(Tổ Quốc) - Chiều nay (30/10), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa còn hạn chế
Theo ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình), quy hoạch cần có tính ổn định và tính khả thi cao, chú trọng bảo đảm quỹ đất cho giáo dục văn hóa.
Nhấn mạnh về một số hạn chế trong quy hoạch sử dụng đất thời gian qua, ĐB Nga cho rằng, quy hoạch và sử dụng đất phải tạo động lực để phát triển, không chỉ là phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh thuần túy mà là văn hóa, không gian sinh tồn và an sinh xã hội của từng vùng và của cả nước.
Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí trẻ em, quỹ đất dành cho cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở các thành phố lớn vẫn còn hạn chế.
Vị ĐB đoàn Quảng Bình cho biết, nhiều địa phương không còn quỹ đất cho thiết chế văn hóa do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có những địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất cho thiết chế văn hóa và quy hoạch quỹ đất thiết chế văn hóa thể thao ở xa khu dân cư, không thuận lợi cho việc sử dụng gây lãng phí.
Vì vậy, ĐB Tuyết Nga đề nghị phải đảm bảo tính tổng thể, thống nhất trong quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch quốc gia cho phù hợp hơn, đảm bảo môi trường giáo dục văn hóa, đảm bảo không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho trẻ em và nhân dân.
Cùng nói về vấn đề này, ĐB Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, quỹ đất dành cho thể thao, văn hóa còn hạn chế. Đất cho văn hóa quy hoạch đến năm 2030 chỉ có 20.000 hecta tăng hơn 11.000 hecta so với năm 2020, đất cho thể dục, thể thao quy hoạch đến năm 2030 là hơn 30.000 hecta tăng hơn 17.000 hecta, bố trí như vậy là ít.
Từ đó, ĐB Sỹ đề nghị tăng thêm vì nhu cầu xây dựng các công trình văn hóa, thể thao ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội.
Không để xảy ra tình trạng sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp làm sân golf
Bày tỏ đồng tình với chỉ tiêu quy hoạch đất công nghiệp, khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, việc tăng quỹ đất để phát triển khu công nghiệp sẽ giúp cho các địa phương thu hút và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, người dân các tỉnh lẻ, người dân đồng bằng thích nghi với điều kiện làm việc mới là "ly nông bất ly hương", họ có thể sống và làm việc, sinh hoạt tại quê hương, thu nhập ổn định nhưng tiết kiệm được chi phí sinh hoạt.
Cùng với đó, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sẽ có đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho chuyên gia, cho công nhân, khu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao thể lực, đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, có điều kiện để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời góp phần hạn chế di cư ồ ạt, giãn dân ra vùng ven, tỉnh lẻ, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn.
ĐB Trang cũng bày tỏ thống nhất với chỉ tiêu quy hoạch đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao đến năm 2030 để phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia về thể dục, thể thao phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Song, vị ĐB này cũng đề nghị việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở thể dục, thể thao phải đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, phát huy nguồn lực đất đai, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
"Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này không để xảy ra tình trạng tùy tiện điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và đặc biệt không để xảy ra tình trạng sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp làm sân golf như thời gian vừa qua, làm mất diện tích đất canh tác và tác động xấu đến môi trường sinh thái" - ĐB Trang nêu quan điểm.
Cần sớm xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) kiến nghị cần sớm xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia theo Luật Đo đạc và bản đồ nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, thúc đẩy nhanh việc quản lý dữ liệu quy hoạch đất đai theo không gian cần phát triển đô thị trên cơ sở định hướng giao thông công cộng.
Đồng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được coi là một giải pháp trung tâm, có vai trò quyết định trong triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới.
Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, có hai loại dữ liệu quan trọng nhất cần được số hoá nếu muốn chuyển đổi số nền kinh tế đất nước đó là dữ liệu dân cư và dữ liệu đất đai.
Theo quan điểm của ĐB Thịnh, chuyển đổi số trong quản lý đất đai cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý các cấp, việc lập, duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn sau được nhanh gọn, đảm bảo đúng thời gian (tránh chậm muộn như kỳ này). Đồng thời, việc này cũng nhằm đảm bảo cho việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được dễ dàng./.
Quy hoạch rồi nhưng không đi vào thực tiễn sẽ gây ảnh hưởng lớn
ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, trong giai đoạn 2021-2030 cần xem xét quy hoạch, phân bổ hợp lý các loại đất tới tận cấp tỉnh thay vì đang dừng ở quy mô vùng; qua đó các địa phương thấy rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện quy hoạch đất đai được phê duyệt.
ĐB này đề nghị xem xét, phân bổ các loại đất quy hoạch khu công nghiệp phải có sự rà soát, đánh giá lại, xem xét tính hợp lý. Quy hoạch rồi nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đi vào thực tiễn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.