(Tổ Quốc) - Xuyên suốt quá trình vận hành đường dây đánh bạc này, CNC nổi bật lên như "con át chủ bài" quyết định sự sống còn của tổ chức tội phạm này. Cũng chính vì "mác" công ty nghiệp vụ mà ông Phan Văn Vĩnh cùng cựu cục trưởng C50, Nguyễn Thanh Hóa đã có cớ ngăn cản nhiều cơ quan điều tra dấu hiệu sai phạm của CNC.
- 01.12.2018 Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương không ít lần ngã giá ăn chia với cơ quan điều tra
- 22.11.2018 Đề nghị xem xét giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn Dương
- 14.11.2018 Ông Phan Văn Vĩnh không thừa nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương rằng đã đưa ông 27 tỷ đồng và hàng triệu USD
Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty CNC - Ảnh Thanh Niên
Ngày 30/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án vụ xét xử cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ.
Cùng với việc tuyên án các khung hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng đã kiến nghị Bộ Công an có cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ các hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Kiến nghị này xuất phát từ chính quá trình điều tra, xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ. Theo đó, xuyên suốt quá trình vận hành đường dây, cũng như 13 ngày xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ, CNC nổi bật lên như "con át chủ bài" quyết định sự sống còn của tổ chức tội phạm này. Cũng chính vì "mác" công ty nghiệp vụ mà cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cùng cựu cục trưởng C50 đã có cớ ngăn cản nhiều cơ quan điều tra dấu hiệu sai phạm của CNC.
CNC được hình thành từ quyết định của Bộ Công an từ năm 2010 khi cho phép C50 lập công ty bình phong phục vụ mục đích thâm nhập, nghiên cứu về tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tại phiên toà, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh - người từng ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong của C50, khai công ty nghiệp vụ của ngành công an luôn phải giữ bí mật vì thế không muốn khai cụ thể. Ngoài tổng cục trưởng, chỉ hai người biết đến công ty này gồm: Cục trưởng C50, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách C50.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình điều tra cũng như xét xử đã cho thấy, các bị cáo – các đại lý trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ này đều thuộc lòng câu thần chú "CNC là bình phong của C50". Do đó, các bị cáo thỏa sức phát triển, mở rộng đường dây đánh bạc.
Không dừng lại ở việc biết CNC là công ty bình phong của C50, mà nhiều người còn biết rõ địa chỉ, trụ sở của CNC được đặt ở căn nhà của Tổng cục Cảnh sát - số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nguyên trưởng phòng 4 C50, một trong những nhân chứng tại phiên tòa, cho hay cuối năm 2011 bà được lãnh đạo C50 cử dự lễ ra mắt công ty bình phong CNC tại một khách sạn cao cấp ở Hà Nội. Hôm đó, bà Hằng nhớ nhiều lãnh đạo cục dự, còn có biển treo lễ ra mắt công ty bình phong.
Sau 27 tháng vận hành, đường dây đánh bạc của CNC đã thu hút gần 43 triệu tài khoản người chơi ở khắp 24 tỉnh, thành phố. Tổng doanh thu gần 10.000 tỷ đồng./.