• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Con người trước thời đại trí tuệ nhân tạo

Thế giới 23/08/2018 07:05

(Tổ Quốc) - AI là thử thách năng lực công nghệ và địa-chính trị trong thế kỷ 21.

 Dù tốt hay xấu, sự phát triển và phổ biến của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ xác định tính chất của thế kỷ 21. Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin thu hút sự chú ý của thế giới khi phát biểu trước giới trẻ Nga rằng, ai thống trị AI sẽ thống trị thế giới.

 Nhận định trên khiến người ta khiếp sợ hoặc vui sướng. Nó phụ thuộc vào những người lý tưởng hóa công nghệ hoặc người tin vào tận thế, bi quan về máy móc vượt qua sự hiểu biết của con người trong cuộc đời.

Thực tế là, sự phát triển của AI – một thuật ngữ phổ quát, bao hàm những mạng lưới thần kinh và các công nghệ máy học và học sâu – có tiềm năng làm thay đổi căn bản đời sống dân sự, quân sự trong những thập kỷ tới.

Các lợi ích lớn và những câu hỏi lớn

 Năm 2016, người Trung Quốc bị sốc khi phần mềm AlphaGo của Google DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới. Các nhà hoạch định chính sách AI của Trung Quốc gọi sự kiện đó là “khoảnh khắc Sputnik”.

rận đấu giữa Ke Jie và Alphago  cho thấy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

AI vừa là yếu tố dẫn dắt, vừa là kết quả của những động lực mang tính cấu trúc tái định hình trật tự toàn cầu. Già hóa dân số - hiện tượng toàn cầu chưa từng có tiền lệ và hầu như không thể đảo ngược – là một nhân tố thúc đẩy phát triển AI. Khi dân số dần già hóa và suy giảm, gánh nặng tài chính của nhà nước tăng lên, năng suất lao động giảm xuống, nền kinh tế giảm tăng trưởng theo thời gian. Những nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hiện vật lộn với tác động tiêu cực của già hóa dân số, với các chính phủ đang đắn đo quá mức về chính trị đối với nhập cư, sẽ không ngừng hướng tới những công nghệ học máy để tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nguồn lao động ngày càng hạn chế.

Không thiếu báo cáo của các công ty tư vấn lớn về lợi ích của AI đối với năng suất lao động trong nhiều ngành công nghiệp, từ tài chính, sản xuất ô tô, bảo hiểm, bán lẻ, đến xây dựng, tinh chế, an ninh. Theo một báo cáo năm 2017, Công ty PwC ước tính AI có thể tạo thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Trong đó, 6,6 nghìn tỷ USD có được từ năng suất gia tăng, 9,1 nghìn tỷ USD từ gia tăng tiêu dùng.

Nhưng ẩn sau những con số lớn trên là câu hỏi, lực lượng lao động mỗi nước thích ứng như thế nào trước những thay đổi nhanh chóng AI tạo ra? Máy móc không ngừng thay thế hàng triệu công nhân.

Cạnh tranh công nghệ và địa-chính trị

 Mỹ hiện đứng đầu phát triển AI về phần cứng, nghiên cứu và phát triển (R&D), có lĩnh vực thương mại AI sôi động. Trung Quốc, với quy mô dân số khổng lồ, có vùng dữ liệu lớn hơn nhiều, nhưng vẫn kém xa Mỹ về phát triển công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thiếu động lực để soán ngôi đứng đầu thế giới về AI của Mỹ vào năm 2030. Bắc Kinh cũng đang chi hàng trăm triệu USD để hoàn thành sứ mệnh AI của họ. Mỹ và Tây Âu đang phát động cuộc “cấm vận công nghệ” nhằm vào Chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, trong đó có AI.

 Sự phát triển AI đang mở ra chiến trường ý thức hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Khả năng khai thác dữ liệu giám sát và nhận diện khuôn mặt được AI hỗ trợ để điều chỉnh hành vi xã hội là một công cụ hấp dẫn đối với Bắc Kinh, liên quan đến nhân quyền.

 Không để bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua cường quốc về AI, châu Âu và Nga đang hối hả để bắt kịp. Nhưng trên thực tế, hạn chế về nguồn vốn khiến Nga phải lựa chọn cẩn thận lĩnh vực đầu tư. Moscow có thể đặt trọng tâm lớn vào những ứng dụng AI phục vụ mục đích quân sự, dựa vào đánh cắp thông tin và gián điệp mạng để rút ngắn quá trình phát triển AI, đồng thời cố gắng duy trì liên kết chiến lược với Trung Quốc để thách thức Mỹ.

 Trong khi Pháp theo đuổi những kế hoạch tham vọng phát triển hệ sinh thái AI cho châu Âu, Đức lo lắng thua kém Mỹ và Trung Quốc về công nghệ. Những rạn nứt ngày càng lớn và không thể tránh khỏi trong lòng EU có thể ngăn cản khả năng châu Âu đi đầu về AI trên trường quốc tế. Những quy định ngổn ngang và thị trường EU phân tán đang cản trở khởi nghiệp công nghệ. Anh quốc – nơi quy tụ tài năng công nghệ lớn nhất châu Âu – tìm cách tháo gỡ những trói buộc từ những quy định cản trở đầu tư của EU khi rời khối.

 Các chuyên gia AI là hàng hóa quý giá toàn cầu. Theo một nghiên cứu của công ty công nghệ Element AI năm 2018, thế giới có khoảng 22.000 nhà nghiên cứu có học vị tiến sỹ, nhưng chỉ khoảng 3.000 người đang tìm kiếm việc làm và khoảng 5.400 người trình bày nghiên cứu của họ tại các hội nghị AI. Những công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ, Trung Quốc đang sử dụng nhiều cách thức để tận dụng nguồn nhân tài nhỏ bé trên, như sáp nhập và mua lại, mua chuộc trắng trợn, mở phòng nghiên cứu ở những thành phố như Paris, Montreal và Đài Loan.

 Công nghệ tạo ra lợi ích về năng suất và kinh tế, nhưng cũng tạo ra quá trình chuyển tiếp đầy tổn thương nếu người lao động chậm trễ học hỏi những kỹ năng mới và mức lương nhiều người không được cải thiện./.

 (theo Stratfor)

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ