(Tổ Quốc) - Hơn 3 năm kể từ khi ông Trump lên năm quyền, sự căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh đã leo thang, và lên đỉnh điểm trong bối cảnh toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19 - đài CNN đánh giá.
Hồi tuần trước, Châu Âu hoàn toàn bác bỏ cách đánh giá tình hình thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
CNN cho rằng, Covid-19 đã khiến cả thế giới sửng sốt bởi tốc độ lây lan khủng khiếp của nó, nhưng đồng thời đang thúc đẩy sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu - theo chiều hướng không có lợi cho Mỹ.
Mức độ chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh được thể hiện rõ ngày 19/5 vừa qua, trong cuộc bỏ phiếu tại Hội nghị Thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ, về cuộc điều tra sự bùng phát của đại dịch.
Quyền lực của Mỹ đã giảm đi đáng kể khi Châu Âu ủng hộ cách tiếp cận ôn hòa với Trung Quốc và bác bỏ yêu cầu về cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington. Đây là một động thái đáng báo động với Mỹ.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, một thời đại mới dường như được bắt đầu với hai mốc để phân chia: Trước và sau khi Covid- 19 bùng phát. Các cuộc tranh chấp chính trị bỗng trở nên trầm trọng và rõ nét hơn khi tình hình đại dịch trở nên phức tạp và cấp bách.
Đứng đầu trong đó là cuộc cạnh tranh tay ba giữa Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Dù trước đó từng khen ngợi công tác ứng phó của Trung Quốc với dịch bệnh, ông Trump vẫn cáo buộc Bắc Kinh che đậy thông tin trong giai đoạn đầu của dịch. Trung Quốc bác bỏ toàn bộ cáo buộc liên quan, khẳng định nước này đã minh bạch và nỗ lực hỗ trợ các nước khác chống dịch.
Trump cũng chỉ trích WHO là thiên vị Trung Quốc, đồng thời cắt giảm gần 500 triệu USD tiền tài trợ cho tổ chức này. Hôm 18/5, ông cảnh báo Mỹ sẽ cân nhắc rút tài trợ vĩnh viễn nếu WHO không "cam kết tạo ra những cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới".
Bất chấp những lo ngại về khả năng kiểm soát đại dịch của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn ủng hộ quyết định của WHO. Quyết định này kêu gọi "một quá trình đánh giá toàn diện, độc lập, khách quan trong từng bước, bao gồm việc sử dụng những phương thức phù hợp sẵn có để xem xét những kinh nghiệm, bài học đã có được" từ cách ứng phó với Covid-19 trên toàn cầu.
01.
Châu Âu "sục sôi"
Quyết định không ủng hộ việc Tổng thống Donald Trump đối đầu với Trung Quốc và WHO của Châu Âu sẽ tác động đến cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Theo CNN, cách ông Trump ứng phó đại dịch đang làm suy yếu quyền lực của nước Mỹ.
Điều này cũng thể hiện sự tham dự của phần còn lại của thế giới đối với cuộc bầu cử Mỹ. Một lãnh đạo thế giới và đối tác thương mại [từ Mỹ] chia sẻ các giá trị chung sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Châu Âu. Cuộc bỏ phiếu tại WHO là lời cảnh báo về hướng đi của quyền lực khi điều đó không xảy ra.
Theo hầu hết các nước đồng minh Châu Âu, phản ứng của Tổng thống Trump đối với Covid-19 đã tạo nên mối lo ngại lớn nhất của họ, rằng nỗ lực xây dựng và củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong ba năm qua có thể vô nghĩa. Hoặc dù cho mối quan hệ này có thể không chấm dứt nhưng lại tạo ra kẽ hở để Trung Quốc chen chân hưởng lợi.
Trong bài phát biểu tại Geneva hôm 18/5, hai lãnh đạo quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng với Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga, đã nhắc đến hành động cắt giảm tài trợ cho WHO của Mỹ.
Bà Sommaruga cho rằng "không thể mong đợi nhiều" từ WHO nếu "ngân sách của tổ chức này bị ảnh hưởng hoặc bị cắt giảm".
Trong khi đó, bà Merkel tái khẳng định sự ủng hộ đối với mục tiêu đoàn kết trong WHO bởi "việc đánh bại Covid-19" sẽ không thể tiến hành đơn độc.
Tổng thống Macron dường như đã cảnh báo ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập không nên độc chiếm các loại vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai bởi "sức khỏe con người không thể bị chiếm đoạt hay đem ra trao đổi hoặc buôn bán".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao đổi với phóng viên ở Berlin vào thứ Hai, ngày 18/5/2020 (Ảnh: Getty Images)
02.
Chính sách "cây gậy và củ cà rốt"
Trong thời điểm hiện tại, với nhiều người châu Âu, sự tin tưởng từ quốc tế và sự hợp tác là hai điều ông Trump đang thiếu. Theo CNN, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể không tin tưởng Trung Quốc, nhưng chắc chắn không muốn ông Trump đưa ra một chiến lược chọc giận Bắc Kinh.
Trung Quốc đang nghiên cứu 3 trong số 8 loại vaccine đáng kỳ vọng nhất thế giới, cũng như cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng tin rằng chiến lược Trung Quốc của chính quyền Trump là nhằm ngăn chặn các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc tiếp cận thị trường thế giới - một mối đe dọa hiện hữu. Xung đột lợi ích là điều rõ ràng.
Các lãnh đạo châu Âu thì tin rằng hòa hợp với Trung Quốc vẫn tốt hơn là đối đầu.
Động thái phớt lờ Mỹ của Châu Âu là "đòn đau" với ông Trump và những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm chia thế giới thành hai phe, sau khi xảy ra xung đột căng thẳng về việc cung cấp công nghệ 5G.
Tuy nhiên, quyết định của Châu Âu (và của hơn 120 quốc gia khác) tại hội nghị WHO tuần trước cũng là một cảnh báo rõ ràng cho đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11: Nếu ứng viên của họ thất bại, nước Mỹ sẽ chứng kiến quyền lực và sức ảnh hưởng trên thế giới tan biến rất nhanh.
CNN đánh giá, nếu Trump tái đắc cử và thúc đẩy chính sách đối đầu Bắc Kinh thì Mỹ sẽ "thua hai lần". Thứ nhất bởi Trung Quốc sẽ thoát khỏi cuộc điều tra về Covid-19 và không phải trả giá như Trump kỳ vọng. Thứ hai là tổn thất trên phương diện quyền lực: Về bản chất, Trung Quốc đã kéo phần lớn thế giới về phía mình. Đó là hiệu ứng của Covid-19 đối với cán cân quyền lực toàn cầu.
Ví dụ, Anh ban đầu chỉ trích việc Trung Quốc mập mờ về Covid-19 khi mới tháng trước, Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định "không thể hợp tác với Trung Quốc như bình thường được nữa sau cuộc khủng hoảng này."
Tuy nhiên, 1 tháng sau, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock dường như mềm mỏng hơn với Trung Quốc khi phát biểu tại cuộc họp đại hội đồng của WHO rằng không cần điều tra cụ thể Trung Quốc và cho rằng cuộc điều tra này nên diễn ra "vào một thời điểm thích hợp".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tới Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) hôm 18/5 (Ảnh: Xinhua)
03.
Sự mạnh tay của Trung Quốc
Một trường hợp điển hình là Úc. Nước này đã hứng chịu một số tổn thất khi ủng hộ chính sách của Tổng thống Donald Trump. Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã cùng với Mỹ yêu cầu WHO mở một cuộc điều tra Trung Quốc về việc không cảnh báo thế giới về mức độ đe dọa của Covid-19.
Sau đó, Trung Quốc đã áp thuế quan lớn với việc nhập khẩu lúa mạch Úc. Với nền tảng thương mại phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, Úc đã bị giáng một đòn nặng nề.
Cách ông Trump xử lý đại dịch trên trường quốc tế đã trao cho Trung Quốc một cơ hội tưởng chỉ có trong mơ - CNN nêu. Tổng thống đang nỗ lực trong khả năng để giữ vững nước Mỹ khi phải đối mặt với bất hòa sâu sắc với các đồng minh. Vì vậy đây là thời điểm để Trung Quốc củng cố mọi lợi ích trước khi tình hình bị đảo ngược.
Hôm 18/5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã can thiệp đúng lúc tại hội nghị của WHO khi đề nghị hỗ trợ 2 tỷ đô la cho tổ chức, cũng như hỗ trợ cho châu Phi. Các nhà ngoại giao Trung Quốc - được gọi là những "chiến lang" - phản pháo với tất cả các cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh, và tuyên bố nước này không làm gì sai, đồng thời mở cửa và sẵn sàng giúp đỡ trong đại dịch Covid- 19.
Đài CNN ủng hộ đảng Dân chủ cho rằng, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, tốc độ thoát ly của nước Mỹ với thế giới đã gia tăng, và nếu đảng này không thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, họ sẽ thấy một số đòn bẩy quyền lực không còn liên kết với các đồng minh như trước đây nữa.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus