• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Cử chỉ nhỏ” của Trump đủ để “phá băng” với Trung Quốc?

Thế giới 10/02/2017 08:28

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump “phá băng” quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng lá thư thúc đẩy quan hệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump “phá băng” quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng bức thư truyền đạt thông điệp về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump đã cảm ơn ông Tập về lời chúc mừng nhậm chức và gửi lời chúc tới người dân Trung Quốc đón một năm mới Đinh Dậu hạnh phúc, theo phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer. Ông Trump vẫn chưa tiến hành điện đàm với ông Tập kể từ khi ông nhậm chức dù đã có cuộc gọi tới hơn chục nhà lãnh đạo thế giới.

Động thái bất ngờ của ông Trump hướng tới việc xoa dịu những căng thẳng hiện nay với Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

"Tổng thống Trump nói rằng ông mong muốn làm việc với Chủ tịch Tập nhằm phát triển một mối quan hệ mang tính xây dựng có lợi cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc", Spicer nói trong một tuyên bố vào tối ngày 8/2.

Ông Trump đang phải đối mặt với áp lực thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử về việc hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc – quốc gia ông cho rằng đang tước đi công việc của người Mỹ. Ông Trump đã nói rằng sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đưa ra các khiếu nại thương mại với nước này và áp đặt thuế quan nếu Bắc Kinh không dừng những hành động được ông cho là giao dịch thương mại không công bằng.

Ông Tập đã liên hệ với ông Trump 3 lần kể từ khi nhà tỷ phú giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, bao gồm cả hai tin nhắn chúc mừng. Họ đã có một cuộc trò chuyện điện thoại vào ngày 14/11, trong đó ông Tập cho biết sự hợp tác là "lựa chọn đúng đắn duy nhất" cho mối quan hệ song phương.

'Cử chỉ nhỏ'

"Động thái trên tốt hơn là không làm gì cả, tuy nhiên, đây chỉ là một cử chỉ rất nhỏ", Shi Yinhong, một cố vấn ngoại giao của chính quyền Trung Quốc và là Giám đốc Trung tâm về nghiên cứu Mỹ tại Đại học nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết. "Chính sách của Trump về Trung Quốc chưa cho thấy một điều gì rõ ràng, mặc dù tất cả các dấu hiệu cho đến nay đang thể hiện cách tiếp cận hiếu chiến."

Reuters trích dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã rất lo ngại về nguy cơ căng thẳng trong một cuộc điện đàm giữa hai bên và sau đó những thông tin này lại được rò rỉ trên truyền thông Mỹ.

Tuần trước, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Australia đã trở nên căng thẳng sau khi Washington Post công bố chi tiết về một cuộc gọi điện thoại gay gắt giữa ông Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.

"Khía cạnh đáng lo ngại nhất về tổng thống mới là tính khí của ông ấy, chứ không phải chính sách của ông," Wang Fan, giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết. "Chúng tôi đang lo lắng ông ấy sẽ cực đoan hơn."

Bắc Kinh đã sử dụng cả hai kênh chính thức và không chính thức để tăng cường quan hệ với chính quyền mới. Con gái của Trump Ivanka đã được mời tham dự một sự kiện đón tết nguyên đán của Trung Quốc ngày 1/2 tại đại sứ quán Trung Quốc ở Washington. Một quan chức Nhà Trắng cho biết Đại sứ Cui Tiankai và Jared Kushner, chồng của Ivanka và là cố vấn cho ông Trump đang có tiến trình đối thoại.

Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố đang có sự liên hệ suôn sẻ với đội ngũ nhân sự của ông Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần qua cho biết hai nước đã duy trì "liên lạc chặt chẽ".

Và sự tiếp xúc này được dẫn đầu bởi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Quốc  vụ Dương Khiết Trì. Ông Dương đã nói với Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump tuần trước rằng Trung Quốc hy vọng có thể làm việc với Hoa Kỳ trong việc quản lý và kiểm soát các tranh chấp và các vấn đề nhạy cảm.

Xoa dịu căng thẳng?

Có một số vấn đề tranh cãi Trung Quốc đang lo ngại ông Trump có thể bất ngờ đưa ra những tuyên bố cứng rắn, bao gồm vấn đề về Đài Loan và thương mại.

Trong một tweet kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Trump đã đặt câu hỏi về chính sách “một Trung Quốc” và chỉ trích các nhà lãnh đạo của Trung Quốc về việc không làm nhiều hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Trump cũng bổ nhiệm nhà kinh tế Peter Navarro – người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc đứng đầu Ủy ban thương mại Quốc gia trong khi tân Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nói rằng Mỹ nên phản đối Trung Quốc tiếp cận các đảo bồi đắp trái phép tại Biển Đông.

Wang Yiwei, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói rằng bức thư trên cho thấy rằng chính quyền mới của Mỹ muốn khẳng định tầm quan trọng họ đặt vào mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và sẽ không liều lĩnh đối đầu trong các vấn đề cụ thể.

"Ông Trump đã gửi rất nhiều thông điệp khiến thế giới bối rối, như về Biển Đông hay chính sách "Một Trung Quốc ", vì vậy nếu ông ấy gọi điện thoại, Chủ tịch Tập có thể hỏi rằng" ông đang có ý gì? "," Wang nói. "Ông ấy (Trump) muốn tránh điều này nên lá thư là bước đi đầu tiên."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ