siêu cường thế giới có tín hiệu gia tăng, trong đó nổi cộm là cuộc đua vũ khí giữa Nga và Mỹ”, CNN cho biết.
Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ. Ân Độ hiện là quốc nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian 2013-2017.
Theo Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Sipri), Ấn Độ ước tính nhập khẩu khoảng 62% vũ khí từ Nga vào thời điểm này.
Các quan chức quân sự tại Mỹ, châu Âu và Afghanistan đang lo lắng về Nga có thể sẽ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho lực lượng Taliban tại Afghanistan.
Nga đang xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia tại Đông Nam Á, bao gồm Indonesia và Myanmar. Theo báo cáo của CNN, Moscow thậm chí còn hiến tặng nhiều thiết bị vũ khí và quân sự cho Philippines vào năm ngoái. Cả hai bên đã từng ký kết hợp đồng mua bán vũ khí.
Vào năm ngoái, Bộ Tài chính Nga đã thúc đẩy viện trợ cho Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng leo thang tại nước này.
“Mối quan hệ với Venezuela đã tạo cho Nga một cơ sở kinh tế và chính trị quan trọng ở Mỹ La-tinh, nhưng lại khiến cho quan hệ Mỹ và Venezuela ngày càng xấu đi”, các nhà quan sát nhận định trên CNN.
Nga cũng liên tục thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Đông Âu nhưng lại không có các thành viên của NATO như Bosnia and Herzegovina, Serbia và Macedonia.
Ngoại giao Trung Đông
Nga liên tục gia tăng các quan hệ ngoại giao với các nước Trung Đông. Mối quan hệ giữa Iran và Nga tại Syria liên tục gia tăng. Hai nước cũng đã thúc đẩy các chuyến thăm chính thức thời gian gần đây.
Vào năm ngoái, điện Kremlin đã từng chào đón vua Salman của Saudi Arabia tới nước này. Tổng thống Putin sau đó đã có màn tiếp đón chính thức với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Thêm vào đó, Moscow cũng mở rộng hợp tác với Iraq, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Nga trở thành đồng minh thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ với thương vụ vũ khí S-400 vào thời gian gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khả năng sẽ bắt đầu nhận vũ khí sau năm 2020. Tuy nhiên, lộ trình mua bán có thể thay đổi nếu Nga chấp thuận việc giao S-400 sớm hơn.
“Chúng tôi đã thảo luận về việc phân phối S-400. Các chuyên gia quân sự đang hối thúc nhanh quá trình này. Nga phản ứng tích cực từ thỉnh cầu mua hệ thống phòng thủ S-400 của Ankara”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên hãng tin TASS.
Mỹ liên tục phản đối động thái này. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến tới ký thỏa thuận mua S-400 vào tháng 9/2017. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký khoản tiền mua S-400, tuy nhiên, thương vụ mua bán liên tục gặp rắc rối khi Washington tuyên bố lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất vũ khí của Nga.
Tuy nhiên, Nga và Mỹ lại chưa có được cuộc gặp gỡ chính thức nào trong thời gian gần đây mặc dù cả Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đều tuyên bố hứa hẹn phục hồi quan hệ hai nước. Và các căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên tục gia tăng. Các nhà quan sát dự báo trên CNN, sáu năm tiếp theo cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga kéo dài đến năm 2024 sẽ khiến thế giới nhiều thay đổi.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ