• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Cửa sau” ngoại giao Mỹ- Triều: Những tín hiệu thuận, nghịch?

Thế giới 28/08/2017 10:43

(Tổ Quốc) - Những phát triển thuận nghịch về chương trình vũ khí chiến lược và ngoại giao.  

Ngày 26/8, Triều Tiên phóng 3 tên lửa tầm ngắn. Vụ thử tên lửa này diễn ra vào lúc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn 10 ngày, bắt đầu từ 21/8, với sự tham gia khoảng 17.500 binh sỹ Mỹ và khoảng 50.000 binh sỹ Hàn Quốc.

Theo một số nhà phân tích, vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định làm leo thang căng thẳng và có thể đã có sự hiểu biết ngầm giữa Washington và Bình Nhưỡng về một thái độ kiềm chế nhất định tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán ba bên Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên.

Bình Nhưỡng tiếp tục gây áp lực lên Washington

Truyền thông Triều Tiên đã đăng tải những bức ảnh ngày 23/8, chụp nhà lãnh đạo Kim Jon-un đứng cạnh hình ảnh một loại tên lửa 3 tầng có tên Hwasong-13. Vỏ bên ngoài của tên lửa dường như được làm bằng một loại vật liệu mà có thể gồm cả nhựa, nhằm giảm trọng lượng và tăng tầm bắn. 

Theo các chuyên gia, loại tên lửa 3 tầng sẽ uy lực hơn so với loại tên lửa xuyên lục địa (ICMB) 2 tầng Hwasong-14 phóng thành công 2 lần hồi tháng 7. Hwasong-14 có thể có tầm bắn 10.000 km. Hwasong-13 là một loại tên lửa ICBM có tầm bắn lên đến 12.000 km, có thể tấn công nhiều phần của nước Mỹ.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát lắp ráp tên lửa ICMB Hwasong-14. Triều Tiên có thể đang phát triển Hwasong-13 với tầm bắn lớn hơn.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngày 25/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo các bộ phận của một lò phản ứng hạt nhân mới, để sản xuất nhiên liệu cho bom nguyên tử. 

Trong một báo cáo thường niên trước Đại Hội đồng IAEA, cơ quan này cho rằng Triều Tiên đã đẩy mạnh những nỗ lực trong việc sản xuất nguyên vật liệu để chế tạo bom hạt nhân. Báo cáo trên, được đăng tải trên mạng của Đại Hội đồng IAEA, nêu rõ: “Đã có một số dấu hiệu tại công trường xây dựng lò phản ứng nước nhẹ (LWR) về sự gia tăng những hoạt động giống như sản xuất các bộ phận của lò phản ứng. Tuy nhiên, IAEA vẫn chưa thấy dấu hiệu của việc chuyển giao hay đưa vào hoạt động các bộ phận quan trọng ở trong tòa nhà chứa lò phản ứng”. Dự kiến, lò phản ứng mới sẽ lớn hơn lò phản ứng thử nghiệm ở Yongbyon. IAEA không có thông tin trực tiếp mà chỉ giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng chủ yếu thông qua vệ tinh. 

Chuyển động ngầm ngoại giao?

Mấy tuần qua, Donald Trump tạm ngừng phát biểu gây sốc trên mạng xã hội; Kim Jong-un  tuyên bố hủy kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa.

Về vụ thử tên lửa ngày 26/8, cả Seoul và Washington đều hạ thấp ý nghĩa của nó và không đưa ra một tuyên bố lên án nào. Phủ Tổng thống Hàn Quốc coi vụ thử như một động thái đã được dự báo trước. Một quan chức cấp cao Nhà Xanh nhận xét “tình hình không có gì liên quan đến các khiêu khích chiến lược”. Một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho rằng các tên lửa vừa được thử nghiệm chỉ là hệ thống pháo phản lực từ một bệ phóng đa nòng, và như vậy thái độ của Triều Tiên trong vụ thử nghiệm này thấp hơn nhiều so với một vụ thử tên lửa đạn đạo. 

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng hai miền Triều Tiên có thể tổ chức một sự kiện dân sự chung kỷ niệm 10 năm hội nghị thượng đỉnh liên Triều 4/10 và hy vọng Triều Tiên sẽ hồi đáp tích cực đề xuất đối thoại mà Hàn Quốc nhiều lần đưa ra từ khi Tổng thống Moon ngồi vào Nhà Xanh.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nói bóng gió rằng các hoạt động ngoại giao hậu trường đang tiếp diễn “có kết quả”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã bày tỏ lạc quan có thể cải thiện mối quan hệ giữa hai bên.

Tại cuộc họp báo thường kỳ sau vụ thử tên lửa ngày 26/8, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đề cập về một bước đầu tiên khả quan khi không xảy ra bất kỳ vụ phóng thử tên lửa nào trong vòng hơn 3 tuần”. Tuy nhiên, “Bình Nhưỡng cần làm nhiều hơn nữa để cho thấy Triều Tiên sẵn sàng cho việc đàm phán với sự thiện ý”. 

 Hạn hán tồi tệ nhất 16 năm qua tại Triều Tiên, dẫn tới thiếu lương thực nghiêm trọng.

Tin tức từ phía Mỹ cũng đề cập các cuộc tiếp xúc qua các kênh ngoại giao “cửa sau”. Kênh này được tập trung nhiều nhất tại New York, thông qua các nhà ngoại giao hai nước tại Liên hợp quốc. Hoa Kỳ và Việt Nam từng sử dụng  kênh này trong những năm Mỹ tiến hành cấm vận Việt Nam cho đến khi hai nước thiết lập Văn phòng đại diện trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.

Tổng thống Trump rất cần có những thành quả ngoại giao cụ thể sau một thời gian dài gây náo loạn về vấn đề Triều Tiên. Sau 7 tháng cầm quyền, kết quả đối ngoại của chính quyền Trump còn nghèo nàn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuy mạnh mồm, nhưng đang đứng trước áp lực quốc tế mạnh mẽ, với các biện pháp cấm vận khắc nghiệt của Liên hợp quốc. Dân Triều Tiên đang đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất 16 năm qua, dẫn tới thiếu lương thực nghiêm trọng./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ