• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ do thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm của người đứng đầu

Kinh tế 07/11/2018 08:19

(Tổ Quốc) - Nguyên nhân đầu tiên khiến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm trễ được ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đưa ra là do sự thiếu quyết liệt, ngại đổi mới tư duy và sợ trách nhiệm, sợ mất vị trí của những người đứng đầu các doanh nghiệp (DN).

Chậm trễ do thiếu quyết liệt, ngại đổi mới tư duy và sợ trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN, trong đó, đã tiến hành cổ phần hóa nhiều DN quy mô rất lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty Phát điện 3, Điện lực Dầu khí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn… Theo đánh giá, sau khi cổ phần hóa số lượng cổ phiếu IPO của các DN này đều bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. .

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ do thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm của người đứng đầu  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Phùng Nguyên.

Về công tác thoái vốn nhà nước tại DN, cũng từ năm 2016 đến tháng 10/2018, đã có các thương vụ lớn thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk… đã thu về gần 160.000 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với con số 55 DNNN cổ phần hóa của năm 2016). 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), với tổng giá trị DN đạt hơn 40,6 tỷ đồng, trong đó, thu từ cổ phần hóa đạt gần 22,5 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng "chúng ta chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được. Trong khi các DN 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực NN đầu tư, thậm chí một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn".

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình cổ phần hóa DNNN diễn ra rất chậm. "Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% DN có kế hoạch cổ phần hóa. Mặc dù vậy, kết quả gần đây cho thấy, DN bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các DN chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng không bán được, chẳng hạn như GENCO 3. Họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn".

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng nêu ra một số nguyên nhân chính giải thích cho tiến trình cổ phần hóa DNNN còn chậm trễ. Đầu tiên là do sự thiếu quyết liệt, ngại đổi mới tư duy và sợ trách nhiệm, sợ mất vị trí của những người đứng đầu các DN.

Một số DN, cá nhân vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, một số lãnh đạo còn vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Bên cạnh đó, một số DNNN chậm đổi mới DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, trang thiết bị còn lạc hậu, bộ máy DNNN còn cồng kềnh, hiệu quả kém.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân như tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến thiếu sức hút đối với các nhà đầu tư; một số DN sau khi chuyển sang công ty cổ phần lại khó khăn trong việc thay đổi quản trị DN.

Một nguyên nhân khá phổ biến khiến quá trình cổ phần hóa DNNN kéo dài đó là việc xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ do thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm của người đứng đầu  - Ảnh 2.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa DNNN chậm trễ là do sự thiếu quyết liệt, ngại đổi mới tư duy và sợ trách nhiệm, sợ mất vị trí của những người đứng đầu các DN. Ảnh: Phùng Nguyên.

Giải pháp nào cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh đến nhóm giải pháp về nhận thức: "Tiếp tục tuyên truyền, làm rõ các nội dung đổi mới về chính sách đất đai, trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bao theo nguyên tắc đúng pháp luật, trách nhiệm của các địa phương phải rõ trong vấn đề sắp xếp đất đai như thế nào?".

"Vấn đề tiếp theo là công khai, minh bạch thông tin, công khai ra sẽ giúp các nhà đầu tư, người dân yên tâm. Vấn đề về thị trường cần tính đúng, tính đủ giá trị của DN sát với thị trường", ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, các Bộ, ngành sẽ phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế, những gì đã ban hành đúng pháp luật rồi, phù hợp rồi thì tiếp tục phát huy, còn gì chưa rõ thì phải làm rõ. Sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa các bộ luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn, Luật lao động… đây là trách nhiệm mà Chính phủ giao từ nay đến 2020 phải hoàn thiện thể chế này.

Các doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới quản trị, nâng cao công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Phải làm nghiêm, trong trường hợp không công khai hay công khai chậm sẽ phải xử lý trách nhiệm bằng hành chính, thậm chí xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Nhóm giải pháp quan trọng nữa theo ông Tiến đánh giá đó là giải pháp về giám sát, kiểm tra. Cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, trong đó phải thanh tra cả việc chấp hành, thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao nhằm đảm bảo tính nghiêm theo kế hoạch, thanh tra cả trách nhiệm người đứng đầu.

Việc "siêu" Ủy ban quản lý vốn nhà nước được thành lập, theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,  là một bước tiến trong quá trình cải cách DN, giúp cho việc chỉ đạo, giám sát cũng như kiểm tra được tập trung hơn. Một đầu mối sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, đồng thời cũng kịp thời lắng nghe những ý kiến, những vướng mắc trong quá trình thực hiện để phối hợp với các Bộ quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh, xử lý kịp thời hơn. "Đồng thời, một đầu mối chịu trách nhiệm sẽ cao hơn, và khi gắn với trách nhiệm rồi thì các công việc sẽ trôi chảy hơn và đạt kết quả tốt hơn", ông Tiến nhận định.

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ