• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tránh kê khai tài sản chiếu lệ và giữ kín thông tin

Thời sự 30/03/2017 08:06

(Tổ Quốc) -Trả lời phỏng vấn báo Điện tử Tổ Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thông tin về tài sản của quan chức cần được công khai cho người dân và báo chí biết, giám sát.

- Câu chuyện tài sản của các quan chức thời gian qua lại khiến dư luận ồn ào. Vậy theo ông, làm thế nào để việc kê khai tài sản phải đảm bảo được tính thực chất, minh bạch, hiệu quả, kiểm soát được nguồn thu và tài sản của quan chức thưa ông?

+ Việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức là việc rất cần thiết, nhất là đối với những người giữ vị trí trọng trách, công việc có thể dẫn tới tham nhũng, trục lợi.

Để đảm bảo có hiệu quả của việc kê khai tài sản, tôi cho rằng cần kiểm soát toàn diện, đầy đủ các loại tài sản và ở tất cả các giai đoạn thời gian mà cán bộ đó nắm giữ chức vụ hoặc công việc. Đồng thời phải nắm chắc được biến động của tài sản và công khai kê khai. Tránh kê khai chiếu lệ và giữ kín thông tin.

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Nam Nguyễn

- Với những vụ việc tài sản "khủng" của quan chức được đưa ra dư luận thời gian gần đây ngày một nhiều thì theo quan điểm của ông, với những quan chức ở cấp bậc như thế nào thì cần công khai tài sản, công khai tới đâu? Người dân, báo chí có nên có quyền tiếp cận những bản kê khai tài sản không thưa ông?

+ Tôi cho rằng, tất cả cán bộ công chức, viên chức nắm vị trí lãnh đạo, thực hiện công việc liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và người được quy hoạch lãnh đạo đều phải kê khai tài sản.

Thông tin về tài sản cần được công khai cho người dân và báo chí biết, giám sát.

- Vậy làm thế nào để giám sát được các bản kê khai tài sản đó có trung thực không, thưa ông?

+ Chúng ta cần phải thực hiện kiểm soát nguồn thu và xác nhận tài sản khi kê khai hoặc được phát hiện thông tin qua dư luận, báo chí, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Các thông tin phải công khai và được giải trình đầy đủ. Còn muốn kiểm soát được nguồn thu thì phải có các quy định để quan chức phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng và giám sát thông qua nghĩa vụ thuế.

- Với người thân của người có chức quyền, vấn đề kê khai tài sản cần có những khoanh vùng như thế nào thưa ông? Tài sản của họ có từ đâu ra và làm thế nào để tránh tình trạng người thân trong gia đình lập "công ty sân sau", lạm dụng chức quyền của người thân để làm việc, thưa ông?

+ Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ những trường hợp cho người nhà đứng tên, công ty “sân sau” nếu có dư luận, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phải xác định rõ nguồn gốc tài sản lớn được đứng tên thay. Và khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Tùng (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ