• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

COVID-19: Từng có kho dự trữ "vũ khí" chống dịch khổng lồ, vì sao quốc gia châu Âu này tự đánh mất lợi thế?

Thế giới 19/05/2020 18:47

(Tổ Quốc) - Trước đây, vật tư y tế từng có tầm quan trọng ngang hàng với các loại khí tài quân sự tại quốc gia châu Âu này.

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần tuyên chiến với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) hồi tháng 3 vừa qua, ông cũng đã khẳng định chắc nịch rằng chính phủ Pháp sẽ cung cấp đủ các vật tư và đồ bảo hộ cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu, theo New York Times (NYT).

Thế nhưng, thực tế lại không giống với những gì ông Macron đã tưởng tượng. Trước sự lây lan nhanh và mạnh mẽ của virus SARS-CoV-2, nước Pháp đã bị "đánh" đến gần như "không còn mảnh giáp".

Cái giá phải trả quá đắt

Theo NYT, trước đây Pháp từng là quốc gia có nguồn dự trữ khẩu trang khổng lồ, tuy nhiên việc đảo ngược các chính sách ứng phó và xử lý các dịch bệnh trước đây đã khiến kho dự trữ này gần như cạn kiệt khi đại dịch COVID-19 ập đến: Bất chấp những cảnh báo được đưa ra từ đầu thập niên 2000 về những nguy cơ xảy ra đại dịch ngày càng gia tăng, giới chức Pháp vẫn quyết định chuyển sang các nguồn cung từ nước ngoài.

Khác với Đức, do phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy và nguồn cung từ nước ngoài, Pháp đã không thể xoay xở kịp thời, đẩy mạnh việc sản xuất trong nước các mặt hàng khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm, máy thở và thậm chí những vật phẩm cơ bản như nhiệt kế điện tử và thuốc hạ sốt trước làn sóng đại dịch COVID-19.

Sau thời gian phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Pháp đã bắt đầu nới lỏng và mở cửa trở lại. Thế nhưng, Pháp đã trở thành một trong những ca điển hình gặp khó khăn vì quá phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở nước ngoài do lợi thế về giá rẻ và tốc độ vận chuyển nhanh, và các quốc gia như Pháp đang phải cân nhắc lại điều này.

Hiện nay, Pháp cũng không dám đảm bảo có thể đáp ứng đủ nhu cầu về vật tư y tế trong vài tuần tới, khi nước này đối mặt với hiểm họa làn sóng dịch thứ 2 bùng phát.

COVID-19: Từng có kho dự trữ vũ khí chống dịch khổng lồ, vì sao quốc gia châu Âu này tự đánh mất lợi thế? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: NYT

Trước đây, Pháp đã xác định khẩu trang là vật dụng không thể thiếu khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên trong thập niên vừa qua, chính phủ nước này đã gần như ngừng dự trữ khẩu trang, chủ yếu vì lý do ngân sách. Khi ngành dược phẩm của Pháp được chuyển ra nước ngoài, thì các dây chuyền sản xuất vật tư y tế nội địa của nước này cũng sụp đổ.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết nước này đã từng nghĩ rằng "việc duy trì các kho dự trữ [vật tư y tế] lớn trong nước là không còn cần thiết, bởi ngày nay các nhà máy có thể hoạt động rất nhanh chóng, đặc biệt là các nhà máy ở Trung Quốc".

Tuy nhiên quy mô và tốc độ lây lan chóng mặt của đại dịch COVID-19 đã phá vỡ logic ấy. Pháp đâu thể ngờ rằng Trung Quốc - nhà sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới - cũng quá tải trước những đơn hàng. Ấn Độ - nhà xuất khẩu dược phẩm hàng đầu thế giới - đã ban lệnh tạm thời cấm xuất khẩu mặt hàng này vì nỗi sợ cung không đủ cầu.

Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ vì COVID-19, Pháp đã phải cuống cuồng đặt mua vật tư y tế từ Trung Quốc và các quốc gia khác - điều này càng để lộ ra những điểm yếu của Pháp khi quá phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài.

Quốc gia châu Âu này đã ghi nhận hơn 27.000 ca tử vong, và có tỉ lệ tử vong do COVID-19 lớn nhất thế giới - cao hơn 60% so với Mỹ.

Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Macron đã tuyên bố Pháp sẽ khôi phục sự độc lập của Pháp trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công nghiệp và kỹ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng sự bất lực của Pháp khi đại dịch COVID-19 ập đến là hậu quả tất yếu khi nước này chuyển dịch nhiều chuỗi sản xuất ra nước ngoài - động thái khiến sự bất bình đẳng càng trở nên sâu sắc và châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực, như phong trào biểu tình Áo vàng.

COVID-19: Từng có kho dự trữ vũ khí chống dịch khổng lồ, vì sao quốc gia châu Âu này tự đánh mất lợi thế? - Ảnh 4.

Các lô hàng khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters

Đầu thập niên 2000, Đức có phần nổi trội hơn Pháp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các bộ xét nghiệm PCR - loại được dùng phổ biến nhất hiện nay trong xét nghiệm virus - và các thiết bị như máy thở oxy, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 2018, sự khác biệt giữa hai nước đã trở nên quá rõ ràng: trong khi mặt hàng bộ xét nghiệm PCR đem về cho Đức thặng dư thương mại lên đến 1,4 tỉ USD, thì Pháp lại bị thâm hụt 89 triệu USD.

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, Đức đã nhanh chóng huy động ngành công nghiệp của mình trong cuộc chiến với đại dịch. Trong khi đó, Pháp lại gần như tê liệt: họ không thể tiến hành xét nghiệm diện rộng vì thiếu bông gạc và chất phản ứng - vì những loại vật tư có giá thành thấp nhưng rất quan trọng này đều được Pháp nhập khẩu từ châu Á.

Ông Philippe Aghion, một nhà kinh tế học đang giảng dạy tại trường Havard và Collège de France nhận định rằng đó chính là cái giá đắt mà Pháp phải trả khi chuyển dịch sản xuất công nghiệp ra nước ngoài quá nhiều trong thập niên 2000.

Nghiên cứu của ông Aghion và một số đồng nghiệp tại Bỉ đã phát hiện ra rằng những quốc gia có năng lực sản xuất bộ xét nghiệm và những vật dụng đi kèm, như Đức và Áo, thường có ít ca tử vong do COVID-19 hơn.

Tại Pháp, ngay đến những vật phẩm cơ bản cũng bị thiếu hụt. Ví dụ, nhiệt kế cháy hàng tại các nhà thuốc. Nguồn cung paracetamol, một loại thuốc giảm đau - hạ sốt phổ biến, ít đến nỗi chính quyền sở tại đã phải ra lệnh giới hạn số thuốc bán ra cho mỗi người.

COVID-19: Từng có kho dự trữ vũ khí chống dịch khổng lồ, vì sao quốc gia châu Âu này tự đánh mất lợi thế? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: NYT

Pháp đã tự đánh mất "vũ khí" chống dịch chiến lược như thế nào?

Thực tế, những lời cảnh báo đã được đưa ra từ nhiều năm nay.

Sau đại dịch SARS năm 2003, giới chức Pháp đã phân tích những rủi ro và xây dựng kho dự trữ khẩu trang. cũng như đồ bảo hộ do các công ty trong nước sản xuất. Có thể nói rằng vào thời điểm đó, việc sản xuất và dự trữ vật tư y tế tại Pháp cũng được coi trọng như việc chế tạo và sản xuất khí tài quân sự của nước này.

Năm 2006, chính phủ Pháp đã công bố một kế hoạch ứng phó với đại dịch bao gồm nhiều biện pháp, trong đó có việc dự trữ khẩu trang. Trước đó, vào năm 2005, Bộ Y tế Pháp đã ký kết hợp đồng mua 180 triệu khẩu trang/năm trong vòng 5 năm với công ty Bacou-Dalloz - nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất nước Pháp vào thời điểm đó.

Theo dữ liệu NYT thu thập được, chính phủ Pháp khi đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung vật tư y tế trong nước nhằm "tránh tình trạng quá phụ thuộc vào nhập khẩu, bởi việc nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp đại dịch bùng phát".

Năm 2008, chính phủ Pháp đã công bố Sách Trắng, lần đầu tiên tuyên bố đại dịch là một mối hiểm họa quốc gia tiềm tàng, chỉ đứng thứ 4 sau khủng bố, tấn công mạng và tấn công tên lửa.

"Trong vòng 15 năm tới, một đại dịch có thể bùng phát", Sách Trắng của Pháp cảnh báo. Đó có thể là một đại dịch siêu lây nhiễm và chết người và có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, theo nội dung được nêu ra trong văn bản này.

Thế nhưng, không lâu sau đó, nhiều chính trị gia của nước này đã bắt đầu chỉ trích chính sách dự trữ khẩu trang và dược phẩm là "phí phạm". Năm 2009, vụ bê bối khai khống giá vaccine H1N1 từ 44 triệu Euro lên 383 triệu Euro và chỉ có chưa đến 9% dân số Pháp được tiêm chủng loại vaccine này lại càng khiến những lời chỉ trích thêm dữ dội.

COVID-19: Từng có kho dự trữ vũ khí chống dịch khổng lồ, vì sao quốc gia châu Âu này tự đánh mất lợi thế? - Ảnh 8.

Ảnh minh họa: NYT

Năm 2013, Pháp đã ban hành chỉ đạo phòng chống dịch mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm ngân sách và hạ thấp tầm quan trọng của các kho dự trữ vật tư y tế chiến lược. Khẩu trang phẫu thuật vẫn được dự trữ, nhưng không phải loại FFP2 chất lượng cao và có giá thành đắt gấp 10 lần loại thông thường.

Và khi Pháp ngày càng giảm đầu tư cho các dây chuyền sản xuất trong nước, họ bắt đầu tìm đến các nhà cung cấp và dây chuyền sản xuất ở nước ngoài với giá thành rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.

Theo ông Francis Delattre, một cựu Thượng nghị sĩ từng đưa ra cảnh báo về việc thiếu hụt khẩu trang tại Pháp năm 2015, chỉ có những nhà máy sản xuất tại Trung Quốc mới có thể đáp ứng được những yêu cầu về giá thành rẻ, lô hàng số lượng lớn mà phía Pháp đưa ra.

"Các nhà máy sản xuất nhỏ tại Pháp bắt đầu mất đơn đặt hàng. Việc giao phó nền y tế của đất nước vào chỉ 1 hoặc 2 tập đoàn sản xuất của Trung Quốc là điều rất nguy hiểm", ông Delattre nói.

Sau một thời gian dài không nhận được đơn đặt hàng từ chính phủ, Bacou-Dalloz - nơi từng sản xuất 24/24 - ngày càng lụn bại và cuối cùng buộc phải đóng cửa vào năm 2018.

Từng có 1,7 tỉ chiếc khẩu trang trong kho dự trữ quốc gia vào năm 2009, nhưng đến tháng 3 năm nay, Pháp chỉ còn lại 150 triệu khẩu trang.

Và khi "kẻ thù vô hình" âm thầm len lỏi trong lãnh thổ Pháp, quốc gia này lại không thể sản xuất đủ khẩu trang để đáp ứng nhu cầu của người dân...

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ