(Tổ Quốc) - Sau nhiều ngày tranh tài kịch tính, Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đã bước vào giai đoạn thi đấu cuối cùng. Đoàn Thể thao Việt Nam với sự cố gắng không ngừng nghỉ đã có được 3 HCV, 5 HCB và 17 HCĐ.
Đánh giá về kết quả Đoàn Thể thao Việt Nam giành được thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 Đặng Hà Việt cho biết: "Về chỉ tiêu, chúng ta đã đạt trên 50% mục tiêu đặt ra ở mức tối đa và hoàn thành ở mức tối thiểu (Chỉ tiêu đặt ra là từ 2-5 HCV). Về chuyên môn chúng ta có một vài sự tiếc nuối nhất định ở các môn được kỳ vọng như Xe đạp, Boxing, Bắn súng... khi các VĐV đều gặp phải những khó khăn khác nhau dẫn đến kết quả chưa được như mong đợi".
Trong thời gian qua, dư luận trong nước đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc tại sao Thể thao Việt Nam được xem là một thế lực, luôn có được thành tích tốt tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực nhưng chưa đạt được kỳ vọng khi tiến ra châu lục.
Về vấn đề này, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho rằng, để đánh giá tổng thể cần dựa vào nhiều yếu tố như vấn đề bốc thăm chia nhánh đấu, quá trình thi đấu, bản lĩnh của VĐV... Bên cạnh đó, công tác đầu tư và thiết lập hệ thống tuyển chọn VĐV các cấp là hai trong số nhiều yếu tố quan trọng cần thực hiện.
"ASIAD và Olympic là hai Đại hội thể thao đỉnh cao. Nhiều nhà lý luận đã khẳng định, thành tích giữa các quốc gia trong mỗi kỳ Đại hội thể thao là minh chứng cho sự cạnh tranh, phát triển kinh tế của các quốc gia. Với khu vực Châu Á là 3 cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, còn ra Olympic và Trung Quốc, Mỹ. Nền kinh tế phát triển sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến thể thao như đầu tư, tài trợ... giúp cho VĐV có khả năng đạt thành tích cao" - Trường đoàn Đặng Hà VIệt nói.
Quá trình đầu tư sẽ tác động lớn đến công tác tuyển chọn, hệ thống giải... Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều hệ thống giải có tiềm năng nhưng thiếu kinh phí đầu tư, khó thu hút được các nguồn xã hội hóa. Từ đó, gây tác động tới các quá trình khác như tuyển chọn, đào tạo...
"Sẽ cần 10 năm để đào tạo từ 1 người chưa biết nhiều về thể thao cho đến khi đạt thành tích cao ban đầu (Thành tích vô địch ở mức cấp độ quốc gia - PV). Trong quá trình đó, từ hàng nghìn VĐV mới có 1 người vô địch, tính đào thải là rất lớn và tiêu tốn nhiều kinh phí. Ngoài ra còn cần nhắc tới khoa học huấn luyện. Khía cạnh này yêu cầu đội ngũ nhân lực lớn không chỉ HLV mà còn nhiều nhân sự để giải quyết các bài toán như hồi phục, lượng vận động, dinh dưỡng, thống kê… đến giờ chúng ta chưa có. Thật sự chúng ta chưa đủ khả năng. Để đạt được thành tích tốt cần có sự quan tâm hơn" - Trường đoàn Đặng Hà Việt nói.
Đối với hệ thống đào tạo, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam cho rằng, để đào tạo ra một VĐV có khả năng vô địch ASIAD, Olympic cần rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của hệ thống tuyển chọn bài bàn ở 63 tỉnh, thành cùng các cấp từ tiểu học cho tới đại học.
"Ví dụ như Cầu mây, hiện chúng ta chỉ có một vài nhóm nhỏ, một số nơi đầu tư không có hệ thống nên không thể gọi quá trình của chúng ta là quá trình đầu tư trọng điểm được. Đầu tư của chúng ta hiện chỉ ở vấn đề chuyên gia, tập huấn, thi đấu... Việc tập huấn, thi đấu giúp VĐV nâng cao trình độ nhưng họ có thể không phải là những VĐV tốt nhất, là người có năng khiếu nhất, tài năng nhất" - Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhận định.
Ví công tác tuyển chọn như "đãi cát tìm vàng", Trưởng đoàn Đặng Hà Việt phân tích, nếu ngành thể thao "đãi cát" ở 63 tỉnh thành, ở các cấp học…theo hệ thống bài bản, kĩ lưỡng thì sẽ chọn được nhiều VĐV có tiềm năng. Cùng với đó, các chính sách về thể thao của ngành thể thao Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành khác như giáo dục, y tế... Từ đó, mới có thể định hướng, đào tạo được các VĐV có triển vọng.