(Tổ Quốc) - Theo AP, việc các quốc gia giàu có tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sẽ là chủ đề nóng tại hội nghị khí hậu toàn cầu COP27 năm nay.
Các nhà phân tích cho biết vấn đề địa chính trị toàn cầu và lời kêu gọi các quốc gia giàu có tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu là những chủ đề nóng tại hội nghị khí hậu toàn cầu COP27 năm nay.
Hội nghị Các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) tại Ai Cập sẽ chính thức khai mạc từ ngày 6/11. Dự kiến, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục tăng cường kêu gọi hỗ trợ tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh năng lực tài chính có xu hướng đi xuống sau căng thẳng Ukraine và đại dịch Covid-19.
"Với trọng tâm là ứng phó với biến đổi khí hậu, COP27 tập trung vào những sự kiện địa chính trị 2022 như căng thẳng Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm cao, huy động sự tham gia của các nước và doanh nghiệp trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", ông Wai-shi Chan, Người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại HSBC cho biết trong một báo cáo.
Tập trung vào chủ đề " ứng phó với biến đổi khí hậu", Hội nghị COP27 dự kiến sẽ thu hút hơn 40.000 người tham dự trong 13 ngày, đặc biệt là sự có mặt của khoảng 100 lãnh đạo hàng đầu.
"Thích ứng tài chính"
Trong khi việc giảm phát thải hiệu ứng nhà kính tiếp tục là chủ đề quan trọng thì trọng tâm của các cuộc đàm phán năm nay là thích ứng tài chính. Nước chủ nhà Ai Cập sẽ đại diện cho châu Phi tìm kiếm thêm nguồn tài trợ nhằm củng cố năng lực phục hồi của các quốc gia đang phát triển và bù đắp những thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Đại diện của Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ tham gia hội nghị lần này và chủ đề đáng chú ý là giảm phát thải khí mê-tan.
"Hơn bất kỳ vấn đề chính sách nào ... ưu tiên của Bắc Kinh tại COP27 sẽ về chính trị, đặc biệt là mối quan hệ với các cường quốc lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu," ông Li Shuo, quan chức cấp cao về khí hậu và năng lượng của Greenpeace Đông Á cho biết.
Tùy thuộc vào cách tiếp cận giữa các siêu cường, COP27 có thể thảo luận những vấn đề nóng trong thời điểm hiện tại. 6 chủ đề chính sẽ là chuyển đổi, an ninh lương thực, tài trợ cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, an ninh nguồn nước và tính bền vững cho cộng đồng dễ bị tổn thương.
"Quá trình chuyển đổi là để duy trì hòa nhập cũng như hạn chế những rủi ro và mang lại cơ hội xã hội mới", chuyên gia Mark de Silva, nhà phân tích cấp cao về ESG tại HSBC Asset Management nói. "Chẳng hạn như, trong khi ngành năng lượng sạch ước tính có thể tạo ra khoảng 14 triệu việc làm mới vào năm 2030 thì các ngành nhiên liệu hóa thạch có thể giảm đi 5 triệu việc làm".
"Quá trình chuyển đổi sẽ không diễn ra bình đẳng, hoặc chỉ ở một vùng địa lý hoặc một khu vực. Điều đó sẽ phụ thuộc vào các công ty, cơ quan quản lý", ông Mark de Silva nói.
Trong một báo cáo ngày 3/11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo nỗ lực toàn cầu trong việc thiết lập kế hoạch, tài chính và thực hiện các biện pháp ứng phó đang không theo kịp những rủi ro ngày càng gia tăng. UNEP nhấn mạnh những nền kinh tế mới nổi sẽ cần từ 160 tỷ đến 340 tỷ USD mỗi năm cho các lĩnh vực như nông nghiệp, cấp nước, phòng chống lũ lụt và hệ sinh thái. Yêu cầu tài trợ hàng năm sẽ tăng từ 315 tỷ đô la Mỹ lên 565 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 28,6 tỷ đôla Mỹ trong khoản tài trợ như vậy được cung cấp vào năm 2020. Trong năm ngoái, các nước phát triển đã đồng ý nâng con số đó lên 40 tỷ đô la Mỹ/năm từ 2025.
Bên cạnh tài trợ cho dự án giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, tổng tài chính hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu từ các quốc gia phát triển cho các nước đang phát triển hiện đạt 83,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 – thấp hơn rất nhiều so với lời hứa 100 tỷ USD từng được đưa ra vào năm 2009.
Ông Nneka Chike-Obi, Người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc nghiên cứu ESG tại Sustainable Fitch cho rằng việc nhận thức nhiều hơn về tác động biến đổi khí hậu có thể giúp các bên nâng cao đóng góp.
"Thảm họa khí hậu xảy ra trong năm nay khiến mọi người nhận thức tốt hơn rằng biến đổi khí hậu không phải là điều gì đó trừu tượng, không phải sẽ chỉ xảy ra vào năm 2050 mà hiện đang xảy ra ngay trong các ngành công nghiệp và xã hội hiện tại", ông Nneka Chike-Obi nhấn mạnh./.