(Tổ Quốc) - Nga - Trung Quốc đang có nhiều động thái xích lại nhưng kịch bản hình thành một liên minh giữa họ vẫn là điều khó đoán.
Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF), nền tảng chính của Tổng thống Putin để kết nối với các cường quốc kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đang tìm cách thu hút đầu tư và tăng cường kết nối giữa vùng Viễn Đông của Nga với khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.
Ông Putin đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Vladivostok ngày 11/9 – cùng lúc quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự Vostok 2018. Trong cuộc họp ở EEF, cả hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề hiện tại. Sự biến động địa chính trị ngày càng khó lường khiến quan hệ đối tác giữa Moscow và Bắc Kinh trở nên quan trọng hơn, theo lời của Chủ tịch Tập trong cuộc đối thoại với ông Putin.
Phản ứng của Nga-Trung đối với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ?
Ông Tập cũng ủng hộ việc cả hai nước hợp tác chống lại chủ nghĩa bảo hộ - điều cũng được Tổng thống Putin đồng tình. Cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy thương mại và tiến hành các giao dịch song phương sử dụng đồng rúp và đồng nhân dân tệ, thay vì đồng đô la Mỹ. Tổng thống Putin cũng nói với các phóng viên rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác hướng tới việc giảm leo thang và thực hiện giải pháp chính trị về bán đảo Triều Tiên.
Trong bài phát biểu của mình tại EEF vào ngày 12/9, Chủ tịch Tập cam kết giúp Nga phát triển khu vực Viễn Đông – đúng như điều ông Putin chờ đợi.
Còn phía Trung Quốc, với 3.200 quân và 30 máy bay cũng đã được mời tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại – Vostok 2018.
Trung Quốc và Mông Cổ đã được mời tham dự tập trận Vostok 2018. (Nguồn: AP) |
Liên minh Nga-Trung?
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong suốt sự kiện EEF và Vostok-2018 đều không đề cập đến một liên minh Nga-Trung.
Đầu tiên, cả hai bên đã làm rõ nhiều lần rằng, họ không quan tâm đến mối quan hệ liên minh. Về phía Nga, họ chắc chắn không muốn trở thành một bên trong mối quan hệ nào như vậy. Đối với Moscow, niềm tự hào là một cường quốc trong suốt chiều dài lịch sử không cho phép họ chấp nhận vị thế chỉ là một đối tác trong liên minh sức mạnh.
Điều thứ hai, trong khi thương mại của Nga với Trung Quốc đang gia tăng, nó vẫn còn cách xa so với mục tiêu là đạt được 200 tỷ USD năm 2020. Con số này đã được trích dẫn trong một báo cáo năm 2018 về quan hệ song phương của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga. Về tổng giá trị thương mại song phương, Thời báo Tài chính dẫn lời Tổng thống Putin cho biết con số này năm 2017 là 87 tỷ USD và dự kiến đạt 100 tỷ USD trong năm nay. Hơn nữa, tương tác kinh tế Nga-Trung, tập trung vào xuất khẩu năng lượng, cũng không thể thay đổi sớm để đáp ứng được mục tiêu 200 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đa dạng hơn nhiều và trong năm 2017 đã lên tới 635.3 tỷ USD. Do đó, đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng hơn so với Nga, mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện tại mới chỉ bắt đầu và kết quả chưa thể đoán trước được.
Điều thứ ba, đối với Nga, cho đến nay Mỹ vẫn là "đối thủ chính" của họ trên con đường khẳng định vị thế siêu cường. Ngoài các lệnh trừng phạt thì các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai bên không có nhiều tranh chấp. Tổng giá trị thương mại của Nga với Hoa Kỳ trong năm 2017 chưa đến 24 tỷ USD, và giữ ở mức tương đối cân bằng đối với hai bên.
Còn với Trung Quốc, Mỹ không ảnh hưởng đến vị thế của nước này tại châu Á mà sự khác biệt giữa họ lớn nhất là về đề kinh tế và thương mại.
Trong khi Tổng thống Putin và nhiều nhà lãnh đạo Nga có những quan điểm tích cực về Tổng thống Trump thì Trung Quốc không chia sẻ điều này vì những lí do hiển nhiên (đang được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng). Bất kỳ liên minh nào giữa Nga và Trung Quốc đều cần cả hai bên có chung quan điểm đối với nhà lãnh đạo và chính sách ở phía đối thủ của họ.
Riêng đối với Nga, mặc dù những lời khen ngợi của Tổng thống Trump về Nga và Tổng thống Putin cho đến nay chưa dẫn đến sự thay đổi các chính sách tích cực hơn, Nga vẫn có thể hy vọng về những diễn biến tương lai lạc quan hơn. Và không giống như Nga, Trung Quốc thường xuyên bị ông Trump chỉ trích về các chính sách thương mại đối với Hoa Kỳ và ông Trump cũng đe dọa sẽ tiếp tục leo thang cuộc căng thẳng này.
Ngờ vực trong bối cảnh xích lại?
Thông qua Vostok 2018, cũng có thể thấy một số sự ngờ vực vẫn tồn tại giữa Nga và Trung Quốc. Dường như Moscow có thể đang tìm cách ra tín hiệu không chỉ đối với Mỹ mà với cả Trung Quốc rằng, họ có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa quân sự nào nhằm vào khu vực Viễn Đông và Siberia thưa thớt.
Và sự tham gia của quân đội Trung Quốc tại Vostok 2018 là một cách trực tiếp để Nga thể hiện sức mạnh lực lượng vũ trang của mình tại Viễn Đông và Siberia. Vostok 2018 diễn ra tại Viễn Đông chứ không phải ở các khu vực phía tây của đất nước- nơi Nga thường tập trận để ra tín hiệu với NATO. Trong khi giữa hai bên cũng đã từng nổ ra xung đột vũ trang tại biên giới, như năm 1969 thì không giống như tình hữu nghị Trung-Xô, Trung Quốc ngày nay có nền kinh tế vượt trước Nga.
Ý nghĩa đối với ASEAN
Rõ ràng hơn bao giờ hết, trọng tâm trong chính sách châu Á của Nga là Trung Quốc, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Những nhà lãnh đạo các nước này cũng đều đã có mặt tại EEF năm nay.
Điều đó là dễ hiểu và dễ đoán vì lịch sử lâu dài của Nga về quan hệ với các nước trên, cùng với sự gần gũi về địa lý của họ với Nga và trên tất cả, vị thế kinh tế và chính trị của họ ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Do đó, họ có thể đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của khu vực Viễn Đông Nga.
Trong bối cảnh này, ASEAN phải thực tế về những kỳ vọng của mình trong việc phát triển quan hệ với Nga. Nếu Tổng thống Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11/2018 tại Singapore thì đây chắc chắn sẽ là một tín hiệu thúc đẩy quan hệ Nga-ASEAN. Tuy nhiên, liệu điều này có dẫn đến một kết quả đáng kể góp phần đưa quan hệ Nga-ASEAN lên cấp độ tiếp theo hay không vẫn còn cần phải chờ đợi.