• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến Afghanistan: Các cột mốc

Thế giới 13/09/2009 18:07

(Toquoc)–Sau 8 năm, Afghanistan/Pakistan trở thành chiến trường trọng điểm chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

(Toquoc) – Sau 8 năm, Afghanistan/Pakistan trở thành chiến trường trọng điểm chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trong khi tình hình chiến trường Afghanistan ngày càng bất lợi cho Mỹ và liên quân.

- Ngày 7/10/2001: Liên quân do Mỹ cầm đầu phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan, sau khi Taliban cầm quyền từ chối việc giao nộp thủ lĩnh Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố al Qaeda. Osama bin Laden là kẻ chủ mưu trong vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ. Hơn 40 nước tham gia cuộc chiến tại Afghanistan.

- Ngày 13/11/2001: Liên minh miền Bắc của Afghanistan tiến vào thủ đô .

- Ngày 5/12/2001: Tại Bon (Đức), các phe phái tại Afghanistan đạt được thỏa thuận về việc hình thành một chính phủ lâm thời.

- Ngày 6/12/2001: Taliban thất thủ tại thành lũy cuối cùng ở Kandahar.

- Ngày 22/12/2001: Hamid Karzai trở thành người đứng đầu Chính phủ lâm thời gồm 30 thành viên theo thỏa thuận đạt được tại Bon.

- Tháng 12/2001: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết Mỹ đã triển khai từ 1.500 đến 2.000 quân trên đất Afghanistan.

- Trong 2 năm đầu tiên hiện diện ở Afghanistan, số lượng quân Mỹ luôn duy trì ở mức dưới 10.000 quân. Đến năm 2004, số lượng quân Mỹ tại Afghanistan đã bắt đầu tăng dần, khi lực lượng Mỹ cố gắng mở rộng quyền kiểm soát của Chính phủ Afghanistan vượt ra ngoài thủ đô Kabul.

- Tháng 1/2002: Mỹ đưa những tù nhân đầu tiên tới nhà tù của Mỹ tại Vịnh Guantanamo (Cuba), trong đó có nhiều tù nhân người Afghanistan.

- Ngày 13/6/2002: Hội đồng các Tộc trưởng (Loya Jirga) bầu Hamid Karzai làm người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp nhiệm kỳ 2 năm.

-Tháng 3/2003, Mỹ phát động chiến tranh Iraq.

- Ngày 11/8/2003: NATO tiếp nhận quyền chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) tại Afghanistan. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, NATO triển khai lực lượng ngoài châu Âu.

- Ngày 4/1/2004: Hội đồng tộc trưởng Afghanistan thông qua Hiến pháp mới.

- Tháng 3/2004: Lực lượng quân sự Mỹ đạt mức kỉ lục 14.000 quân, khi Mỹ điều thêm 2.000 lính thủy đánh bộ tới chiến trường này.

- Ngày 9/10/2004: Afghanistan tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên thời hậu Taliban. Hamid Karzai giành thắng lợi với 55% số phiếu bầu.

- Ngày 18/9/2005: Afghanistan tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng tỉnh lần đầu tiên trong hơn 30 năm.

- Ngày 19/12/2005: Quốc hội mới Afghanistan nhậm chức.

- Tháng 4/2006: Số lượng binh sĩ Mỹ tại Afghanistan đạt mức kỉ lục mới là 23.300 quân để tham gia các chiến dịch truy quét Taliban. Tuy nhiên, số binh sĩ Mỹ sau đó đã giảm xuống 20.000 quân, khi Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát khu vực miền Nam Afghanistan cho NATO.

- Ngày 29/5/2006: Tình trạng bạo động tồi tệ nhất xảy ra tại Kabul kể từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001.

- Tháng 2/2007: Lầu Năm Góc tuyên bố số lượng quân Mỹ tại Afghanistan tăng lên mức 27.000 quân, khi Mỹ triển khai thêm một lữ đoàn.

- Ngày 15/6: Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Pakistan Asif Ali Zardari gặp gỡ tại Nga, cam kết đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố.

- Ngày 20/7/2007: Một nhóm nhân viên nhân đạo Cơ đốc giáo của Hàn Quốc bị Taliban bắt cóc. Các nhân viên này đã được phóng thích 6 tuần sau đó.

- Ngày 27/82007: Báo cáo của LHQ cho thấy, lượng sản xuất ma túy tại Afghanistan chiếm 93% lượng ma túy thế giới.

- Ngày 13/6/2008: Lực lượng Taliban đánh bom một nhà tù chính ở Kandahar.

- Ngày 7/7/2008: Một vụ đánh bom xe liều chết vào Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul khiến 41 người thiệt mạng.

- Tháng 7/2008: Lầu Năm góc cho biết số binh sĩ Mỹ hiện diện tại Afghanistan là 36.000 quân và cho biết sẽ chỉ tăng thêm quân tại Afghanistan nếu giảm bớt được quân số Mỹ tại Iraq.

- Tháng 11/2008: Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Obama cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến tại Iraq và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.

- Tháng 2/2009: Mỹ công bố việc triển khai thêm 17.000 quân tại Afghanistan, đưa tổng số lực lượng quốc tế tại đây lên 75.000 quân. Hơn 20 nước NATO cũng đưa ra cam kết tăng thêm quân số và đóng góp tái thiết tại Afghanistan.

- Ngày 11/2/2009: Taliban tấn công đồng thời vào 3 tòa nhà của Chính phủ tại Kabul.

- Ngày 27/3/2009: Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới về Afghanistan, trong đó có quyết định cử thêm 4.000 quân nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho binh sĩ nước sở tại, và đề xuất thành lập một nhóm liên lạc mới, bao gồm cả Iran, để chống lại Taliban và al Qaeda. Hình thành  "Chiến lược mới Afghanistan/Pakistan" (AFPAK).

- Tháng 7/2009: Quân Mỹ rút khỏi các thành thị Iraq.

Mỹ sẽ rút khỏi Iraq tất cả các lực lượng tác chiến trước tháng 8/2010; và rút tất cả quân Mỹ, kể cả binh sĩ yểm trợ, trước cuối 2011.

- Ngày 2/7: Quân đội Mỹ mở một chiến dịch lớn chống Taliban tại tỉnh Helmand thuộc miền Nam Afghanistan, mang tên “Nhát gươm”, nhằm ổn định tình hình trước bầu cử 20/8.

- Tháng 6-8/7/2009: Trong chuyến thăm Moscow của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên ký thoả thuận cho phép Mỹ thiết lập cầu không vận ngang qua lãnh thổ Nga để chuyên chở tiếp liệu quân sự cho  chiến trường Afghanistan.

Ngày 6/9, Hiệp định Nga-Mỹ cho phép Mỹ vận chuyển hàng quá cảnh qua Nga đến Afghanistan có hiệu lực.

- Ngày 17/8: Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi dân chúng Mỹ kiên nhẫn. Ông khẳng định cuộc chiến ở Afghanistan là “cần thiết”, song sẽ không "nhanh chóng và dễ dàng" giành thắng lợi. “Tình trạng nổi loạn ở Afghanistan không chỉ xảy ra trong một đêm và chúng ta không thể đánh bại nó trong một đêm”. Nếu tàn quân Taliban không được kiểm soát, lực lượng này sẽ trở thành bàn đạp để tổ chức khủng bố al Qaeda giết hại thêm nhiều người Mỹ.

Một cuộc thăm dò dư luận do truyền hình CNN thực hiện cho thấy 57% số người Mỹ được hỏi phản đối cuộc chiến tại Afghanistan, trong khi 40% cho rằng không thể chiến thắng cuộc chiến này. Tại những nước phương Tây có binh lính tham chiến, làn sóng phản chiến cũng gia tăng.

- Ngày 20/8: Afghanistan tiến hành bầu cử tổng thống lần thứ hai.

Phụ nữ Afghanistan nghe ứng cử viên Ghani Ahmadzai diễn thuyết tại Kabul

- Ngày 22/8: Lầu Năm Góc công bố thương vong chiến tranh: Ít nhất 716 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng bên trong và xung quanh Afghanistan kể từ tháng 9/2001. Hầu hết trong số này thiệt mạng ở Afghanistan, số còn lại ở Uzbekistan hoặc Pakistan. Hơn 3.500 quân nhân nam nữ đã bị thương và Bộ Quốc phòng cũng liệt kê 69 vụ tử vong xảy ra ở những nước khác trong các cuộc hành quân chống khủng bố 8 năm qua.

Tại Iraq, ít nhất 4.337 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Iraq 6 năm qua. Con số thống kê này bao gồm tất cả những trường hợp thiệt mạng kể từ tháng 3/2003. 31.000 binh sĩ bị thương.

- Ngày 23/8: Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cho biết chính quyền Mỹ chuẩn bị tăng lực lượng Mỹ lên 68.000 binh sĩ vào cuối năm 2009 khi 17.000 binh sĩ sẽ được bổ sung như Tổng thống Obama công bố hồi tháng 3/2009. Và hiện nay 4.000 binh sĩ tăng cường đang đến để giúp huấn luyện lực lượng Afghanistan.

- Đầu tháng 9/2009: Đại tướng Stanley McCrystal, Tư lệnh Mỹ trên chiến trường Afghanistan gửi phúc trình cho các nhà lãnh đạo Mỹ, đánh giá tình hình tại chỗ “rất nghiêm trọng”, phải thay đổi chiến lược toàn diện, tăng quân dưới những hình thức khác nhau để có thể ổn định chiến trường trong thời hạn sớm nhất; gia tăng mức độ huấn luyện cho binh sĩ, cảnh sát Afghanistan; thắt chặt quan hệ với các đơn vị quân sự của Afghanistan; phải dành 95% cho công tác xây dựng quan hệ tốt với nhân dân địa phương và phải bảo vệ mối quan hệ có được.

- Ngày 10/9: Hội đồng Quốc tế về An ninh và Phát triển (ICOS), trụ sở tại London, công bố một bản đồ an ninh yại Afghanistan, cho thấy Taliban hiện diện thường xuyên tại ít nhất 97% lãnh thổ Afghanistan, tăng so với 72% hồi tháng 10/2008 và 54% vào tháng 10/2007. ICOS cho biết thêm trong mấy tháng gần đây Taliban ngày càng hoạt động mạnh tại miền Bắc nước này trước đây vốn bình yên./.

Phú Hưng

NỔI BẬT TRANG CHỦ