• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ hội nào cho Mỹ - Cuba sau 60 năm trừng phạt liên tục

Thế giới 07/02/2022 15:09

(Tổ Quốc) - Đến ngày 7/2/2022, Cuba đánh dấu tròn 60 năm nước này bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt và cho tới nay chưa có tín hiệu được gỡ bỏ.

Quyết định cấm vận Cuba được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ký vào ngày 3 tháng 2 năm 1962, có hiệu lực sau đó 4 ngày và áp dụng đối với mọi hoạt động thương mại song phương. Các lệnh trừng phạt này vẫn được duy trì trong suốt sáu thập kỷ qua và được cho là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Cuba bị thiệt hại lên tới khoảng 150 tỷ USD.

Hiện diện trên mọi khía cạnh của cuộc sống

Tại Havana, không thể bỏ qua tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các cảng biển vắng lặng khi Washington cấm tất cả các tàu du lịch, các đoàn trao đổi văn hóa và giáo dục - từng là động lực của ngành công nghiệp lớn nhất nước này. Các chi nhánh của Western Union đã đóng cửa khi Mỹ cấm tất cả các khoản chuyển tiền thông qua các công ty Cuba và các chi nhánh của họ cho hàng triệu gia đình Cuba dựa vào nguồn kiều hối từ nước ngoài. Các bệnh viện cũng gặp khó khăn khi lệnh cấm vận của Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ y tế có các thiết bị của Mỹ - dẫn đến tình trạng thiếu thuốc không kê đơn nghiêm trọng. Ngay cả Internet cũng gặp khó khăn khi người dân Cuba không thể sử dụng Zoom, Skype hoặc Microsoft Teams để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Nhà khoa học chính trị Rafael Hernandez cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ khởi đầu được coi là một "công cụ quân sự và chiến lược" trong bối cảnh chiến tranh. Và mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng "lợi ích địa chính trị" của Mỹ vẫn là yếu tố quyết định lập trường của nước này đối với Cuba, ông nói.

Cơ hội nào cho Mỹ - Cuba sau 60 năm trừng phạt liên tục - Ảnh 1.

Các lệnh trừng phạt đã có tác động lớn tới đời sống kinh tế của Cuba. Ảnh: AFP.

Tình hình chính trị trong nước của Mỹ cũng đóng một vai trò nhất định, khi lá phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba có khả năng làm chao đảo các bang chiến địa như Florida trong các kỳ tổng tuyển cử và bầu cử quốc hội.

Phần nào được nới lỏng trong một thời gian ngắn dưới thời Tổng thống Barack Obama, các biện pháp trừng phạt đối với Cuba đã được tăng cường bởi người kế nhiệm Donald Trump, người đã bổ sung 243 biện pháp trừng phạt mới.

Lý giải điều này, Michael Parmly, Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba, trong thời gian từ 2005 đến 2008 cho rằng: Khi vào Nhà Trắng, ông Trump coi Florida là quan trọng đối với mình theo quan điểm bầu cử và muốn được sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba. Sau đó, ông ta xác định một số nhóm trong cộng đồng này, chọn ra lực lượng bảo thủ nhất, và quyết định áp dụng một quan điểm cực đoan đáp lại lợi ích của nhóm đó. Theo tôi đó là một sai lầm.

Cơ hội nào cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba?

Thông tin về tình hình quan hệ hiện nay giữa Cuba và Mỹ cũng như cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với hòn đảo này, Michael Parmly cho hay: Tiềm năng giữa hai nước là rất lớn. Chuyên gia này cũng nhận định rằng Tổng thống Mỹ sẽ thay đổi tình trạng quan hệ với Cuba, nhưng ông sẽ hành động thận trọng, từng bước một.

Về các khía cạnh cần chú ý trong việc cải thiện quan hệ, ông Parmly cho rằng: Đầu tiên phải kể đến sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Cuba. Nó mang tính biểu tượng vì đó là một Đại sứ quán làm việc và lắng nghe. Nếu ông Joe Biden muốn hiểu về người dân Cuba, ông ấy phải tiếp xúc với Havana. Quan hệ hai bên sẽ không thể tiến triển nếu không có sự đồng ý của người Cuba. Khía cạnh thứ hai là căn cứ hải quân Guantanamo. Sự hiện diện của Mỹ ở Guantánamo là không hợp lý. Sự hiện diện của Mỹ có thể được triển khai theo một cách khác chứ không phải là bằng một căn cứ quân sự.

Tình hình của người dân Cuba cũng cần được Chính quyền Biden quan tâm. Mối quan hệ giữa các chính phủ là quan trọng, nhưng chính sách ngoại giao luôn vận động. Lúc này người dân Cuba đang rất vất vả và cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi tiền kiều hối của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba tới hòn đảo này. Vấn đề nhập cư cũng rất quan trọng. Cần phải quay trở lại chính sách di cư nhân đạo. Những người cộng hòa đang tìm mọi cách ra sức đưa vấn đề này trở thành một thứ công cụ gây sức ép, còn ông Biden thì đương nhiên tỏ ra thận trọng đối với chuyện này, nhà ngoại giao kỳ cựu Parmly cho hay.

Từ khi nhậm chức cho tới nay, ông Biden vẫn chưa thể hủy bỏ các biện pháp trừng phạt bất thường đối với Cuba dưới thời ông Trump cũng như chưa có nhiều cải thiện trong chính sách quan hệ đối với Havana.

Nhận định về khả năng Mỹ sẽ chấm dứt chính sách thù địch đối với Cuba, ông Michael Parmly cho rằng: Như những gì tôi biết về người Mỹ, tôi e rằng điều đó đòi hỏi thời gian. Người dân Cuba không thù địch với Mỹ. Hầu hết người Mỹ cũng không thù địch với Cuba. Nhưng có một số ít người Mỹ, vì nhiều lý do, có thái độ thù địch với Cuba. Hy vọng rằng tương lai sẽ có sự trở lại của một chính sách như dưới thời Obama vì ông ấy hiểu tâm thế người Cuba và điều đó đã được thể hiện trong chuyến đi thăm hòn đảo này vào năm 2016.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ