(Tổ Quốc) - Giải pháp xây dựng các gian hàng ki-ốt pha chế cà phê tự động do công ty khởi nghiệp Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology Philip Han thiết kế đã thúc đẩy cơ hội phục hồi ngành công nghiệp cà phê toàn cầu.
Theo trang SCMP, người sáng lập công ty khởi nghiệp Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology Philip Han cho biết công ty này đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận hành các quán cà phê để phục hồi ngành công nghiệp này trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Ông Philip Han tin rằng robot có thể tạo ra cuộc cách mạng đối với ngành kinh doanh cà phê ở Thượng Hải (Trung Quốc) và nhiều nơi khác.
Được thành lập vào năm 2018 tại Thượng Hải, sứ mệnh của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology là cắt giảm chi phí cho một tách cà phê Java ngon, mang đến cơ hội "đôi bên cùng có lợi" cho cả chủ doanh nghiệp và khách hàng.
Theo chính quyền địa phương, Thượng Hải là thành phố có nhiều quán cà phê nhất thế giới. Giải pháp của công ty là Cofe+, một gian hàng hình khối khép kín được trang bị đầy đủ các thiết bị và nguyên liệu cần thiết để pha chế cà phê Americano hoặc Cappuccino, nóng hoặc đá. Trung tâm của gian hàng là một cánh tay robot rót cà phê vào cóc, đậy nắp và giao cho khách hàng.
Công ty cho biết, được trang bị máy xay và máy làm đá, ki-ốt có thể pha chế đồ uống trong khoảng 50 giây mà không cần một nhân viên pha chế nào. Khi được nạp đầy, mỗi gian hàng có thể cung cấp khoảng 300 đồ uống.
Theo ông Han, xét ở một số khía cạnh, robot là nhân viên pha chế giỏi hơn con người.
"Con người có thể hay quên, dễ xúc động và bất cẩn, đôi khi không đảm bảo an toàn vệ sinh đồ uống. Tuy nhiên, máy Cofe+ được bảo vệ bằng kính, có trang bị công nghệ chống côn trùng cũng như kháng khuẩn đã được cấp bằng sáng chế. Đường ống tự động làm sạch và khử trùng và sữa được giữ ở nhiệt độ không đổi để giữ tươi trong 72 giờ.
Phía công ty Hi-Dolphin cho biết lợi thế lớn nhất của ki-ốt robot nằm ở khả năng tiết kiệm chi phí. So với việc vận hành một quán cà phê thông thường, chi phí vận hành một ki-ốt hoàn toàn tự động thấp hơn khoảng 90%.
Trang web của công ty dẫn tin, chỉ mất không quá 30 phút để nạp đầy nguyên liệu cho ki-ốt và chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo, do đó, một nhân viên bảo trì có thể chăm sóc tới 10 ki-ốt mỗi ngày.
Phát triển trên thị trường quốc tế
Theo ông Han, chi phí máy được bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đô la Mỹ ở nước ngoài và có thể sử dụng trong khoảng 10 năm. Đó là điểm nhấn của Cofe+ trên thị trường quốc tế.
Việc quảng bá các gian hàng ki-ốt pha chế cà phê tự động ở nước ngoài dễ dàng hơn nhiều vì chi phí lao động ở các nền kinh tế phát triển thường rất cao. Ông Han cho biết công ty đã thành lập khoảng 1.000 gian hàng cà phê tại hơn 30 quốc gia nước ngoài, cũng như 15 tỉnh của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng công ty khởi nghiệp sẽ có kế hoạch mở rộng sang khoảng 20 quốc gia nữa vào cuối năm nay.
Công ty Hi-Dolphin hy vọng công nghệ có thể giúp các quán cà phê của Trung Quốc tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Theo hãng phân tích ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống Trung Quốc Canyin88, khoảng 44.000 quán cà phê đã đóng cửa tại nước này trong 10 tháng đầu năm ngoái, ước tính chỉ còn chưa đến 192.000 quán cà phê vẫn hoạt động tính đến cuối tháng 10/2023.
Mặc dù hầu hết các quán cà phê đóng cửa đều là các doanh nghiệp độc lập nhưng một số chuỗi cửa hàng phổ biến cũng đã thu hẹp sự hiện diện trên đất liền trong những năm gần đây, bao gồm Seesaw Coffee (Trung Quốc), Caffe Bene của Hàn Quốc và Pacific Coffee của Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo công ty, các ki-ốt của Hi-Dolphin có thể được lắp đặt ở nhiều nơi khác nhau. Cofe+, ra mắt vào năm 2019 và hiện có thể được tìm thấy ở hơn 500 địa điểm, bao gồm bệnh viện, bảo tàng và các khu vực ngoài trời như đường phố và công viên.
Công ty cũng phát triển một phiên bản Cofe+ tiên tiến hơn nhằm đối phó với thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như bão và nhiễu điện từ.
Không chỉ riêng Trung Quốc, tại Mỹ, sân vận động phục vụ Giải bóng chày nhà nghề Mỹ của đội Texas Rangers gần đây đã đưa vào sử dụng robot chuyên pha chế đồ uống mang tên ADAM.
Được phát triển bởi công ty Richtech Robotics, ADAM sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến để tương tác với khách hàng và đưa ra gợi ý đồ uống, như cà phê, cocktail hay trà sữa trân châu. AI kết hợp cảm biến tiên tiến cùng hai cánh tay robot giúp ADAM mô phỏng chính xác hành động của con người.
Với hai cánh tay thực hiện được công việc phức tạp, ADAM đảm bảo đem đến dịch vụ suôn sẻ và nhanh chóng. Robot sẽ giảm tình trạng rót đồ uống quá mức nên loại bỏ lãng phí cũng như tối ưu hóa chi phí lao động, đồng thời tối đa hóa doanh thu nhờ hoạt động không biết mệt mỏi.
ADAM hiện có mặt tại quầy bar của sân vận động, làm việc bên cạnh đội ngũ pha chế là con người.