(Tổ Quốc) - Theo CNBC, cách đây 1 tháng, khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề nghị giúp đỡ các nước đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực.
Là nhà sản xuất lúa mì đứng thứ hai trên thế giới, trong 12 tháng, tính đến tháng Ba năm nay, Ấn Độ đã thu lợi nhuận cao từ nông sản khi giá cả tăng vọt, xuất khẩu đạt kỷ lục 7 triệu tấn ngũ cốc. Giờ đây, mục tiêu này đã phải từ bỏ khi nước này áp dụng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh đợt nắng nóng đỉnh điểm bao trùm ở quốc gia Nam Á này khiến sản lượng thu được thấp đi và đẩy giá cả tiêu dùng lên mức cao kỷ lục trong nước.
"Chúng tôi đã có đủ lương thực cho người dân Ấn Độ và muốn thúc đẩy chương trình hỗ trợ lương thực cho người dân trên khắp thế giới. Chúng tôi đã sẵn sàng gửi hàng cứu trợ từ ngày mai", Thủ tướng Ấn Độ Modi từng nói trong tháng Tư.
Và động thái cấm xuất khẩu mới đây đã gây sốc cho thị trường quốc tế vào ngày 16/5. Trước đó, Delhi còn khẳng định đợt nắng nóng kỷ lục cũng không hề ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của nước này. Giá lúa mì toàn cầu mới tăng 6% - mức cao nhất trong hai tháng qua.
Trước đó, Ấn Độ còn đặt mục tiêu sẽ sản xuất 100 triệu tấn trong năm nay thì đến hiện tại, hầu hết số lượng ngũ cốc của nước này chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của 1,3 tỷ dân trong nước. Báo động về lệnh cấm xuất khẩu cho thấy "sự mong manh" đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Thế giới vượt qua khủng hoảng ra sao?
Ngân hàng thế giới cho biết xung đột ở Ukraine đã tác động mạnh đến thị trường hàng hóa thế giới, đẩy giá thành lên cao và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2024. Giá lương thực dự kiến sẽ tăng 22,9% trong năm 2022 và giá lúa mì tăng 40%.
Trước đó, Nga và Ukraine chiếm 14% sản lượng lúa mì toàn cầu và khoảng 29% tổng sản lượng xuất khẩu. Các lô hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, trong đó khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc hiện đang mắc kẹt ở Ukraine. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine nằm trong số 5 nước xuất khẩu nông sản chính trên thế giới, bao gồm ngô, lúa mì và lúa mạch. Nước này cũng là nhà xuất khẩu dầu và bột hướng dương hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng gián đoạn và không thể đoán trước đã đẩy giá lương thực lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Khả năng giải quyết là một vấn đề lớn bởi tác động từ đại dịch đã khiến hàng triệu người mất việc làm.
Trong tháng Ba, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã dự báo khả năng 44 triệu người dân trên thế giới rơi vào nạn đói trong năm nay. Bởi xem Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu nông sản chính, nhiều quốc gia đang đối mặt với rủi ro cao do gián đoạn nguồn cung.
"Xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã bị gián đoạn do khủng hoảng Nga-Ukraine", ông Oscar Tjakra, nhà phân tích tại Rabobank lưu ý.
Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ một lần nữa sẽ làm giảm lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2022 cũng như ảnh hưởng đến việc hỗ trợ giá lúa mì trên toàn cầu.
Tăng cường chủ nghĩa bảo hộ lương thực
Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ tiếp tục duy trì đảm bảo an ninh lương thực trong nước và giữ mức cân bằng giá. Trong tháng Tư, lạm phát hàng năm ở nền kinh tế đứng thứ ba châu Á đạt đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Chính phủ nước này cho biết các hạn chế không áp dụng đối với các thương vụ đã đạt được trước đó.
"Mức độ tác động nghiêm trọng của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào khối lượng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ và khối lượng sản xuất lúa mì từ các nhà sản xuất lúa mì khác trên thế giới", ông Tjakra nói.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng Ấn Độ là một trong những quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ tác động của khủng hoảng khí hậu.
"Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động nông nghiệp sẽ không thể đoán trước. Ấn Độ cũng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu thốn lương thực", ông Sharma nói thêm.
Ấn Độ không chỉ là quốc gia duy nhất tập trung vào nguồn cung ứng trong nước và hạn chế sản xuất nông sản. Trong tháng Tư, Indonesia cũng bắt đầu hạn chế sản xuất dầu cọ, thành phần phổ biến trong các loại thực phẩm, mỹ phẩm và đồ gia dụng trên thế giới. Hay Ai Cập cũng áp dụng lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu do lo ngại về tình trạng thiếu lương thực.
"Bởi tình trạng lạm phát gia tăng ở châu Á, các nước sẽ nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ lương thực nhiều hơn. Và các biện pháp này cũng có thể tăng thêm áp lực lên giá lương thực toàn cầu", nhà phân tích Sonal Varma tại tập đoàn Nomura cho biết.
Theo bà Varma, tác động của lệnh cấm xuất khẩu lúa mì ở Ấn Độ sẽ khiến các nước thu nhập thấp gặp khó khăn hơn. Bangladesh hiện là điểm đến xuất khẩu lúa mì hàng đầu của Ấn Độ, sau đó là Srilanka, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Indonesia, Yemen, Philippines và Nepal.