(Tổ Quốc) - Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, khơi dậy sức mạnh dân tộc...
Sáng 1/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
3 nhóm người phải có trách nhiệm đi đầu để chấn hưng văn hóa dân tộc
Tâm đắc và tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu đánh giá cao Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về vấn đề này, đại biểu mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này. Về doanh nhân dân tộc, vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 41, đại biểu đề nghị Quốc hội thể hiện tinh thần Nghị quyết này trong Nghị quyết Kỳ họp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước – thị trường. Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung vào 3 ngành mũi nhọn: khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Sử dụng hiệu quả đồng vốn để giải quyết các vấn đề khúc mắc, giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư, phát triển, dùng toàn bộ tăng thu của các năm để tăng chi hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Về chấn hưng văn hóa và đạo đức dân tộc, đại biểu bày tỏ chia sẻ với ngành văn hóa và đồng tình với khái niệm văn hóa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa ra tại phiên giải trình, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu (chiều 30/10), đó là văn hóa là những giá trị tinh hoa nhất trong ngôn ngữ, trong nghệ thuật, tôn giáo và đặc biệt là ứng xử.
Theo đại biểu, để chấn hưng văn hóa dân tộc, đạo đức ứng xử thì có 3 nhóm người phải có trách nhiệm đi đầu. Thứ nhất là giới lãnh đạo và quản lý, đây là nhóm phải đi đầu về trách nhiệm dẫn dắt về đạo đức văn hoá, thứ hai là thầy cô giáo trong nhà trường và thứ ba là cha mẹ trong gia đình.
"Ba nhóm người này mà dẫn đầu về văn hóa đạo đức thì tôi tin thế hệ trẻ của chúng ta sẽ có ứng xử, có đạo đức, văn hóa tốt hơn", đại biểu bày tỏ.
Quan tâm đầu tư, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, tình hình thế giới đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, Chính phủ cần giải pháp điều hành linh hoạt và quyết liệt hơn nữa, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, trước hết cần đầu tư hiệu quả vào yếu tố con người.
Đại biểu cho rằng, con người là yếu tố rất quan trọng, vì yếu tố con người quyết định thành bại của mọi chính sách khác. Các chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện thì nguyên nhân chính là do nguồn lực thực hiện còn hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, thực hiện hiệu quả các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của người Việt, tạo nền tảng bền vững và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.