(Tổ Quốc) - Một số đồng minh quan trọng của Mỹ đang tính đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân đối phó với tình trạng giảm lượng khí thải và gián đoạn kinh tế do giá nhiên liệu hóa thạch biến động.
Giải quyết khủng hoảng năng lượng
Theo Washington Exammer, Vương quốc Anh và Pháp đang tiếp tục đưa ra thời hạn và đầu tư thêm chi phí hỗ trợ mở rộng sản xuất điện hạt nhân.
Chính phủ Anh cam kết đạt mục tiêu 100% điện sạch vào năm 2035 và đang lên kế hoạch đưa hạt nhân trở thành "cốt lõi" cho ngành điện trong những thập kỷ tới. Với kế hoạch chiến lược mang tên "Xây dựng lại môi trường xanh hơn", Vương quốc Anh đặt ra mục tiêu phải đảm bảo quyết định đầu tư vào nhà máy hạt nhân quy mô lớn.
Kế hoạch cũng bao gồm đề xuất tạo "Quỹ hỗ trợ năng lượng hạt nhân" trong tương lai trị giá 120 triệu bảng Anh (165 triệu đô la) để hỗ trợ mục tiêu liên quan đến "rào cản gia nhập" của dự án mới. Tờ The Guardian báo cáo, Thủ tướng Anh Boris Johnson có khả năng sẽ tiếp tục tài trợ dự án xây dựng 16 lò phản ứng nhỏ với công suất 470 megawatt/lò.
"Chúng ta phải quay trở lại với năng lượng hạt nhân và tăng cường sản xuất năng lượng sạch. Điều đó sẽ giảm đi chi phí năng lượng và chi phí vận tải", Thủ tướng Johnson nói trong bài phỏng vấn hồi đầu tháng.
Cũng như Anh, Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng quy mô điện hạt nhân sau khi nước này đóng cửa hầu hết các lò phản ứng hạt nhân kể từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011.
Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do - Akira Amari nhấn mạnh, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 46% lượng khí thải carbon vào năm 2030, đồng nghĩa với việc nước này sẽ cho hoạt động trở lại khoảng 30 lò phản ứng hạt nhân.
Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng toàn cầu, Nhật Bản đang muốn vượt qua rào cản để thực hiện chiến dịch năng lượng sạch.
"Nhật Bản thực sự không có nhiều lựa chọn tốt hơn", ông Rich Powell, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng CleanPath nói. 'Hiện nước này đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ hết sức nỗ lực bảo vệ kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Vào ngày ngày 8/8, Thượng viện Mỹ đã gặp trở lại trong nỗ lực hướng tới việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD nói trên.
Dự luật cũng đưa ra khả năng hỗ trợ công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến ở quy mô nhỏ, đồng thời hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính.
Sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân
Theo Washington Exammer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuy rất thận trọng về chủ đề năng lượng hạt nhân nhưng gần đây lại xem vấn đề này như một "cơ hội" thực sự cho đất nước của mình. Gần đây, ông Macron đã kêu gọi các doanh nhân trong nước thực hiện dự án liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR).
Pháp là quốc gia có tỷ trọng năng lượng điện hạt nhân lớn hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Chính quyền Tổng thống Emmaunuel Macron vừa cam kết chi tiêu khoảng 35 tỷ đô la trong thập kỷ tới nhằm "tái công nghiệp hóa" ở Pháp. Và Kế hoạch "nước Pháp 2030" sẽ liên quan đến việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân mới loại nhỏ.
"Mục tiêu số 1 là sở hữu lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ mang tính sáng tạo ở Pháp vào năm 2030 nhằm tăng cường quản lý chất thải tốt hơn", Tổng thống Macron phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp.
"Cạnh tranh là chính sách liên tục của chính phủ Pháp nhằm giảm tới 50% tỷ trọng điện năng từ hạt nhân và ủng hộ năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, năng lực năng lượng toàn cầu hiện tại cần phải thay đổ", ông Ted Nordhaus – nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu hạt nhân Viện Breakthrough cho biết.
"Chúng ta có thể thấy lợi ích của hạt nhân vào thời điểm này trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng sạch. Pháp dường như là quốc gia duy nhất ở châu Âu không đối mặt với khủng hoảng năng lượng", ông Nordhaus cho biết thêm.
Theo ông Marc-Antoine Eyl-Mazzega, Giám đốc Trung tâm năng lượng và khí hậu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), không chỉ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hay Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) mà tất cả các tổ chức quốc tế đều thống nhất rằng, để giảm phát thải khí nhà kính, thế giới cần phải tăng cường tất cả các nguồn sản xuất điện không thải ra carbon, trong đó có điện hạt nhân.
Ngay cả các nhà đầu tư, những người đã từ bỏ lĩnh vực điện hạt nhân đang bắt đầu lấy lại niềm tin. Trong những năm gần đây, họ đã đầu tư rất nhiều vào các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR) vốn được xem là tương lai của năng lượng hạt nhân.
"Khủng hoảng năng lượng giúp chúng ta tìm đến năng lượng hạt nhân để sản xuất điện sạch. Điều đó có thể đoán trước được và có thể chúng ta phải phụ thuộc vào nó trong 80 năm tới", ông Powell nhận định./.