(Tổ Quốc) - Các máy bay chiến đấu, gồm ít nhất 14 máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-24, dường như đã cất cánh từ một căn cứ ở Nga vào giữa tháng 5 và bay đến Hmeimeem, căn cứ không quân Nga trên bờ biển Địa Trung Hải Syria.
Theo tờ Washington Post, ở đó chúng đã được sơn lại và hạ cánh ở miền đông Libya, trong vùng lãnh thổ do Khalifa Haftar – một đồng minh của Moscow.
Việc triển khai này, điều Lầu Năm Góc tiết lộ tuần trước và bị Moscow bác bỏ, là tín hiệu mới nhất cho thấy một sự leo thang mới tại Libya. Tất cả các loại vũ khí - máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE, hệ thống phòng không Nga, xe bọc thép do Jordan sản xuất – đã tiến vào Libya, bỏ qua lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với nước này 9 năm trước.
Điều này đang dấy lên lo ngại từ Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác rằng một giai đoạn mới đang mở ra trong cuộc chiến ủy nhiệm lớn nhất Trung Đông, khi Nga tăng cường hiện diện ở sườn phía nam châu Âu. Nhiều người đang thấy Moscow thực hiện chiến lược tương tự như ở Syria, nơi họ đã thiết lập được một chỗ đứng trong khu vực.
Nga đi con đường tương tự Syria?
Cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng… Chúng tôi đang đối mặt với sự 'Syria hóa' tại Libya, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói tại một phiên điều trần Thượng viện hồi tuần trước.
Ở Syria, Nga triển khai sức mạnh trên không để hỗ trợ Tổng thống Bashar Assad chống lại các phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đổi lại, họ đã củng cố sự hiện diện quân sự của mình với các căn cứ không quân có thể hoạt động khắp đất nước, một cơ sở hải quân sát biển Địa Trung Hải và giành được sự ưu đãi trong các thỏa thuận kinh tế với chính phủ Syria.
Moscow hiện dường như có chiến lược tương tự ở Libya. Ở đây, họ hỗ trợ Haftar và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, coi đây là nhân vật duy nhất có thể thống nhất đất nước.
Nga rõ ràng đang cố gắng cân nhắc tình thế có lợi cho họ tại Libya. Giống như điều tôi thấy họ đang làm ở Syria hay họ cũng đang mở rộng dấu chân quân sự ở châu Phi, Tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ AFRICOM cho biết trong một tuyên bố tuần trước.
Đi kèm với tuyên bố của Townsend là 15 hình ảnh mô tả những gì Lầu Năm Góc nói là các máy bay chiến đấu của Nga đang bay tới Libya cũng như hình ảnh vệ tinh các máy bay này ở các căn cứ của Syria và Libya.
Các quan chức Nga bác bỏ cáo buộc này.
"Nếu có bất kỳ máy bay nào ở Libya, họ là người Liên Xô, không phải người Nga", Viktor Bondarev, cựu lãnh đạo không quân Nga, hiện đang đứng đầu hội đồng quốc phòng và an ninh tại thượng viện quốc hội. Tuyên bố của chỉ huy AFRICOM về việc Nga vận chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 tới đây giống như một lời nói điên rồ.
Cùng ngày hôm đó, phát ngôn viên của Quân đội Quốc gia Libya, Ahmad Mesmari, nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng các máy bay này là những mô hình cũ đã được các kỹ thuật viên địa phương đưa vào hoạt động.
Chúng tôi bác bỏ sự xuất hiện của bất kỳ máy bay hiện đại nào. Những khí tài này cần có hợp đồng và ngân sách lớn và cả sự chấp thuận của cộng đồng quốc tế, nơi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya kể từ năm 2011, ông Mesari nói.
Mỹ, châu Âu tiếp tục "vắng mặt"
Stephanie Williams, phó đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Libya, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi rất thẳng thắn về việc không duy trì được lệnh cấm vận vũ khí" và nói thêm rằng nhiều nước vẫn tiếp tục vi phạm ngay cả trong và sau một hội nghị quốc tế vào tháng 1 về Libya ở Berlin, nơi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tôn trọng điều này.
Theo Washington Post, sự hiện diện đáng báo động của sức mạnh không quân Nga tại Libya diễn ra vào lúc Hoa Kỳ vắng mặt trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi các quy tắc quốc tế, ông Jonathan Winer, đặc phái viên về Libya dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm.
Một quan chức cao cấp về viện trợ của phương Tây làm việc tại Libya, người đã phát biểu với điều kiện giấu tên, cũng cho biết: "Hoa Kỳ có một chính sách rất không rõ ràng về Libya. Họ không sẵn sàng tham gia trực tiếp cùng với một số người ủng hộ chính như UAE. Họ cũng không sẵn sàng có cuộc trò chuyện ở cấp độ cao nhất, nơi họ cần phải có.
Điều tương tự cũng diễn ra với các nước châu Âu.
Điều đáng buồn là toàn bộ hồ sơ Libya là cơ hội để người châu Âu hợp lại. Thành thật mà nói, đó là an ninh quốc gia của châu Âu. Cho dù đó là vấn đề khủng bố, vũ khí và buôn bán người; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu, quan chức viện trợ này nói.
Một liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, quốc gia giàu nhất châu Phi và là nơi có trữ lượng dầu lớn thứ 10 thế giới, sẽ gây hệ lụy sâu rộng cho Hoa Kỳ và châu Âu, Thiếu tá Karl Wiest, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Châu Phi cho biết.
Có thể là khi khói lửa tan ở Libya, Nga đã có quyền tiếp cận vào sườn phía nam Châu Âu và các hệ thống tên lửa tầm xa cũng có khả năng này, Wiest nói. Ông nói thêm rằng trong bảy năm qua, Nga đã bán gần 9 tỷ đô la vũ khí cho các đối tác châu Phi, đưa họ trở thành đại lý vũ khí hàng đầu cho lục địa này.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Lầu Năm Góc, có rất ít kỳ vọng rằng Hoa Kỳ hoặc các quốc gia Châu Âu sẽ gây áp lực thực sự đối với Nga hoặc UAE, một đồng minh của Mỹ nhưng nhiều nhà ngoại giao lại nói rằng đang ủng hộ tài chính của Nga.
Điều đó có thể thay đổi khi Nga trở nên cứng rắn hơn, theo một nhà ngoại giao phương Tây, người nói với điều kiện giấu tên. Tuy (nếu) nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, về kinh tế, mối quan hệ của chúng tôi với Abu Dhabi quan trọng hơn chính sách về Libya.