• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Cơn khát năng lượng" đưa Trung Quốc đến gần hơn với Trung Đông

Thế giới 31/12/2021 20:04

(Tổ Quốc) - Theo Asia Times, Trung Quốc từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Đông để đảm bảo nguồn dầu mỏ cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế.

Hiện tại, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết sẽ tạo nên "một nền văn minh sinh thái", ít dựa vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo trong tương lai.

"Cơn khát năng lượng" đưa Trung Quốc đến gần hơn với Trung Đông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Twitter

Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng

Kể từ khi Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ vào năm 1993, Trung Đông đã trở thành khu vực vô cùng quan trọng đối với Bắc Kinh.

Vào thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong năm 2017, gần một nửa nguồn cung của họ đến từ khu vực Trung Đông.

Bất chấp các nỗ lực kéo dài nhiều năm của Trung Quốc nhằm tăng cường sản xuất và đa dạng hóa, sự phụ thuộc của Bắc Kinh đối với Trung Đông trong lĩnh vực dầu thô vẫn duy trì. Vào năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu dầu thô với tổng giá trị khoảng 176 tỷ đôla.

Đáng lưu ý, Saudi Arabia là một trong những nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc và vẫn duy trì vị trí hàng đầu tính đến tháng 10/2021. Trong khi đó, Iraq xếp vị trí thứ ba trong danh sách các nhà xuất khẩu dầu thô lớn sang cường quốc kinh tế này.

Bên cạnh dầu mỏ, Trung Đông cũng cung cấp một số nguồn tài nguyên quan trọng khác cho Trung Quốc như khí đốt tự nhiên. Là một trong những nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Qatar đạt kỷ lục về sản lượng xuất khẩu cao thứ hai và là nhà phân phối chính cho Trung Quốc.

Trong năm 2020, Bắc Kinh nhận khoảng 8 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar, chiếm 20% tổng sản lượng LNG nhập khẩu của nước này.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Trung Đông trong lĩnh vực dầu khí đã nâng tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng hợp tác từ các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải và đường sắt trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đến đầu tư vào công nghệ tiên tiến như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị ở Trung Đông cũng là mối quan tâm đáng kể về an ninh năng lượng đối với Bắc Kinh. Cuộc tấn công vào cơ sở dầu của Saudi Aramco do lực lượng nổi dậy Houthi vào tháng 9/2019 đã khiến giá dầu tăng 15%.

Dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng chuyển từ Trung Đông đến Trung Quốc thông qua một số khu vực được đánh giá là bất ổn nhất thế giới đang gây ra thách thức đối với Bắc Kinh.

Tàu chở dầu rời Trung Đông và Bắc Phi đi qua eo biển Hormuz hoặc eo biển Bab el-Mandeb là hai điểm giao hàng hải quan trọng nằm giữa các khu vực. Từ đây, tàu sẽ di chuyển về phía nam qua cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan, Pakistan và Myanmar. Tình hình bất ổn ở Myanmar đã đe dọa quá trình vận chuyển dầu của Trung Quốc.

Năng lượng chuyển đổi

Theo Asia Times, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc định hướng quá trình phát triển đất nước đến năm 2025 đồng thời đặt trọng tâm vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Kế hoạch 5 năm cam kết xây dựng kế hoạch hành động để giảm mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030 và cố gắng đạt mức trung tính carbon vào năm 2060.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cam kết sẽ hoàn thành nỗ lực sản xuất năng lượng xanh trước kế hoạch, bao gồm gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, điện khí hóa hệ thống năng lượng và giao thông.

Trung Quốc cũng thống trị nhiều chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo trên thế giới trong thế kỷ 21 đồng thời là nhà sản xuất pin, xe điện, tấm pin mặt trời, hệ thống điều khiển điện và tuabin gió lớn nhất.Trung Quốc ngày nay kiểm soát khoảng 60% thị trường năng lượng mặt trời và đã duy trì vị trí là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong 10 năm liên tiếp. Chỉ tính riêng năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư đáng kinh ngạc lên tới 83,4 tỷ đôla vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Đến năm 2060, Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất điện từ khoảng 70% bằng nhiên liệu hóa thạch sang 90% năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang một thế giới xanh và bền vững cần phải mất nhiều thời gian và tiền bạc.

Theo Zhang Xiaohui – trưởng khoa kinh tế tại trường tài chính PBC, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc sẽ phải đầu tư khoảng 46,6 nghìn tỷ đôla để đạt được mục tiêu này vào năm 2060.

Ông Su Wei, Phó tổng thư ký của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nhấn mạnh bất chấp các kế hoạch đầy tham vọng của đất nước hướng tới mục tiêu xanh, tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, Trung Quốc sẽ cần phải bảo vệ các tuyến đường liên lạc trên biển để đảm bảo tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng dầu khí đến năm 2060. Thực tế này làm gia tăng khả năng Bắc Kinh sẽ tìm cách thiết lập thêm các tiền đồn quân sự để tăng cường khả năng thể hiện sức mạnh hải quân. Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông vẫn tiếp tục tìm kiếm hỗ trợ đối với Bắc Kinh giúp xây dựng hệ sinh thái năng lượng sạch.

Khi các hệ sinh thái phát triển và thế giới bắt đầu phụ thuộc ít hơn vào dầu khí của khu vực, sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo hứa hẹn có thể làm thay đổi địa chính trị. Và vào thời điểm đó, theo giới quan sát, Trung Đông sẽ vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc trong nền kinh tế xanh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ