(Tổ Quốc) - Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết bao gồm cả hai điều khoản luận tội nhằm vào ông Trump, thay vì bỏ phiếu riêng lẻ từng điều khoản.
Hôm thứ ba (10/12), Hạ viên Mỹ đã công bố các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump. Như vậy, ông Trum đã trở thành tổng thống thứ 4 trong lịch sử nước Mỹ chính thức phải đối mặt với những nỗ lực nhằm khiến ông phải rời khỏi Nhà Trắng.
Gần như chắc chắn Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ bỏ phiếu luận tội tổng thống trong tuần tới. Điều này sẽ là cơ sở để Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát mở phiên tòa vào đầu năm sau – không lâu trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 bắt đầu vòng bầu cử sơ bộ tại hai bang Iowa và New Hampshire.
Khả năng ông Trump bị mất chức thật ra không hề "sáng sủa". Cần phải có ít nhất 20 Thượng nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu để cách chức ông, tuy nhiên cho tới giờ, chưa một ai tỏ ý sẵn sàng làm vậy.
Nhà lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho hay, Thượng viện có thể lựa chọn từ chối mở phiên hòa và thay vào đó, tiến hành bỏ phiếu sau khi Hạ viện và những người biện hộ cho ông Trump có bài tuyên bố mở màn. Điều đó có thể đi ngược lại với mong muốn của ông Trump là tự gọi nhân chứng của riêng mình.
Theo điều khoản luận tội, ông Trump bị cáo buộc "phản bội" đất nước thông qua lạm dụng quyền lực nhằm gây sức ép khiến Ukraine phải điều tra một đối thủ chính trị và sau đó là cản trở cuộc điều tra của Quốc hội đối với vụ scandal.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrrold Nadler nói, Đảng Dân chủ phải hành động vì ông Trump làm nguy hại tới Hiến pháp Mỹ, hủy hoại an ninh quốc gia và gây ảnh hưởng tới sự trung thực của cuộc bầu cử tổng thống 2020.
"Không một ai, kể cả tổng thống mạnh hơn luật pháp", ông Nadler tuyên bố.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham cáo buộc Đảng Dân chủ đang cố gắng "một cách không căn cứ và mang tính phe phái" để đảo ngược lại chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong bầu cử 2016.
Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ tư phải đối mặt với luận tội.
Năm 1998, Tổng thống Đảng Dân chủ Bill Clinton bị luận tội vì dối trá xung quanh mối quan hệ tình dục với một thực tập sinh Nhà Trắng - nhưng được Thượng viện "bỏ qua". Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon đã phải từ chức vào năm 1974 trước khi bị luận tội về những dính dáng tới vụ Watergate. Tổng thống Dân chủ Andrew Johnson cũng bị luận tội vào năm 1868 nhưng không bị kết tội tại Thượng viện.
Kể từ khi khởi xướng vụ điều tra vào cuối tháng 9, Đảng Dân chủ đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình. Liên quan tới tội danh lạm dụng quyền lực, Tổng thống Trump bị cáo buộc đã sử dụng gần 400 triệu USD viện trợ an ninh và khả năng gặp mặt người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm ép buộc Kiev công khai mở cuộc điều tra vào cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và một giả thuyết rằng, chính Ukraine chứ không phải Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Còn tội danh cản trở cáo buộc Tổng thống Trump coi thường và ngăn cản các nỗ lực của Hạ viện nhằm điều tra vụ scandal, đồng thời cho rằng, nếu còn giữ chức vụ, ông Trump sẽ là một mối đe dọa tới Hiến pháp Mỹ.
Trong khi đó, theo Đảng Cộng hòa, ông Trump không làm gì sai trong cuộc điện đàm ngày 25/7 với Tổng thống Zelensky. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng trực tiếp về việc ông "đóng băng" viện trợ hoặc ra điều kiện là một cuộc gặp giữa hai tổng thống để đổi lấy một mối lợi nào đó.
Ban đầu, phe Dân chủ không thực sự muốn luận tội Tổng thống Trump vì lo ngại nó sẽ đem tới các ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc bầu cử 2020. Kết quả thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos chỉ ra, 44% người dân Mỹ ủng hộ luận tội, còn 42% phản đối. Khoảng ¾ thành viên Đảng Dân chủ "bật đèn xanh" cho các nỗ lực luận tội và chưa đầy 1/10 thành viên Cộng hòa đồng ý với điều đó.
Ông Nadler và các thành viên Đảng Dân chủ khác có liên quan tới quá trình luận tội chọn chỉ tập trung vào cách hành xử của Tổng thống Trump với Ukraine, thay vì các nỗ lực cản trở Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, hay các khía cạnh gây tranh cãi khác nhiệm kỳ của ông Trump. Họ cho hay, hai điều khoản luận tội đại diện cho những tội trạng tồi tệ nhất của đương kim tổng thống và được nhiều người đồng tình nhất.
Cả hai điều khoản luận tội đều được đưa vào trong cùng một nghị quyết. Động thái này làm giảm tối đa nguy cơ một trong hai điều khoản bị gạt bỏ. Trong cuộc điều trần Tổng thống Clinton, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu riêng lẻ cho bốn điều khoản, và hai trong số đó đã bị từ chối, bao gồm cả cáo buộc về lạm dụng quyền lực.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham, một trong những nhân vật quan trọng từng tham gia cuộc luận tội ông Clinton cảnh báo, phe Dân chủ đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
"Các Quốc hội tương lai sẽ đưa luận tội trở thành một công cụ chính trị được sử dụng bất kỳ khi nào mà một Tổng thống của đảng đối lập được chọn vào Nhà Trắng", ông Graham nói.
Còn nghị sỹ Dân chủ Adam Schiff, một trong những người khởi xướng cuộc điều tra tại Ủy ban Tình báo Hạ viện nhấn mạnh, ông Trump khiến Đảng Dân chủ không còn sự lựa chọn nào khác. "Các chứng cứ về hành vi sai trái của tổng thống quá nhiều và không thể phản bác", ông Schiff tuyên bố.
Cho tới thời điểm hiện tại, Nhà Trắng vẫn chưa tham gia vào quá trình luận tội, nhưng được cho là sẽ tiến hành phản bác mạnh mẽ tại Thượng viện. Chưa rõ liệu ông Trump có trực tiếp tham gia điều trần hay không nhưng ông từng từ chối không chấp nhận phỏng vấn trong cuộc điều tra của công tố viên Mueller.