(Tổ Quốc) - Báo Politico (Mỹ) đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng những biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 ở mức nhẹ.
Mới đây, báo Politico (Mỹ) đã công bố bảng xếp hạng và phân tích 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên các phân tích về kết quả y tế, kinh tế và mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp hạn chế được áp dụng để khống chế đại dịch COVID-19.
Trong đó, Việt Nam đã được đánh giá là quốc gia chống dịch hàng đầu thế giới - xét trên cả khía cạnh y tế và kinh tế.
Cụ thể, Politico đã viết về Việt Nam như sau:
"[Việt Nam] là quốc gia đông dân nhất không có ca tử vong [do COVID-19], với hơn 300 ca nhiễm được xác nhận trên tổng số 95 triệu dân. Kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020. Như vậy, nhìn chung, Việt Nam chính là quốc gia chống dịch hàng đầu thế giới".
Bức tranh tổng thể phức tạp
Politico cho biết, bảng xếp hạng này đã được thực hiện dựa trên dữ liệu tổng hợp về các số liệu thống kê và chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các báo cáo do hãng tin này thu thập để đảm bảo độ chính xác và khách quan.
Cụ thể, đối với các đánh giá về kết quả kinh tế, Politico đã tổng hợp và phân tích dựa trên các báo cáo/dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo dõi tài chính của Hội đồng Đại Tây Dương và các số liệu chính thức của chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ về GDP, tỉ lệ thất nghiệp và các gói kích thích tài khóa.
Còn đối với các đánh giá về kết quả y tế, hãng tin này đã tập hợp các số liệu thống kê của chính phủ các nước, Worldometers và đại học Johns Hopkins về các ca nhiễm/tử vong cũng như số xét nghiệm của mỗi nước.
Đại dịch COVID-19 đã lây lan ra khắp thế giới, nhưng thời điểm đại dịch ảnh hưởng đến từng quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lại khác nhau, và mỗi nơi lại có cách ứng phó riêng trước sự tấn công của dịch bệnh - phụ thuộc vào khả năng kinh tế và điều kiện của hệ thống y tế của họ.
Politico đã bình luận rằng tuy có một số điểm sáng, nhưng gần như hầu hết bức tranh tổng thể tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đều khá phức tạp.
30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng này đã được xếp vào 3 nhóm theo mức độ nghiêm ngặt của các lệnh hạn chế, mức cao nhất là viền đỏ, tiếp đến là viền cam và cuối cùng là viền xanh. Việt Nam nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng biện pháp hạn chế ở mức nhẹ nhưng lại hiệu quả nhất.
Trái lại, Đức có những chỉ số không đồng đều nhưng nhìn chung có kết quả không tốt. Nền kinh tế của nước này đang suy giảm cùng tốc độ với những người láng giềng, nhưng tỉ lệ tử vong do dịch bệnh lại thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia châu Âu khác nhờ dịch vụ chăm sóc y tế và xét nghiệm vốn được đánh giá cao.
Một số quốc gia khác tiến hành xét nghiệm quy mô lớn (Iceland) và cố gắng xác nhận tất cả những ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất có thể (Bỉ). New Zealand và Thụy Điển đã áp dụng cách tiếp cận trái ngược nhau để hạn chế việc di chuyển của người dân và cũng thu được kết quả y tế rất khác nhau, nhưng tình hình suy thoái kinh tế tại 2 quốc gia này lại gần như nhau.
Một số quốc gia có chỉ số GDP tương đương nhau nhưng có khác biệt rất lớn về tỉ lệ thất nghiệp như Mỹ, Anh và Nhật Bản. Trong khi đó, Ấn Độ đã áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc, cố gắng tránh để hệ thống y tế quá tải, nhưng đổi lại là sự hy sinh về kinh tế - cụ thể là mức sụt giảm 45% trong quý này.
Đảo Đài Loan cũng là một vùng lãnh thổ được đánh giá cao về cách phản ứng trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên họ không thể thoát khỏi thực tế là 70% GDP của họ đều thuộc những ngành xuất khẩu bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: