(Tổ Quốc) - Phải mất đến 7 năm kể từ mùa hè năm 2008 - thời điểm một nhà ngoại giao Mỹ lần đầu tiên ngồi vào bàn thảo luận với một đồng cấp người Iran – cho tới khi hai bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 với mục địch ngăn cản Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Không ai biết chắc được sẽ cần bao lâu để tái thiết lập hiệp định trên sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ đơn phương rời đi. Tuy nhiên các quan chức Mỹ và châu Âu cảnh báo, nếu thực sự bắt đầu, quá trình sẽ dài hơi và rất vất vả.
Giữa tuần trước, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, họ sẵn sàng gửi đặc phái viên Rob Malley tới gặp giới chức Iran và tìm kiếm một con đường khôi phục thỏa thuận. Được ký kết bởi Tehran và 6 cường quốc khác, thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Mặc dù ban đầu đưa ra các tín hiệu khá hỗn loạn, nhưng hôm Chủ nhật (21/2), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarid bày tỏ thái độ cứng rắn hơn khi nói: "Mỹ sẽ không thể tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân trước khi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt".
Nội dung chính của thỏa thuận là Iran sẽ giới hạn chương trình làm giàu uranium của mình. Đổi lại, Tehran sẽ nhận được viện trợ và giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế khác.
Về mặt lý thuyết, sẽ không khó để quyết định việc tái xem xét một hiệp định mà các điều khoản đã được soạn thảo chi tiết trong 110 trang nội dung chính và phụ lục. Tuy nhiên, trong thực tế, có hai nguyên nhân khiến mong muốn trên trở thành một thách thức: Thứ nhất là số lượng các lệnh trừng phạt chính quyền Trump áp dụng lên Iran sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018; Thứ hai là các vi phạm hiệp định của Iran, nhằm trả đũa Washington và châu Âu sau khi chờ đợi hơn một năm mà không nhìn thấy tín hiệu tích cực nào.
Bề ngoài, cả hai phía cho tới thời điểm hiện tại đều hướng về vấn đề ai sẽ có động thái đầu tiên để khôi phục thỏa thuận. Tuy nhiên, mỗi nước lại khăng khăng đòi hỏi bên kia phải bước đi trước. Một quan chức Mỹ chia sẻ với Reuters, diễn biến tiếp theo cần phải có sự khéo léo. "Vấn đề ai hành động trước… tôi không nghĩ điều đó là điều khó khăn nhất", người này nhận xét, đồng thời đặt câu hỏi: "Thách thức chính là mỗi bên sẽ định nghĩa việc tuân thủ [thỏa thuận] là như thế nào. Theo ông, Mỹ sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nào và "các bước đi của Iran có thể đảo ngược được không?".
Chính trị, tù nhân và các lực lượng ủy nhiệm
Đối với các bên tham gia ký kết gồm: Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ, JCPOA yêu cầu Washington chỉ chấm dứt các lệnh trừng phạt "liên quan tới hạt nhân" đối với Iran.
Sau khi rời bỏ thỏa thuận, ông Trump áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt mới viện dẫn nhiều lý do khác, bao gồm cả cáo buộc Iran tài trợ cho khủng bố.
Các chuyên gia nhận định, sẽ là một sai lầm chính trị - thậm chí là bất khả thi nếu Tổng thống Biden đáp ứng các yêu cầu của Tehrran là gỡ bỏ những lệnh trừng phạt mới. Đảng Cộng hòa vả cả một số thành viên Đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ chỉ trích điều này.
"Đây là một vấn đề mang tính nhạy cảm về mặt chính trị tại nước Mỹ", học giả Henry Rome từ Eurasia Group chỉ ra. "Hai nhóm đàm phán cần phải thông qua một tiến trình với cường độ cao để quyết định cái gì cần giữ lại và cái gì cần bỏ đi".
Một thách thức khác là sự ủng hộ của Tehran dành cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, bao gồm cả những tay súng từng bị cáo buộc tấn công vào quân đội Mỹ. Mới đây, một vụ tấn công tên lửa vào lực lượng do Mỹ lãnh đạo tại miền bắc Iraq đã khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng và một lính Mỹ bị thương. Tình hình khiến khả năng Washington chấp nhận nhượng bộ ngày càng trở nên xa vời hơn.
Bên cạnh đó, mong muốn của Washington muốn thả các công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Iran – lại là một thách thức khác. Cũng trong ngày 21/2, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với các quan chức Iran về vấn đề này.
Mặc dù một số hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã thực hiện như việc làm giảm uranium trên 3,67%... có thể đảo ngược lại, một số khác lại không thể, trong đó bao gồm cả kết quả nghiên cứu và phát triển về các máy ly tâm có thể giúp Iran làm giàu uranium tới mức độ phù hợp cho chế tạo vũ khí.
Chính quyền Tehran còn phải đối mặt với khó khăn liên quan đến bất kỳ động thái nào từ chính quyền Biden trong bối cảnh Iran chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Sáu. Tỷ lệ đi bỏ phiếu được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ cầm quyền.
Nền kinh tế Iran đang đối mặt nhiều khủng hoảng và bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và dịch bệnh COVID-19. Điều đó khiến giới lãnh đạo Iran không có nhiều sự lựa chọn ngoài đàm phán. Tuy nhiên quyết định cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Hiện vẫn chưa rõ hai bên có quay trở lại được bàn thương thảo hay không.
Iran đã đe dọa sẽ tiếp tục không tuân thủ thỏa thuận từ thứ Ba (23/2), trong đó đáng chú ý là dừng cho phép các kiểm soát viên của Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra nhanh. Theo giới phân tích, quyết định trên chỉ đem lại thêm nhiều khó khăn.
"Mặc dù tất cả chúng ta đều đang ở trong một tình huống bấp bênh và sẽ càng mong manh hơn nữa trong những ngày tới, việc nhanh chóng nối lại các hoạt động ngoại giao vẫn là điều rất quan trọng", một nhà ngoại giao giấu tên người Pháp cho hay.