(Tổ Quốc) - Chính quyền Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỷ đồng để có thể khởi công Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu trong năm 2019 và triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2019-2020.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn 10% dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội để có thể khởi công Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu trong năm 2019 và triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2019-2020.
Số tiền 500 tỷ đồng sẽ được dùng để triển khai thực hiện các hạng mục gồm: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cung cấp, lắp đặt thiết bị; đường giao thông kết nối cảng; san lấp nền hạ tầng giao thông chung ngoài cảng; hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng đến cảng; công trình bến tạm phục vụ thi công; thực hiện khoảng 35% khối lượng công việc xử lý nền của kè chắn sóng và đê chắn sóng; và các chi phí khác theo quy định như quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng...
Đối với số vốn còn lại để hoàn thành Dự án theo quy mô được duyệt, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn cho Dự án trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, xem xét, thống nhất nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư Dự án, trong đó bao gồm 500 tỷ đồng đề xuất nêu trên để khởi công Dự án trong năm 2019, thực hiện Dự án trong giai đoạn 2019-2020 và số vốn còn lại thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020; và ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ 12,6% tổng nguồn vốn đầu tư Dự án, sẽ được bố trí để thực hiện Dự án trong giai đoạn sau năm 2020.
Đà Nẵng đề nghị bố trí 500 tỷ đồng để khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu trong năm 2019. Ảnh: Đức Hoàng
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng liên quan tới vốn đầu tư Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu vào cuối tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành phố Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển lớn của các tỉnh miền Trung, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa đạt 16,2%/năm và năm 2018 ước đạt khoảng 8,4 triệu tấn; dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030.
Với tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng cao như trên thì năng lực của khu bến cảng Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) không đáp ứng yêu cầu (dự kiến sẽ vượt vào năm 2020). Đặc biệt là khả năng đáp ứng yêu cầu hạ tầng giao thông kết nối Cảng đi qua nội đô hiện nay, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông đô thị, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường phát triển du lịch của Thành phố. Vì vậy, việc đầu tư cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu việc đầu tư cảng Liên Chiểu phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đa chức năng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng đến năm 2020; Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Phối cảnh dự án cảng Liên Chiểu.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT và UBND TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ: (i) về cơ quan làm chủ đầu tư Dự án; (ii) quy mô đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư; (iii) cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-10-2018, đúng pháp luật.
Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ GTVT, Tài chính và UBND TP Đà Nẵng báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nguồn vốn thực hiện Dự án sớm.
Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng rà soát, xác định những công trình, hạng mục công trình của Dự án để đẩy mạnh xã hội hóa, theo nguyên tắc ngân sách nhà nước chỉ đầu tư những hạng mục, công trình phi lợi nhuận, không có khả năng thu hồi vốn và không có khả năng xã hội hóa.
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng, Bộ GTVT đôn đốc và theo dõi các nhiệm vụ đã được giao liên quan đến việc hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai Dự án, đảm bảo kế hoạch đề ra, đúng quy định của pháp luật.