(Tổ Quốc) - “Hai tuần làm việc vừa qua Quốc hội đã làm việc rất nhiệt tình, tâm huyết. Đại biểu tranh luận sôi nổi. Những vấn đề được tranh luận đều rất quan trọng, tạo ra sự đồng thuận cao trong dư luận, xã hội”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) chia sẻ.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã trôi qua gần một nửa. Nhiều vấn đề quan trọng gồm: nhân sự, kinh tế - xã hội… đã được các đại biểu bàn thảo sâu, thấu đáo. Nội dung các buổi thảo luận được truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri, nhân dân cả nước theo dõi.
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc:
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: "Hai tuần qua, Quốc hội đã làm việc rất nhiệt tình, tâm huyết" |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa): "Hai tuần qua, Quốc hội đã làm việc rất nhiệt tình, tâm huyết. Đại biểu tranh luận sôi nổi. Những vấn đề được tranh luận đều rất quan trọng, tạo ra sự đồng thuận cao trong dư luận, xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài phát biểu hơi dài, mang tính dàn trải và có tính chất động viên nhiều. Tôi cho rằng, các đại biểu cần cố gắng tăng cường tranh luận lẫn nhau để đi đến một ý kiến cơ bản thống nhất.
Các đại biểu phải truyền tải được tiếng nói của cử tri đối với những vấn đề cử tri đang mong đợi, đặc biệt là những vẫn đề “nóng sốt”, bức bách, cần thiết của đời sống xã hội. Còn những vấn đề đã diễn ra rồi, đã giải quyết xong hoặc đã xử lý được thì không cần phải nhắc lại.
Dù vậy, trong thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu cũng không nên chỉ tập trung vào một số vấn đề cần báo cáo, thêm vào đó nên thảo luận cả những vấn đề kinh tế xã hội - cả về quốc phòng, an ninh… Có như vậy bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước mới được thể hiện toàn cảnh.
Về cách thức phát biểu thì nên tập trung tranh luận nhiều hơn là phát biểu báo cáo, tranh luận phải thể hiện sự thẳng thắn, chứ không tranh luận thành xung đột. Tôi rất thích những đại biểu có ý kiến phản chiều lại mình, từ đó khiến mình phải suy nghĩ sâu sắc hơn để giải trình lại sự việc.
Một số đại biểu có những dẫn chứng cụ thể trong thảo luận cũng rất tốt. Nhưng theo tôi thì nên phát biểu ngắn gọn, xúc tích.
Bên cạnh đó, khi đại biểu đang phát biểu mà chưa nói hết ý thì điều hành cũng nên dành thêm thời gian cho đại biểu để họ giãi bày hết ý, nếu không sẽ dẫn đến hiểu lầm".
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: "Các đại biểu đã đóng góp khá nhiều ý kiến về cải cách bộ máy hành chính, phát triển vấn đề kinh tế - xã hội". |
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): "Qua 2 tuần làm việc, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp khá nhiều ý kiến về cải cách bộ máy hành chính, phát triển vấn đề kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt một số đại biểu đã kỳ công đi thực tế tại các vùng “nóng” để “mục sở thị” các ý kiến mà cử tri phản ảnh. Điều này làm cho các cử tri rất yên tâm, tin tưởng vào các đại biểu đại diện cho mình khi họ thảo luận trước Quốc hội. Tôi cho rằng, đây là sự chuyển biến tích cực so với các kỳ họp trước.
Về nội dung của 2 tuần làm việc, qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tôi thấy vẫn còn thiếu vấn đề quan trọng, đó là vấn đề tổ chức thực thi pháp luật.
Chuẩn bị đến 2020, Chính phủ tổng kết chiến lược cải cách tư pháp. Chúng ta phải khẳng định mô hình về xây dựng nhà nước pháp quyền. Câu chuyện về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hay vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đều phải đảm bảo tuân thủ theo pháp luật, hướng đến sự phát triển bền vững. Để thực hiện điều này thì pháp luật phải đồng bộ, thống nhất và tất cả mọi người đều phải tôn trọng, thực thi.
Vấn đề nữa là báo cáo của Chính phủ cho thấy đã giải quyết được vấn đề tồn đọng các văn bản. Tuy nhiên, chúng ta thấy nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu vẫn cho rằng, các văn bản luật trình lên còn chậm, chất lượng còn kém, nhiều văn bản còn bị trả lại".
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: "Người dân mong muốn hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn". |
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): "Mọi cơ quan hiện nay trong hệ thống chính trị, mọi người dân đều rất mong muốn hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn.
Vì thế, khi đề cập đến một vấn đề nào đó đại biểu thường nghiên cứu rất kỹ vì thời gian phát biểu ngắn. Trước những vấn đề còn đang vướng mắc, nổi cộm trong xã hội, các đại biểu cũng luôn phát biểu một cách cô đọng.
Ví như trong 2,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch năm 2018. Vì đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, của toàn xã hội… nên đã có 94 đại biểu tham gia phát biểu, 27 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. 7 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Y tế, Xây dựng đã tham gia phát biểu giải trình. Không khí thảo luận nhìn chung sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung ý kiến phong phú, sâu sắc, đa dạng và toàn diện…
Với tinh thần như vậy thì tôi cho rằng cách làm việc, cách đổi mới trong điều hành hiện nay là rất tốt. Ai cũng đều mong muốn xã hội ngày càng phát triển hơn thì từng con người đều phải làm một cách năng lực hơn, hiệu quả hơn"./.
Bài: Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn