(Tổ Quốc) - Tổng thống Trump giờ đây có cơ hội không chỉ giải cứu tiến trình kiểm soát vũ khí hạt nhân mà còn thay đổi được nó.
Đây là nhận định của hai cây viết Richard Burt và Jon Wolfsthal trên trang National Interest NI ngày 10/5.
Ông Donald Trump đã tweet rằng ông muốn ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm và tốn kém giữa Hoa Kỳ và Nga, và ngăn chặn một cuộc chiến mới với Trung Quốc, bằng cách đàm phán một hiệp ước ba bên mới giữa các quốc gia hạt nhân này.
Tín hiệu tích cực từ ông Trump
Sự quan tâm của Tổng thống Mỹ đến việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, một phần, có thể xuất phát từ kết luận từ cuộc điều tra của Mueller. Lúc này, ông Trump có thể tin rằng đang có một số không gian chính trị để giải quyết các vấn đề quan trọng với Nga và có thể tìm kiếm một thỏa thuận cắt giảm hạt nhân lịch sử mới.
Dù lý do là gì, mối quan tâm mới này đến như một tin tức đáng hoan nghênh.
Đã một thập kỷ kể từ khi Washington và Moscow ký kết thỏa thuận hạt nhân cuối cùng của họ, được gọi là thỏa thuận START mới và hai cường quốc, vốn vẫn sở hữu 95% vũ khí hạt nhân của thế giới, đều đang tích cực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Mỹ cần có cách tiếp cận thích hợp để tiến tới kiểm soát hạt nhân cùng Nga và Trung Quốc. (Nguồn: AFP/Getty)
Đối với Nga, tiến trình hiện đại hóa này bao gồm một thế hệ mới các tên lửa tầm xa liên lục địa hạng nặng và các hệ thống hoàn toàn mới, như máy bay không người lái dưới nước tầm xa và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân. Còn chương trình hiện đại hóa của Mỹ sẽ thay thế toàn bộ "bộ ba" hạt nhân tên lửa đất liền và trên biển cùng với máy bay ném bom tầm xa với chi phí từ 1,5 nghìn tỷ USD trở lên.
Tính tới cả những nguy cơ và chi phí liên quan đến một vòng chạy đua vũ trang khác, giờ đây, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn các thỏa thuận mới sâu rộng với Nga sẽ lần đầu tiên đưa Trung Quốc vào quá trình này.
Việc cố gắng ngăn chặn Nga hiện đại hóa hạt nhân và mở rộng kiểm soát vũ khí sang Trung Quốc là một ý tưởng lớn và là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, theo 2 chuyên gia trên, đặc biệt, trong trường hợp của Trung Quốc, điều đó là cực kỳ tham vọng: kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bằng một phần mười quy mô kho dự trữ của Nga và Mỹ, và Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận một kết quả khiến họ rơi vào tình trạng thua sút hơn nữa so với Washington và Moscow.
Con đường 3 giai đoạn
Vấn đề không nằm ở ý tưởng lớn, mà là đang diễn ra quá sớm. Nỗ lực mở rộng quy mô thỏa thuận hạt nhân đưa cả Trung Quốc vào hiện tại có vẻ như là một ý tưởng tốt, nhưng trên thực tế, sẽ có rất ít hoặc không có cơ hội đạt được. Tổng thống Mỹ đang muốn quá nhiều và quá sớm. Các cây viết này, với sự nghiên cứu về kiểm soát vũ khí trong ba mươi năm qua cho rằng, cách tiếp cận ba giai đoạn sẽ có hiệu quả hơn và có thể đạt được kết quả tương tự mặc dù ở thời gian dài hơn. Kế hoạch này sẽ đưa Tổng thống Trump đến nơi ông muốn đi và nơi, theo quan điểm của họ, nước Mỹ cần phải đi.
Trong giai đoạn đầu tiên, ngay từ cuộc họp thượng đỉnh G-20 Osaka vào cuối tháng 6 tới, ông Trump và ông Vladimir Putin nên đồng ý với việc gia hạn ngay lập tức và vô điều kiện hiệp định START mới. Hiện tại được thiết lập sẽ hết hạn vào năm 2021, thỏa thuận này có thể được gia hạn mà không cần sự chấp thuận của Duma Quốc gia Nga hay Quốc hội Mỹ thêm năm năm nữa. Điều này sẽ đảm bảo khả năng dự đoán tốt về hạt nhân trong thập kỷ tới. Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện nên hoan nghênh một động thái mà họ đã phê chuẩn vào năm 2010.
Việc mở rộng START mới sẽ cho phép hai bên nhanh chóng bước vào giai đoạn thứ hai, mở rộng và giảm sâu hạt nhân với Nga. Mục tiêu là giảm các đầu đạn hạt nhân được triển khai của Mỹ và Nga xuống còn khoảng 1000 mỗi bên, dựa trên khuôn khổ START mới. Nhưng điều này là không đủ. Một cuộc đàm phán mới giữa Hoa Kỳ và Nga cũng sẽ cần giải quyết các vấn đề quan tâm bổ sung cho cả hai bên. Đối với Washington, điều này sẽ bao gồm việc Nga có lợi thế đáng kể trong các vũ khí chiến lược tàu ngầm tầm ngắn, có nguy cơ đe dọa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á và các lực lượng Mỹ được triển khai ở nước ngoài. Về phần mình, Moscow sẽ muốn hạn chế các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cũng như một thế hệ vũ khí tấn công chính xác, vũ trang thông thường mới.
Không điều nào trong số này sẽ dễ dàng và, như đã từng xảy ra trong quá khứ, một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Nga có thể mất nhiều năm để đạt được. Nhưng nếu hai bên có thể giảm lực lượng tấn công chiến lược xuống cấp thấp hơn đồng thời mở rộng giới hạn thỏa thuận bao trùm cả vũ khí chiến thuật và hệ thống phòng thủ tên lửa, thì hai cây viết này tin rằng giai đoạn này sẽ đặt nền tảng cho giai đoạn thứ ba của quá trình, đưa Trung Quốc vào.
Điều này chỉ có khả năng xảy ra nếu việc cắt giảm được đưa ra trong một thỏa thuận mới là đủ để lôi kéo Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng đối với Washington và Moscow là duy trì cho kỳ vọng của họ thành hiện thực. Trung Quốc, ít nhất là ngay từ đầu của bất kỳ quá trình đàm phán nào, có lẽ sẽ chỉ chuẩn bị để thảo luận về các nguyên tắc chung cho việc kiềm chế hạt nhân thay vì các giới hạn nghiêm ngặt, có thể kiểm chứng. Nhưng ngay cả điều này sẽ là một thành tựu quan trọng, cũng như các cuộc thảo luận thực sự về học thuyết chiến lược điều chỉnh việc sử dụng hạt nhân và leo thang.
Do đó, việc thực hiện ý tưởng lớn tiếp theo trong việc kiểm soát vũ khí, đạt được giới hạn hạt nhân của Mỹ, Nga và Trung Quốc, sẽ không nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng điều đó không cho thấy rằng nó không nên được theo đuổi. Thách thức không nằm ở cách nghĩ của Tổng thống trong vấn đề này, mà nằm ở cách tiếp cận của ông, điều có thể sửa đổi để đạt được tiến bộ thực sự.
Nhưng bất kỳ nỗ lực thực sự nào theo lộ tuyến này cần phải nhận ra rằng bước đầu tiên là mở rộng hiệp ước START mới hiện có. Không có điều này, tất cả phần còn lại có thể trở thành không thể. Tổng thống giờ đây có cơ hội không chỉ giải cứu quá trình kiểm soát vũ khí hạt nhân mà còn thay đổi nó.