(Tổ Quốc) - Theo tin từ Reuters, các nhà sản xuất kim chi của Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thiếu cải thảo.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng do biến đổi đã dẫn đến tình trạng thiếu cải thảo tại Hàn Quốc và khiến giá tăng vọt trong năm nay, đồng thời khiến các nhà sản xuất kim chi Hàn Quốc chịu nhiều thiệt hại hơn khi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc cung cấp giá rẻ hơn.
Đối mặt khó khăn từ khí hậu và cạnh tranh
Một tình cảnh khó khăn đang bao trùm món ăn dân dã được muối chua kèm gia vị của nhiều người dân Hàn Quốc và cũng đã nổi tiếng khắp thế giới với vai trò là một trong những tâm điểm của bản sắc Hàn Quốc.
Sự thay đổi khí hậu trong những năm gần đây khiến nhiệt độ cao hơn và mưa nhiều hơn. Do đó, sản lượng cải thảo đã sụt giảm làm giảm nguồn cung. Năm nay, giá cải thảo tại Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy ba tháng, một phần là do lạm phát tháng Bảy vừa qua tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm trở lại đây.
Ông Ahn Ik-jin, giám đốc điều hành của nhà sản xuất kim chi Cheongone Organic, cho biết: "Chúng tôi từng mua cải thảo vào tháng 6 rồi tích trữ để sử dụng sau khi giá leo thang, nhưng năm nay chúng tôi đã hết hàng".
Ông nói: "Chúng tôi từng sản xuất 15 tấn kim chi mỗi ngày nhưng bây giờ chúng tôi chỉ sản xuất được 10 tấn, thậm chí ít hơn. Công ty của ông đã phải tăng giá kim chi lên 2/3 giá ban đầu, hiện ở mức 5.000 won/kg.
Trong khi đó, ngành công nghiệp kim chi của Hàn Quốc đã trượt dốc trong một thời gian khá dài. Kim chi nhập khẩu của Trung Quốc vào Hàn Quốc, thường có giá bằng khoảng một phần ba kim chi sản xuất nội địa nước này, đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua và chiếm 40% thị trường nội địa Hàn Quốc.
Thêm vào đó là những vụ thu hoạch cải thảo ít ỏi trong những năm gần đây khiến doanh thu của ngành công nghiệp kim chi Hàn Quốc sụt giảm. (Trong khi kim chi có thể được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau thì khoảng 3/4 kim chi được bán thường làm từ cải thảo.)
Năm ngoái, gần một nửa trong số 1.000 nhà sản xuất kim chi của Hàn Quốc đóng cửa vĩnh viễn hoặc tạm thời hoặc chuyển sang các sản phẩm khác, theo một nghiên cứu của đơn vị theo dõi dữ liệu Korea Rating and Data.
Thêm vào đó, mối lo ngại đang gia tăng tại Hàn Quốc rằng sự thiếu hụt cải thảo cũng sẽ ảnh hưởng đến truyền thống "kimjang" – hoạt động cùng nhau làm và chia sẻ kim chi giữa các gia đình, bạn bè và cộng đồng thường vào tháng 11 hàng năm.
Bà Kim Sook-kyung, 72 tuổi, cho biết: "Tôi thường tự làm kim chi nhưng chi phí nguyên liệu đã đội lên rất nhiều". "Tôi dự định sẽ kết hợp việc làm và mua kim chi trong tương lai", bà nói.
Sự hỗ trợ từ chính phủ và những tín hiệu tích cực
Xuất phát từ điều trên, chính phủ Hàn Quốc gần đây đã đưa ra kế hoạch xây dựng hai cơ sở lưu trữ cải thảo lớn.
Hai cơ sở này sẽ được xây dựng ở hai huyện nông thôn của Goesan và Haenam và có diện tích 9,900 m2 mỗi nơi, tương đương với ba sân bóng đá cộng lại. Hai nơi này có thể lưu trữ tới 10.000 tấn cải thảo và 50 tấn cải muối mỗi ngày.
Dự án xây dựng này, dự kiến sẽ cần tới 58 tỷ won và sẽ được hoàn thành vào năm 2025.
Đối với các nhà sản xuất kim chi địa phương đang gặp khó khăn trong việc tìm mua đủ số lượng cải thảo với giá cao như hiện nay, sự can thiệp của chính phủ trong việc hỗ trợ tích trữ sản phẩm để cung cấp cho ngành này với giá cả phải chăng chưa thể sớm mang lại hiệu quả. Dù vậy, họ đang hy vọng rằng kế hoạch của chính phủ ít nhất sẽ ngăn chặn các nhà sản xuất 'cây nhà lá vườn' mất thêm chỗ đứng.
Cũng đang có một tín hiệu tích cực với kim chi Hàn Quốc là sản lượng xuất khẩu sản phẩm này đã tăng 10,7% lên mức kỷ lục 160 triệu USD vào năm ngoái, xuất phát từ làn sóng quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc được thúc đẩy bởi sự nổi tiếng của nhóm nhạc nam đình đám BTS và bộ phim viễn tưởng "Squid Game" của Netflix.
Theo một quan chức của chuỗi siêu thị Hanaro Mart, doanh số bán kim chi làm sẵn đã tăng 20% kể từ tháng 8 năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Về phần mình, chính phủ hy vọng các khu liên hợp bảo quản khi được hoàn thành cũng sẽ "góp phần to lớn vào việc củng cố vị thế của kim chi Hàn Quốc trên toàn cầu", Phó giám đốc Lim Jeung-guen của bộ phận xúc tiến công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết. Ông Lim Jeung-guen cũng đồng thời thông tin thêm rằng nhiều khu liên hợp có thể được xây dựng nếu hai cơ sở đầu tiên phát huy tốt hiệu quả.