• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề xuất gộp 3 gói hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân

Kinh tế 01/06/2023 09:41

(Tổ Quốc) - Ngày 31/5, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến "gỡ vướng" cho Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân.

Đại biểu đề xuất gộp 3 gói hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân

Theo Đại biểu Trần Thị Vân - Bắc Ninh, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022 có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua ngân hàng chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ.

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên, theo Đại biểu này, 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 hiện đang giải ngân rất thấp. Gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1%; gói 15.000 tỷ được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại ra tiếp gói 120.000 tỷ, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.

Đại biểu đề xuất gộp 3 gói hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Ninh Trần Thị Vân. Ảnh: Quốc hội

"Vấn đề đặt ra ở đây là hai gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ có khả thi hay không, trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chúng ta đang sửa, quy hoạch chưa phê duyệt xong. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành" - bà Trần Thị Vân nêu.

Tại phần phát biểu của Đại biểu Trần Thị Vân cũng có một số chi tiết đáng lưu ý. Theo đó, cả nước hiện có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Phần lớn công nhân lao động ngoại tỉnh, chiếm khoảng 70% đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này hầu hết đều rất chật hẹp, chỉ từ 3-4 m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như ánh sáng, vệ sinh, diện tích và phòng cháy, chữa cháy.

Qua khảo sát với trên 200 chủ nhà trọ và gần 300 công nhân tại TP Bắc Ninh, chỉ có 27 công nhân có nhu cầu định cư và mua nhà, chiếm gần 10%, họ đều là công nhân có gia đình và đã làm việc ở Bắc Ninh có thời gian từ 5 đến 10 năm; 19 công nhân có nhu cầu ở trong ký túc xá của công nhân, chiếm 6,5%, còn lại số đông công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ, chiếm tới hơn 80%.

"Họ là những công nhân xác định chỉ đến Bắc Ninh làm việc một thời gian sau đó lại về quê sinh sống. Họ thường là công nhân có tuổi đời rất trẻ, từ 18 đến 25 tuổi, họ chưa lập gia đình. Tôi hỏi các em có muốn mua nhà xã hội ở Bắc Ninh không, họ trả lời là chưa có gia đình cho nên chưa nghĩ đến việc mua nhà hay chưa có tiền, không biết có ở Bắc Ninh làm việc lâu dài hay không, gia đình đã có nhà ở quê rồi. Đấy là các lý do họ đưa ra và họ muốn ở thuê nhà trong dân. Thuê nhà trọ trong dân thì có giá thuê nhà rẻ hơn, họ được thoải mái, tự do về thời gian, sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu thiết yếu…" – Đại biểu Trần Thị Vân nêu. Đồng thời phân tích rằng, các hộ gia đình đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động trên cả nước và Chính phủ cần có các chính sách để hỗ trợ đối tượng này và người làm chính sách cần phải phân định rõ việc định cư và chỗ ở để làm việc hoàn toàn khác nhau.

"Chúng ta phải tách bạch nhu cầu mua nhà và nhu cầu chỗ ở của công nhân. Không phải ai làm ở khu công nghiệp cũng có nhu cầu định cư và mua nhà tại địa phương nơi họ đến làm việc. Thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư xây nhà cho công nhân mua, hỗ trợ cho công nhân vay tiền để mua nhà. Nhưng đối tượng là hộ gia đình và các cá nhân xây nhà cho công nhân thuê thì không là đối tượng của các chính sách này"- Đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn Vĩnh Long thì trân trọng đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất. Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Còn Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Thanh Hóa đề nghị Chính phủ rà soát các chính sách tài khóa theo tinh thần Nghị quyết 43, chính sách nào hiệu quả thấp, chậm đi vào cuộc sống thì cần báo cáo Quốc hội sớm xem xét, điều chỉnh mục tiêu hỗ trợ, ví dụ như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của gói 40.000 tỷ đồng.

Hiện tại có 6 địa phương công bố nhu cầu vay vốn

Liên quan tới Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân, tham gia giải trình tại phiên thảo luận chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này, đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Đại biểu đề xuất gộp 3 gói hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quốc hội

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.

"Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay vốn là 441 tỷ, Đà Nẵng công bố nhu cầu vay vốn là 545 tỷ, Trà Vinh công bố nhu cầu vay vốn là 420 tỷ, Bắc Giang công bố nhu cầu vay vốn là 4.527 tỷ và Hải Phòng công bố nhu cầu vay vốn là 3.892 tỷ" – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ.

"Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ