(Tổ Quốc) - Liu Tai-ying, một cựu lãnh đạo Quốc dân đảng (KMT) Đài Loan, nói rằng sức mạnh tổng hợp của quân đội Mỹ, Nhật Bản và đảo Đài Loan gấp 30 lần quân đội Trung Quốc Đại lục.
Cựu lãnh đạo KMT nói Trung Quốc Đại lục không thể đối đầu Mỹ
Trả lời phỏng vấn báo Liberty Times (Đài Loan) ngày 30/8, cựu chủ tịch Ủy ban đầu tư KMT Liu Tai-ying (Lưu Thái Anh) đánh giá sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ, Nhật Bản và đảo Đài Loan lớn gấp 30 lần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ông Liu từng giữ chức chủ tịch Ngân hàng phát triển Trung Hoa (Đài Loan) và là nhà sáng lập Viện nghiên cứu Đài Loan. Trong thập niên 1990, Liu là kinh tế gia trưởng kiêm phụ trách tài chính của lãnh đạo Đài Loan Lee Teng-hui (Lý Đăng Huy).
Ông này được biết đến với vai trò điều phối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, song quan hệ giữa Liu và Bắc Kinh đã rạn nứt sau khi ông Lee thực hiện chuyến thăm Mỹ tháng 6/1995 - sự kiện mà Liu được cho là góp phần dàn xếp.
Ông Liu Tai-ying (Ảnh: Liberty Times)
Liu Tai-ying cho rằng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không nổ ra chiến tranh, bởi "nếu có thể khai chiến với Mỹ thì Trung Quốc đã hành động từ sớm".
"Hiện nay, bất kể Trung Quốc đe dọa bằng lời nói, tập trận bắn đạt thật hay phóng thử tên lửa DF, Trung Quốc đang phải đối đầu với liên minh gồm Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan," Liu nói. "Sức mạnh hải quân và không quân của Mỹ, Nhật, Đài vượt xa Trung Quốc... Chênh lệch giữa đôi bên là 30 lần."
Trích dẫn nguồn tin ẩn danh trong PLA, Liu tin rằng Trung Quốc chỉ sở hữu 40 đầu đạn hạt nhân, ít hơn khá nhiều so với con số hàng trăm đầu đạn mà các nhà quan sát từng ước tính.
Báo cáo về kho vũ khí hạt nhân toàn cầu do Hiệp hội Khoa học gia Hoa Kỳ (FAS) xuất bản tháng 4/2020 ước tính Mỹ sở hữu xấp xỉ 5.800 đầu đạn hạt nhân, Nga có 6.372, Pháp có 290 và Trung Quốc có 320.
"Các vệ tinh nhân tạo và máy bay trinh sát tầm cao của Mỹ luôn theo dõi Trung Quốc, cho nên bất kỳ tên lửa nào phóng đi từ Trung Quốc sẽ bị hệ thống phòng không hiện đại Patriot PAC-3 đánh chặn trước khi kịp tiếp đất," ông Liu bình luận.
Theo ông này, mục đích Mỹ củng cố sức mạnh và hiện diện ở chuỗi đảo thứ nhất tại Thái Bình Dương là nhằm đáp ứng khả năng "phong tỏa bất cứ lúc nào đối với tên lửa đạn đạo tầm xa của Trung Quốc".
"Tên lửa tầm xa của Mỹ hoàn toàn có thể hủy hoại các trung khu hành chính, kinh tế cua Trung Quốc đến hàng chục lần. Do đó xét về mặt quân lực, Trung Quốc vốn không thể đối đầu với Mỹ."
Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Mỹ-Nhật phát tín hiệu mạnh
Liu Tai-ying nói rằng dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán hồi đầu năm, tình trạng lũ lụt lịch sử trong mùa hè, bên cạnh thiệt hại kinh tế do hệ quả từ chiến tranh thương mại với Mỹ đang khiến Đại lục vấp phải nhiều khó khăn, cũng như ảnh hưởng đến vị thế và quyền lực của ban lãnh đạo do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
Đề cập thương chiến Mỹ-Trung, cựu lãnh đạo KMT nhận xét chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh và sử dụng tiền thuế thu được từ hàng hóa Trung Quốc để trợ cấp cho nông dân Mỹ - nhóm cử tri có lợi ích quan trọng và trung thành nhất với Trump.
"Trump sẽ không từ bỏ, và ông Tập khó có khả năng chiến thắng được người đồng cấp Mỹ," Liu nói.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang hồi tuần trước, khi Bắc Kinh tố Mỹ điều các máy bay trinh sát tiếp cận khu vực PLA tập trận ở Bột Hải và biển Đông. Các quan chức Lầu Năm Góc nói Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo ra biển Đông hôm 26/8, nhằm cảnh báo các máy bay Mỹ.
Một ngày sau đó, khu trục hạm USS Mustin của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã di chuyển vào biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải, thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đồng thời tiếp cận vùng biển nơi PLA tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono và đồng cấp Mỹ Mark Esper hôm 29/8 nhất trí rằng hai nước sẽ theo dõi chặt chẽ những động thái hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông và biển Hoa Đông.
"Đối với biển Đông và biển Hoa Đông, chúng tôi xác nhận rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực," ông Kono phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến sau phiên họp với ông Esper tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Ông Esper cũng chỉ trích các hành động trên biển của Trung Quốc, tuyên bố Mỹ "kiên quyết phản đối những hành vi gây bất ổn của Bắc Kinh trong khu vực."
Bắc Kinh cảnh cáo Đài Loan
Trong thông điệp mới nhất nhằm cảnh cáo Đài Loan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 27/8 nhấn mạnh hòn đảo này "là một phần không thể tách rời của Trung Quốc", đồng thời phản đối tất cả hình thức trao đổi liên hệ quân sự giữa Mỹ với Đài Loan.
Ông Ngô đề cập các tiếp xúc thường xuyên thời gian qua giữa Mỹ-Đài, gồm chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, tàu khu trục Mỹ USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan, và sự hiện diện gia tăng của các máy bay quân sự Mỹ trong khu vực.
Ông Ngô tuyên bố các cuộc tập trận bắn đạn thật do PLA tổ chức ở khu vực eo biển Đài Loan thời gian qua "thực chất nhằm vào những can thiệp từ bên ngoài, những kẻ ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập và những hoạt động ly khai".
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus