Bất cứ nền điện ảnh nào cũng mong muốn vừa phát triển điện ảnh đại chúng vừa xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Nếu điện ảnh đại chúng biểu hiện ở số lượng, sự tiếp cận với đông đảo công chúng, có doanh thu cao để tái đầu tư sản xuất thì tác phẩm đỉnh cao lại giúp khắc họa, cô đọng nét văn hóa đặc sắc và làm nên thành công tại các giải thưởng danh giá.
- 01.08.2019 Công nghiệp văn hóa: Thị trường điện ảnh Việt Nam Những con số ấn tượng
- 30.07.2019 Công nghiệp văn hóa: Thị trường điện ảnh Việt Nam – Bước phát triển ngoạn mục
- 25.06.2019 Công nghiệp văn hoá: Điện ảnh - Tấm gương phản chiếu
- 22.06.2019 Công nghiệp văn hóa: Điện ảnh – Một gương mặt khác
- 20.06.2019 Công nghiệp Văn hóa: Điện ảnh – Nghệ thuật tổng hợp và quảng bá
Điện ảnh đại chúng
Với lợi thế dễ quảng bá, dễ tiếp cận, điện ảnh là bộ môn vừa có tính nghệ thuật vừa mang nặng yếu tố giải trí. Đây cũng là loại hình có thể phục vụ đông đảo người xem và tạo ra các hiệu ứng đám đông. Với tác động mạnh mẽ, nhiều bộ phim ngay từ khi lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tiếp thị quảng bá… đã định hình lượng khán giả, công chúng mà bộ phim muốn hướng tới.
Với các bộ phim về học đường, hầu hết các êkip đều nhắm tới giới trẻ - những đối tượng đang chiếm số đông tại phòng vé. Tuy nhiên, ngoài lớp trẻ tìm thấy chính mình trong các bộ phim về học đường thì lớp công chúng lớn tuổi cũng có thể tìm lại kỷ niệm, dấu ấn tuổi hoa niên trong chính những bộ phim về tuổi trẻ, về học đường.
Phim Lật mặt 4: Nhà có khách
Nền công nghiệp điện ảnh Mỹ rất giỏi trong khai thác các mảng đề tài có khả năng thu hút số đông người xem. Các dòng phim hành động, bom tấn, siêu anh hùng hay những câu chuyện mang đậm yếu tố giả tưởng về các loài khủng long, sự biến đổi khí hậu, cuộc chiến giữa các hành tinh, sự đột biến gien hay mảng phim kinh dị… luôn thu hút sự tò mò của người xem dù họ khác nhau về quốc tịch, mầu da và các nền văn hóa.
Đã có nhiều bài báo, các phân tích về sự thống trị, sức ảnh hưởng khủng khiếp của Hollywood lên hầu khắp các nền điện ảnh khi đề tài, câu chuyện, sức hút của phim Mỹ đối với đại đa số khán giả, công chúng, những người say mê bộ môn nghệ thuật này. Nền điện ảnh của họ được mặc định dành cho số đông với những câu chuyện, nhân vật dễ tìm được sự đồng cảm, chấp thuận, yêu mến của đông đảo khán giả khắp thế giới.
Phim Trăng nơi đáy giếng
Nói về tính đại chúng, hầu hết các nền điện ảnh trên thế giới đều phải ngả mũ trước Hollywood. Ngoài Bollywood với những đặc trưng văn hóa riêng, khó để các tác phẩm điện ảnh bên ngoài tác động thì hầu như mọi nền điện ảnh đều phải chật vật chống lại sự thống trị từ Hollywood. Ngoài lợi thế về kinh phí, kỹ xảo thì điều không ai có thể chối cãi là câu chuyện, tiết tấu, hệ thống chi tiết, tình huống và đặc biệt là nhân vật trung tâm của phim luôn có sức hấp dẫn với số đông. Chúng làm nên thành công của Hollywood và minh chứng mạnh mẽ cho tính đại chúng của điện ảnh.
Tác phẩm đỉnh cao
Nếu nhiều tác phẩm điện ảnh đại chúng có khả năng mang lại nguồn kinh phí dồi dào, giúp tạo nên thị trường, sức mạnh của nền công nghiệp điện ảnh và duy trì nguồn kinh phí tiếp tục đầu tư sản xuất thì phần lớn các tác phẩm nghệ thuật lại hiếm khi có được sự may mắn như thế. Với những câu chuyện, tình tiết, nhân vật… mang tính cá biệt hay thấm đẫm nền văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, một số phim nghệ thuật có khả năng thức tỉnh, thay đổi quan niệm về thế giới quan, về lẽ sống, về nghệ thuật… nhưng hiếm khi chúng được tiếp nhận bởi số đông. Chính những khắc khoải, đau đáu về phận người, về lẽ sống được nâng lên thành triết lý lại làm khó nhiều khán giả trên con đường tiếp nhận thông điệp, sự gửi gắm của tác phẩm. Phim nghệ thuật thường chia thành hai dòng chính hoặc thiên về nghệ thuật hay thiên về cách thể hiện. Và thay vì cuốn khán giả vào những trận đánh long trời lở đất, biến họ thành người chứng kiến những gì diễn ra trên màn ảnh thì nhiều bộ phim nghệ thuật lại đòi hỏi sự cộng hưởng từ người xem để mỗi người tự tiếp nối, cật vấn lại chính mình từ những mệnh đề, triết lý mà bộ phim gửi gắm, khơi gợi.
Phim Gia đình trộm cắp (Nhật Bản)
Một trong số các nền điện ảnh xây dựng được nhiều bộ phim mang tính nghệ thuật phải kể đến điện ảnh Iran.Với kinh phí khiêm tốn, không lạm dụng kỹ thuật, kỹ xảo… phim Iran nặng về tính triết lý, khơi gợi qua đó mỗi người tự nhìn sâu vào trong con người, dân tộc, văn hóa, cách hành xử trước những vấn đề của cuộc sống. Hàng loạt phim như Những đứa trẻ thiên đường, Bảng đen, Chia ly… khiến người xem đi từ bất ngờ đến kinh ngạc. Đây cũng là nền điện ảnh giành được khá nhiều giải thưởng, sự thừa nhận và đánh giá cao của các Ban giám khảo, hội đồng nghệ thuật. Cái được lớn nhất là giúp thế giới hiểu thêm về văn hóa, bản sắc và con người Iran qua các thời kỳ, cách tiếp nhận và xử lý những vấn đề, mâu thuẫn, khác biệt trong cuộc sống mang đậm dấu ấn, mầu sắc văn hóa và cả tôn giáo của Iran.
Trong khi khó tiếp cận được với số đông công chúng thì một số bộ phim nghệ thuật khiến con người thức tỉnh, cật vấn, soi rọi lại chính mình và xã hội. Một số phim còn sở hữu những thủ pháp nghệ thuật độc đáo và nhiều ý kiến thừa nhận chính các tác phẩm mang đậm tính nghê thuật đã làm sang cho điện ảnh và thúc đẩy nền công nghiệp này vươn lên những tầm cao mới.
Phim Ký sinh trùng (Hàn Quốc)
Tuy khá hiếm nhưng không phải bộ phim nghệ thuật nào cũng kén khán giả. Một, vài bộ phim đã cân bằng được tính nghệ thuật và tính đại chúng, giải trí. Mới đây, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon Ho là một ví dụ. Phim đã đưa tên tuổi của đạo diễn Bong Joon Ho nói riêng và phim Hàn nói chung lên một tầm cao mới khi giành được giải cao nhất tại một Liên hoan Phim danh tiếng là Canes. Khi công chiếu tại Việt Nam, Ký sinh trùng cũng lập lên kỳ tích khi là phim Hàn có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt. Phim đạt 8,6/10 điểm trên IMDB và 98% điểm trên Rotten Tomatoes – đây là những con số cực kỳ cao đối với một tác phẩm điện ảnh châu Á. Bộ phim thắng lớn về thương mại với kỷ lục phát hành tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam, việc phát triển hài hòa cả điện ảnh đại chúng, cả tác phẩm đỉnh cao là cần thiết khi điện ảnh Việt cần mở rộng, nâng cấp thị trường, tái đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, các tác phẩm nghệ thuât đỉnh cao sẽ là nơi lưu giữ, quảng bá văn hóa, hồn cốt dân tộc và làm nên bản sắc riêng biệt của đất nước trong hội nhập.