• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Có tình trạng "làm giá" thịt lợn?

Kinh tế 18/12/2019 14:08

(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, có hiện tượng găm hàng, "làm giá" lợn hơi. Có một số trang trại lớn bán nhỏ giọt trong khi các hộ dân nhỏ lẻ không còn lợn để bán. Điều này càng khiến tình trạng khan hiếm hàng thêm nghiêm trọng.

Sáng 18/12, giá lợn hơi tại Hưng Yên tiếp tục tăng lên 97.000 đồng/kg, đây cũng là mức được nhìn thấy tại Ninh Bình. Giá lợn hơi tại Nam Định cũng tăng 2 giá, lên 90.000 đồng/kg.

Về cơ bản, giá lợn hơi tại các địa phương phía Bắc dao động trong khoảng 90.000 - 97.000 đồng/kg, phổ biến ở mức 92.000 đồng - 93.000 đồng/kg.

Tại Công ty chăn nuôi CP miền Bắc, giá lợn hơi được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/kg; đánh dấu đợt tăng thứ 9 liên tiếp. 

Hiện giá thịt lợn thành phẩm bán tại các chợ dân sinh đang ở mức 170.000 đồng – 190.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12/2019. Tại các siêu thị, giá thịt lợn các loại đang dao động quanh mức 200.000 đồng - 210.000 đồng/kg...

Bởi người tiêu dùng luôn coi mặt hàng thịt lợn là thiết yếu trong mỗi bữa cơm của gia đình nên nhu cầu tiêu thụ vẫn cao. Điều đáng nói là lượng thịt lợn bán ra tại các chợ dân sinh, các siêu thị... đến thời điểm này vẫn khá nhiều, tuy nhiên, giá thành lại tăng vọt chưa từng thấy. 

"Tôi là người nội trợ chính trong gia đình nên hầu như ngày nào cũng phải đi chợ. Theo dõi giá cả thịt lợn lâu nay tôi thấy người bán hàng tăng giá theo kiểu vô tội vạ. Lần nào mua hàng tôi cũng thấy họ than nguồn cung hiếm, nào là vất vả lắm mới "tranh cướp" được nửa con lợn... rồi lại tăng vài giá khi bán lẻ cho người tiêu dùng. Dù vậy, lượng thịt lợn bán ra ở khu vực chợ này vẫn rất dồi dào chứ không khan hiếm như người ta nói", chị Minh (người dân khu vực chợ 8-3, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ. 

Có tình trạng "làm giá" thịt lợn? - Ảnh 1.

Ảnh: Hà Giang

Cũng giống như chị Minh, chị Lan Anh (người dân khu vực chợ Xanh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị thấy hoang mang vì giá thịt lợn tăng theo tuần mà không có cơ sở nào để theo dõi. Giá thịt tại chợ này hiện khoảng 180.000 đồng/kg - 190.000 đồng/kg tùy loại. 

"Theo tình hình hiện nay thì người bán "hét" giá bao nhiêu, người tiêu dùng chúng tôi phải "móc túi" trả bấy nhiêu vì chẳng có cơ sở nào để theo dõi giá cả", chị Lan Anh chia sẻ. 

Không chỉ giá thịt lợn, giá các sản phẩm chín có nguyên liệu từ thịt lợn cũng tăng chóng mặt. Chị Phương (KĐT Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chiều ngày 17/12 chị qua một vài địa điểm để xem xét đặt giò cho cơ quan làm quà cho nhân viên dịp Tết Nguyên Đán thì được chủ các cửa hàng "hô giá trên trời".

"Khi tôi hỏi giá giò lụa thì họ lạnh lùng trả lời là 250.000 đồng/kg. Còn Tết thì không nói trước được, tùy theo giá thịt lợn hơi và tùy theo thị trường. Gía dịp Tết có thể là 320.000 đồng/kg hoặc hơn và dù có đặt 1.000 kg cũng không giảm giá", chị Phương hoang mang. 

Tương tự với bánh chưng, một số chủ cửa hàng thực phẩm chín cũng "khẳng định" với chị Phương rằng, bánh chưng hiện tại có giá từ 40.000 đồng - 60.000 đồng/chiếc nhưng dịp Tết sẽ tăng cao, "chắc chắn" loại bé nhất sẽ có giá 60.000 đồng/chiếc, cao thì 80.000 đồng - 90.000 chiếc...

Có tình trạng "kéo giá lên"?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi từng cho hay, giá lợn hơi hiện tại là do người Việt kéo lên... Theo ông, sắp tới cần thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp, trong đó vấn đề đầu tiên là phải tuyên truyền đầy đủ về nguồn cung, giá, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Thông tin phải chính xác và dựa vào giá chủ lưu, không được nói về giá cá biệt.

Còn việc xử lý trong lưu thông, làm sao để người giết mổ nhỏ lẻ phải tiếp cận được nguồn cung lợn thịt để có nhận thức đúng và có sự tiêu thụ, bán thịt lợn đúng giá theo thị trường.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho ràng, nếu có tình trạng đầu cơ, găm giá thịt lợn thì sẽ hoàn toàn sai với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả thịt lợn và giá cả thị trường, nhất là trong những ngày sắp đến Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020.

Theo ông Phú, thịt lợn tăng giá vô lý làm cho bà con kinh doanh heo gặp khó khăn, đồng thời làm ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng xã hội. Cần rà soát kiểm tra giá bán heo hơi của các công ty chăn nuôi lớn ở phía Bắc, miền Trung nếu có những hiện tượng này cũng phải xử lý kiên quyết.

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12/12 của Bộ Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thịt lợn là một trong những mặt hàng ưu tiên để đảm bảo cung cầu dịp trước và sau Tết. 

Bộ đã thực hiện công tác bình ổn thị trường cuối năm, trong đó có mặt hàng thịt lợn trong Tết và sau Tết. Vừa qua, Bộ cũng đã ban hành chỉ thị 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Đối với riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết hiện nay thị trường đang bước vào các dịp lễ tết cuối năm, do đó nhu cấu thịt lợn tăng lên.

Ông Thắng cũng tiết lộ có hiện tượng găm hàng, "làm giá" lợn hơi. Có một số trang trại lớn bán nhỏ giọt trong khi các hộ dân nhỏ lẻ không còn lợn để bán. Điều này càng khiến tình trạng khan hiếm hàng thêm nghiêm trọng".

Mặc dù cơ quan quản lí nhà nước khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang ăn các loại thịt khác như gia cầm, thịt bò, cá, trứng...nhưng theo ông Thắng thịt lợn vẫn chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn, khoảng 60% và vẫn chưa thể cân bằng lại được.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ