(Tổ Quốc)-Trước thềm năm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 (2017), cuộc đấu tranh nội bộ càng trở nên gay gắt.
Nhìn thoáng qua, mùa hè ở Trung Quốc có vẻ yên ả, nhưng đằng sau đó là những tranh cãi chính trị đang khấy đảo Bắc Kinh. Một loạt các cuộc điều tra chống tham nhũng mới của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) tiếp tục tiến hành. Ngày 22/5/2016, CCDI cho biết trong tháng 4/2016, đã có 4.309 quan chức bị xử phạt do vi phạm các quy định tiết kiệm trong tổng số 3.115 trường hợp. Trong bài viết đăng trên trang mạng, CCDI cho biết đã có 11.903 trường hợp bị tố cáo trong bốn tháng đầu năm nay, trong đó có 16.545 quan chức bị xử phạt.
Giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống tham nhũng hồi tháng 12/2012, ngay sau Đại hội Đảng 18, thông qua những quy định ngăn chặn việc cấp phát sai các khoản trợ cấp, sử dụng không hợp lý các phương tiện công, biếu và nhận quà bất hợp pháp.
Các cuộc điều tra này là một phần của chiến dịch nhằm xóa bỏ những thành phần chống đối ông Tập Cận Bình còn lại trong chính phủ, và lần này mang tính chính trị công khai nhất. Thay vì nhằm vào các phòng ban của Đảng trong các cơ quan được chỉ định, đối tượng bị nhắm đến là các cá nhân trong chính phủ và các cơ quan của Đảng. Nỗ lực này chỉ càng làm chính phủ bị chia rẽ khi các bè phái chính trị trục lợi từ các cuộc điều tra tham nhũng, bằng cách tố cáo các sai phạm của các đối thủ và bằng cách lấp các khoảng trống được tạo ra. Mặc dù chi tiết của cơn bão chắc chắn đã được trù liệu ở Bắc Kinh sẽ rất thưa thớt nhưng thông tin mới rất có thể sẽ lộ ra ngoài khi cuộc họp trung ương ở Bắc Đới Hà được tổ chức vào mùa hè này.
Có những cuộc thảo luận về vấn đề bản thân quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình liệu có vững chắc hay không. Nhưng ông Tập vẫn nổi lên là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn. Ông được lòng dân vì tiến hành chiến dịch chống tham nhũng một cách quyết liệt.
Phe cánh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã bị đả kích mạnh, với nhiều nhiều nhân vật chủ chốt thời Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào lần lượt bị hạ bệ. Tuy nhiên, tin tức cho hay, vị cựu Chủ tịch này tuy bị quản lý chặt nhưng cũng không bị truy cứu hình sự như các cán bộ thân cận dưới thời ông ta.
Vụ bê bối “Hồ sơ Panama” bùng lên giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, trong đó ban lãnh đạo đã công khai một số vụ án của những quan chức cấp cao để chứng tỏ là Đảng Cộng sản Trung Quốc có thái độ nghiêm túc trong việc bài trừ tham nhũng. “Hồ sơ Panama” liên quan đến người thân của 7, 8 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, do đó được xử lý một cách cẩn trọng. Mức độ tác động của nó không mạnh như tưởng tượng, và cách làm này cũng có điểm tương tự như những thông tin về tiền vốn của giới quyền thế Trung Quốc đổ ra nước ngoài năm 2014.
Kế thừa vị trí lãnh đạo cao nhất cũng là một vấn đề được dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm. Chế độ kế nhiệm này trong thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một khái niệm rất rõ ràng. Thông thường nhân vật kế nhiệm phải lộ diện vào cuối nhiệm kỳ hiện nay. Nếu đến khi Đại hội Đảng diễn ra vào năm tới mà vẫn chưa xuất hiện nhân vật kế nhiệm thì có nghĩa là có vấn đề lớn trong nội bộ. Có nguồn tin từ Đài Loan cho rằng không loại trừ sẽ có kịch bản tương tự Putin – Medvedev – Putin.
Đối sách kinh tế
Cuộc đấu tranh chính trị ngày càng căng thẳng đang che lấp nền kinh tế ngày càng suy yếu. Trên thực tế, mục tiêu chính của Bắc Kinh trong thời gian sắp tới là duy trì ổn định xã hội. Để đạt được điều đó, chính phủ sẽ thận trọng theo dõi vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu với Brexit. Và mặc dù đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá chậm bởi đồng yên Nhật và USD tăng giá do Brexit, chính phủ Trung Quốc sẽ quản lý tốc độ sụt giảm để tránh lao dốc, một phần bằng kích thích tài chính và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Do dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đứng ở mức 3.000 tỉ USD vào đầu quý III/2016, Bắc Kinh sẽ ít gặp rắc rối trong việc giữ đồng nhân dân tệ ổn định.
Trung Quốc sẽ tiếp tục kích thích kinh tế quy mô nhỏ để duy trì tăng trưởng hạn chế, bao gồm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng được lựa chọn. Chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục duy trì việc làm bằng cách hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng địa phương, do sự cắt giảm công xuất để đáp ứng mục tiêu do trung ương đề ra.
Tuy nhiên, dự án lớn “Nhất đới Nhất lộ” – đứa con tinh thần của ông Tập Cận Bình, lại không được dân chúng Trung Quốc ủng hộ do quá tham vọng và dàn trải. Người dân Trung Quốc không thấy lợi ích trực tiếp từ việc Bắc Kinh đổ nhiều tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế Venezuela, hay gần 50 tỷ USD để xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Có những bức thư ngỏ đề nghị nhà lãnh đạo Trung Quốc giảm bớt các chuyến thăm nước ngoài, vì mỗi chuyến thăm như vậy lại tốn nhiều “phong bì, phong bao”.
Trung Quốc vẫn có khả năng bước vào một sự thay đổi phẳng lẳng, nhưng thời gian không còn nhiều trước thềm Đại hội hội lần thứ 19./.
Hoài Nam (theo các báo nước ngoài)