• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đặc khu hành chính – kinh tế: “Nếu lấn cấn sẽ bị tụt hậu”

Kinh tế 23/05/2018 09:12

(Tổ Quốc) - ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng việc thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là cần thiết. Nếu “lấn cấn” chúng ta sẽ chậm và có thể bị tụt hậu.

Sáng nay (23/5), Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Hiện vẫn còn nhiều những ý kiến đóng góp, bổ sung từ phía các ĐBQH. Báo Điện tử Tổ Quốc sẽ tiếp tục truyền tải những quan điểm khác nhau của các ĐBQH về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.

Dưới đây là quan điểm của ĐB Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển TP HCM, Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM:

-Quan điểm của ông về việc thành lập 3 đặc khu, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách còn đang khó khăn nhưng chúng ta sẽ phải dành ra 1 khoản khá lớn dành cho 3 đặc khu này?

ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ chúng ta phải thật cố gắng bởi đây là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Chúng ta đang khơi dậy những nguồn lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Đây là tiền đề để phát triển nên không cần quá lo lắng, quan tâm về vốn đầu tư nhiều mà e ngại, chần chừ trong phát triển 3 đặc khu.

Quan điểm của tôi là chúng ta cần phải thuyết phục ngay, thực thi ngay bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút đầu tư. Dĩ nhiên ta phải căn nhắc rất kỹ trong việc thu hút những ngành nào, đối tượng nào được thu hút, quy mô như thế nào để phù hợp cho từng giai đoạn phát triển khác nhau của các đặc khu.

Chúng ta vừa xây dựng đặc khu, vừa cân nhắc quá trình thu hút đầu tư những ngành có tính lan tỏa, có tính đòn bẩy để phát triển. Điều này phải tổ chức thực hiện thật tốt. Nếu chúng ta lấn cấn mãi chuyện nguồn lực thì chúng ta sẽ chậm và có thể sẽ bị tụt hậu.

- Ông nhận định thế nào về những ưu đãi cho 3 đặc khu?

ĐBQH Trần Anh Tuấn: Khi chúng ta phát triển theo nguyên tắc thị trường thì những ngành nào nhu cầu thị trường cần chúng ta sẽ xem xét cân nhắc để phát triển. Ngoài ra, về khía cạnh an ninh ta phải có biện pháp quản lý tốt. Những ngành gây hại cho xã hội ta phải hạn chế và kiểm soát. Tại sao các quốc gia khác thành lập và phát triển đặc khu được mà chúng ta lại không?

Hiện mọi thứ đang trong cơ chế thí điểm. Ngay cả việc xây dựng cơ chế tổ chức bộ máy chính quyền các đặc khu này cũng thuộc cơ chế thí điểm cho nên rất cần sự thận trọng để xem xét. Do điều kiện, hệ thống về pháp luật của chúng ta: Luật đặc khu, luật chính quyền địa phương, luật đầu tư công… sẽ có những giao thoa để bổ sung vào trong hệ thống tổ chức bộ máy và trong quản lý của chính quyền địa phương đó, nếu độ vênh của các luật này mà quá lớn thì không ổn cho quá trình quản lý.

Vì thế nên trong xây dựng chính quyền cần phải xem xét tất cả các khía cạnh của các luật có liên quan.

-Hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xây dựng đặc khu. Vậy theo quan điểm của ông, có nên triển khai “dự án” lớn này không?

ĐBQH Trần Anh Tuấn:  Quan điểm chung của các đại biểu là vì sự phát triển chung của quốc gia và sự an toàn, an ninh của quốc gia đặt ra trong quá trình phát triển. Quan điểm riêng của tôi là chúng ta phải làm, bắt buộc phải làm. Chúng ta bàn quá nhiều mà không thực thi thì sẽ bị tắc. Ví như các nước, một đô thị chưa đến 1 triệu dân mà họ đã có hệ thống metro rồi. Chúng ta bây giờ cả 10 triệu dân mới bắt đầu thực hiện thì quá chậm. Chúng ta đang đi sau trong quá trình phát triển.

Về xây dựng đặc khu, chúng ta phải mạnh dạn làm và dĩ nhiên cần cân nhắc quá trình quản lý để an toàn quốc phòng, an ninh quốc gia, để chủ quyền quốc gia không bị xâm phạm. Đặc biệt, chúng ta phải có cơ chế thí điểm để rút kinh nghiệm và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi để tạo đòn bẩy phát triển.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ