• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc: Bốn điểm cần theo dõi

Thế giới 08/09/2017 17:06

(Tổ Quốc) - Cuộc đua quyền lực ở Trung Quốc sắp cán đích.  

Bắc Kinh đã công bố tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào ngày 18/10. Theo thông lệ, đại hội sẽ kéo dài 7 ngày. Chiều 24/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX vừa được bầu sẽ họp phiên toàn thể lần thứ nhất để bầu ra các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương.

Bốn lĩnh vực chủ chốt cần được quan sát kỹ tại Đại hội lần này:

Bộ máy lãnh đạo đảng sẽ được cải tổ như thế nào?

Một trong những câu hỏi lớn xoay quanh việc cải tổ nhân sự là liệu ông Tập Cận Bình có chọn người kế nhiệm bằng cách đề bạt một hoặc hai nhà lãnh đạo trẻ tuổi vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị làm người kế nhiệm chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng. Sự vắng bóng của người được chọn kế nhiệm sẽ được coi là dấu hiệu cho thấy ý định của ông Tập muốn phá vỡ quy ước trong hai thập kỷ qua và ông Tập Cận Bình sẽ tại vị nhiệm kỳ thứ ba.

Hiện tại xuất hiện nhân vật Trần Mẫn Nhĩ, hồi tháng 7 trở thành bí thư Trùng Khánh thay Tôn Chính Tài – người được Giang Trạch Dân cất nhắc đề bạt – bị hạ bệ vào thời điểm quan trọng của cuộc đua quyền lực. Trần Mẫn Nhĩ là nhân vật thân cận với ông  Tập Cận Bình. Khi ông này làm bí thư Quý Châu, ông Tập đến ứng cử và được bầu với 100% số phiếu làm đại biểu dự Đại hội đảng toàn quốc. Ông Trần sinh năm 1960, còn đủ tuổi để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cao cho khóa 20.

 Trần Mẫn Nhĩ (sinh 1960) có thể trở thành nhân vật dẫn đầu trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu

 

Một nhân vật quan trọng cần phải chú ý trong hàng ngũ lãnh đạo sắp tới là Vương Kỳ Sơn, đồng minh quyền lực của ông Tập, người lãnh đạo một cuộc chiến chống tham những chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, loại trừ 1,2 triệu quan chức và những cán bộ không trung thành – bao gồm các đối thủ chính trị cấp cao. Ở tuổi 69, ông Vương phải về hưu theo quy định hưu trí, nhưng suy đoán ông có thể tại vị đang trở nên mạnh mẽ sau hội nghị Bắc Đới Hà tháng trước. Việc “lách luật” trong trường hợp của ông Vương sẽ giúp ông Tập giữ lại đồng minh quan trọng của mình, vừa đặt ra tiền lệ để ông Tập Cận Bình có thể tại vị vượt ngoài độ tuổi quy định cho nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, nếu được bầu thêm một nhiệm kỳ, ông có thể sẽ đứng đầu Ủy ban kiểm soát quốc gia – một cơ quan độc lập dự định được thành lập đầu năm tới, “dưới một người, trên một tỷ người”.

Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện có 7 vị trí, nhưng có thể giảm xuống còn 5 vị trí, giúp ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực hơn nữa vì ông sẽ dễ đạt được đa số ủng hộ hơn – ông chỉ cần 2 đồng minh thay vì 3. Quy mô của Ủy ban Thường vụ vẫn chưa ấn định và đang dao động giữa 3 và 11 trong chín thập kỷ qua.

Trong 25 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, ngoài các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, những người chưa tới 68 tuổi vào đại hội đảng tháng 10 sắp tới, sẽ được bầu lại, gồm: Vương Hộ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Lý Nguyên Triều, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư và Hàn Chính.

Thường vụ Bộ Chính trị nếu giữ cơ cấu 7 người, ngoài hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, nhiều khả năng sẽ gồm Phó Thủ tướng Uông Dương (dự kiến sẽ làm Chủ tịch Quốc hội), Bí thư Thượng Hải Hàn Chính (sẽ làm Chủ tịch Chính hiệp), Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (sẽ làm Phó Thủ tướng thường trực), Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (sẽ làm Trưởng Ban bí thư). Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư nhiều khả năng sẽ vào Thường vụ BCT, chưa rõ đảm nhiệm chức vụ gì.

Tư tưởng chính trị của ông Tập Cận Bình sẽ được Điều lệ đảng ghi nhận?

Mỗi nhà lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông đều có học thuyết chính trị của riêng mình và được ghi trong văn kiện Đảng như một “hệ tư tưởng dẫn đường”. Cho đến nay có hai nhân vật đã để lại tên tuổi trong điều lệ ĐCS Trung Quốc là “tư tưởng Mao Trạch Đông” và “lý luận Đặng Tiểu Bình”.

“Tư tưởng Tập Cận Bình” tới đây có thể sẽ được Đại hội 19 đưa vào điều lệ, trở thành tư tưởng chỉ đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này cũng sẽ giúp củng cố vững chắc hơn nữa vị trí hạt nhân lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và đặt ông ngang hàng với tên tuổi của các bậc tiền bối Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Các mục tiêu quan trọng trong 5 năm tới là gì?

Một loạt các vấn đề sẽ nằm trong mục tiêu ưu tiên của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ hai: cải cách kinh tế, cải cách hệ thống chính trị, nâng cao sinh kế của người dân và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực quốc phòng. Ông Tập sẽ tập trung quyền lực trong lĩnh vực ngoại giao và đối ngoại, hàng đầu là đối phó với Mỹ.

Nổi bật trong chương trình nghị sự sẽ là “xóa nghèo”. Ông Tập đã đề mục tiêu này là một trong mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ hai, thực hiện trong vòng 3 năm đến 2020. Theo số liệu Chính phủ, năm 2016, Trung Quốc còn 43,35 triệu người nghèo – mức nghèo được xác định là thu nhập 2.800 NDT, tương đương 427 USD. Ông Tập Cận Bình vừa có bài diễn văn quan trọng về vấn đề này và Vương Kỳ Sơn đang đi kinh lý một số địa phương đẩy mạnh chống tham nhũng (trong đó có tham nhũng khi phân phối quỹ giảm nghèo tại các địa phương.

 Mục tiêu nổi bật của ông Tập Cận  Bình nhiệm kỳ tới là "xóa nghèo" trong vòng 3 năm đến 2020.

 

Ủy ban Quân sự Trung ương sẽ mở rộng biên chế ra sao?

Ủy ban quân sự, hay là Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tới đây có thể sẽ tăng số lượng Phó Chủ tịch từ 2 người lên 3 hoặc 4 người và 7 ủy viên. Ông Tập Cận Bình đương nhiên vẫn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Phó Chủ tịch đương nhiệm Hứa Kỳ Lượng sẽ vẫn giữ nguyên chức vụ; Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Ngụy Phong Hòa và tân Tổng Tham mưu trưởng Lý Tác Thành sẽ được bổ nhiệm làm 3 Phó Chủ tịch. Ngoài ra, 7 Ủy viên Quân ủy Trung ương sẽ gồm các ông Hàn Vệ Quốc, Đinh Lai Hàng, Miêu Hoa, Tống Phổ Tuyển, Lý Thượng Phúc, Thẩm Kim Long và Cao Luật./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ