(Tổ Quốc) - Chiều 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các “tư lệnh” ngành giao thông, giáo dục… nhận được phiếu tín nhiệm cao khá thấp. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về điều này.
- 26.10.2018 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Xem xét trên bình diện chung khi lấy phiếu tín nhiệm
- 25.10.2018 Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
- 25.10.2018 [INFOGRAPHIC] Những con số biết nói từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh
- 25.10.2018 Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 48 chức danh
- 25.10.2018 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đạt phiếu tín nhiệm cao nhất
Các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm (Nguồn: quochoi.vn)
Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ):
Đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, nói tiếng nói của dân, nhưng không phải đại biểu nào cũng hiểu, nắm rõ tất cả các lĩnh vực. Có những bộ trưởng thể hiện các hoạt động của mình rất rõ và ngược lại, họ ít va chạm, xuất hiện… Ngay cả dân cũng không biết được, các đại biểu cũng không nắm sâu, nhất là những lĩnh vực đặc thù hoặc lĩnh vực mang tính chuyên môn cao.
Nhìn chung, tôi cho rằng đây là một cuộc sát hạch tín nhiệm rất cần thiết và đánh giá của đại biểu đối với chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhìn chung tương đối công tâm, khách quan. Và để đi đến kết quả đó tôi cho rằng các đại biểu đã chú ý lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt và đã thể hiện chính kiến của mình.
Một số lãnh đạo có phiếu tín nhiệm cao rất cao. Đó là sự khẳng định, sự động viên rất kịp thời.
ĐBQH Cao Đình Thưởng
Với cá nhân tôi thì kết quả như vậy là hợp lý. Một số lãnh đạo có phiếu tín nhiệm cao rất cao. Đó là sự khẳng định, sự động viên rất kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những chức danh có phần tín nhiệm cao không cao lắm thì theo tôi không có gì phải quá buồn mà họ nên tự kiểm điểm về công tác lãnh đạo của ngành mình với tư cách là "tư lệnh" để có những cải tiến, đổi mới trong thời gian tới. Từ đó, phát huy những ưu điểm đã đạt được, đồng thời khắc phục những thiếu sót, kiểm điểm. Những gì chưa làm được thì phải quyết tâm làm được trong thời gian tới.
Trên thực tế, lần lấy phiếu tín nhiệm trước có những chức danh mà lần đầu thì phiếu tín nhiệm cao không cao lắm (2013) nhưng sau đó họ đã có những sửa đổi, chỉ đạo quyết liệt hơn nên đã có những biến chuyển tích cực ở ngành, lĩnh vực họ phụ trách, thậm chí là đã tạo ra những khâu đột phá. Đây là điều rất tốt.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa):
Lần này bỏ phiếu tín nhiệm tập trung vào các tư lệnh ngành. Về mặt cơ bản, các "tư lệnh" ngành đều cố gắng, quyết tâm.
Có một số "tư lệnh" ngành đạt kết quả tín nhiệm cao chưa cao không phải do điều hành của cá nhân mà do những tồn tại của ngành đó kéo dài từ nhiều năm trước. Đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, các "tư lệnh" ngành mới điều hành được 2 năm nên chưa thể khắc phục được tồn tại đó và họ chịu sự "quan tâm" từ dư luận rất nặng nề.
Nhưng tôi nghĩ cũng không quan trọng. Quan trọng là các bộ trưởng, trưởng ngành thấy rằng nguyên nhân dẫn đến mức tín nhiệm cao chưa cao không phải chỉ do bản thân của các bộ trưởng mà còn do tồn tại của quá trình phát triển của ngành đó, do tính đặc thù, sự nhạy cảm của ngành đó.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là động lực để các "tư lệnh" ngành tiếp tục cố gắng.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi
Tuy nhiên, qua việc bỏ phiếu tín nhiệm này, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng sẽ thấy được những tồn tại của ngành mình đang gây cho người dân và đại biểu Quốc hội bức xúc gì để từ đó khắc phục và sửa chữa.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là động lực để các "tư lệnh" ngành tiếp tục cố gắng.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương):
Tôi cho rằng, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh vừa công bố là khách quan, công công tâm.
Có những ngành, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện được sự nhận xét từ đại biểu Quốc hội rất toàn diện và sâu sắc. Chính vì thế, họ được đưa lên mức trung bình khá, ví như y tế. Kết quả tín nhiệm đối với Bộ trưởng Y tế đã thể hiện sự ghi nhận từ xã hội và đại biểu. Có nghĩa là dư luận, đại biểu đã nhìn nhận đây là lĩnh vực khó khăn, chịu nhiều áp lực và chính bản thân Bộ trưởng cũng đã cố gắng. Điều này tôi cho rằng là rất khách quan.
Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây chưa bao giờ người đứng đầu Chính phủ đạt được tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao cao nhất trong khối Chính phủ nhưng lần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao cao nhất trong Chính phủ.
Từ năm 2016, từ sau Đại hội Đảng chúng ta xây dựng một Chính phủ kiện toàn, liêm chính và phục vụ nhân dân. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển, thúc đẩy các vấn đề xã hội được bảo đảm, an toàn, tiến bộ xã hội rõ rệt.
Dấu ấn cá nhân của Thủ tướng đầy nhiệt huyết, trách nhiệm. Những sáng tạo cũng đã dần đi vào cuộc sống, dù chưa hoàn toàn nhưng bước đầu đã hiệu quả và được xã hội ghi nhận.