(Tổ Quốc) - Tờ Financial Times nhận định, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Đài Loan đang lo sợ Bắc Kinh sẽ gia tăng các áp lực quân sự trực tiếp lên hòn đảo, bao gồm cả tăng cường xâm nhập thường xuyên vào vùng không phận vốn vẫn được coi là khu vực đệm an toàn.
Những chiến dịch như vậy chưa đạt tới ngưỡng làm nổ ra chiến tranh nhưng chúng sẽ mở rộng khu vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế về quân sự, phản chiếu cách tiếp cận của Bắc Kinh nhằm thiết lập quyền kiểm soát trong các tranh chấp tại Biển Đông.
"Một khi đại dịch giảm bớt, Trung Quốc sẽ bay qua đường trung tuyến thuộc Eo biển Đài Loan nhiều hơn và thường xuyên hơn, cho tới khi đường phân cách này biến mất", một quan chức quân đội đã nghỉ hưu của Đài Loan phát biểu gần đây. "Họ sẽ thiết lập một trạng thái mới theo đó, họ sẽ thường xuyên hoạt động gần hơn với không phận của Đài Loan và di chuyển xung quanh đó khi họ muốn".
Đường trung tuyến được Mỹ vạch ra vào năm 1954. Mặc dù đường trung tuyến không có hiệu lực về mặt pháp lý quốc tế, cả Đài Loan và Trung Quốc từ lâu đều ngầm hiểu rằng không vượt qua ranh giới này để tránh các cuộc đụng độ ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, hồi tháng 3 năm ngoái, máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên trong 20 năm đã vượt qua đường trung tuyến, và kể từ đó đã ít nhất 2 lần làm điều tương tự.
Những e ngại của Đài Loan hiện rõ hơn sau những cảnh báo "úp mở" của Trung Quốc, đồng thời trong bối cảnh người đứng đầu hòn đảo, bà Thái Anh Văn bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình vào thứ tư (20/5) sắp tới. Đài Loan đang nhận được nhiều tán thưởng từ cộng đồng quốc tế vì những nỗ lực trong phòng chống COVID-19. Thành công trong kiềm chế đại dịch cũng giúp gia tăng tỷ lệ ủng hộ cho bản thân bà Thái Anh Văn.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ khẳng định điều đó bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh thường hay đẩy mạnh căng thẳng giữa hai bên trong thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của người đứng đầu Đài Loan. Mục đích chính là ngăn cản bất kỳ động thái nào nhằm chính thức hóa vị thế độc lập của hòn đảo, có thể xuất hiện trong bài phát biểu của tân lãnh đạo Đài Loan tại buổi lễ.
Trong những tuần gần đây, các quan chức quân đội về hưu của Trung Quốc từng nhiều lần đề cập tới liệu đại dịch COVID-19 có phải là một cơ hội để "thu thập" Đài Bắc hay không. Đầu tháng trước, trong bài viết đăng tải trên một cơ quan truyền thông thuộc sở hữu của Trung Quốc nhưng có trụ sở tại Hong Kong, một cựu quan chức hải quân Trung Quốc cho rằng, hiện đang là thời điểm để thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Bắc. Bài báo đã bị gỡ bỏ nhưng các tranh luận vẫn đang tiếp diễn.
Tuần trước, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đăng tải, quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận vào tháng 8 sắp tới, trong đó tình huống giả định là chiến dịch chiếm đóng đảo quần đảo Đông Sa - nằm ở cửa ngõ phía bắc của Biển Đông. Cùng lúc, chính phủ Trung Quốc cũng công bố các hoạt động tập trận bắn đạn thật kéo dài 2 tháng gần cảng Đường Sơn. Một số chuyên gia quân sự coi đây là một cuộc tập trận để tấn công Đài Loan.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Đài Loan, những tín hiệu trên và động thái của quân đội Trung Quốc liên quan tới đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan đã làm dấy lên ý kiến rằng, nỗi tức giận trước những thành công của Đài Bắc trong kiềm chế dịch bênh COVID-19 đã khiến Bắc Kinh lựa chọn cách cư xử mang tính khiêu chiến hơn.
Đài Loan được đánh giá là đã ngăn cản được dịch bệnh bùng phát khi chỉ có hơn 440 ca dương tính và 8 ca tử vong vì virus corona mới. Thành tích này đã thu hút sự chú ý của thế giới cũng như gia tăng ủng hộ cho Đài Bắc gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Vì vậy, quan hệ giữa hai phía Eo biển Đài Loan giờ đây trở nên rất căng thẳng", quan chức Đài Loan nhận xét.
Trong khi đó, giới chức Đài Loan cho rằng, Đài Bắc đang phải gánh chịu thêm nhiều rủi ro từ leo thang đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một quan chức quốc phòng Mỹ chỉ ra, Washington không nhận thấy sự nhảy vọt trong những động thái đe dọa từ quân đội Trung Quốc nhằm vào Đài Loan. Người này lưu ý, thông tin đánh chiếm quần đảo Đông Sa và các phát biểu của một số cựu tướng lĩnh quân đội Trung Quốc có thể được coi là "ra tín hiệu" trước bài phát biểu của bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, quan chức Mỹ nhấn mạnh, tốc độ phát triển năng lực không quân và hải quân nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ tăng cường hoạt động gần hơn về phía Đài Loan; và Trung Quốc không chỉ muốn tỏ thái độ với Đài Bắc mà còn cả Washington.
Những động thái sắp tới của quân đội Trung Quốc được đánh giá sẽ tập trung vào bên ngoài bờ biển tây nam Đài Loan, cũng là nơi đường trung tuyến từng bị vượt qua.
Các chuyên gia quân sự nhận định, không phận phía nam quần đảo Bành Hồ, phía tây Cao Hùng và phía bắc Đông Sa là giao lộ tự nhiên cho các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom Trung Quốc di chuyển giữa các căn cứ dọc theo bờ biển Đại lục, Biển Đông và Eo biển Ba Sĩ phía nam Đài Loan – để tiến vào tây Thái Bình Dương.
"Chắc chắn Trung Quốc sẽ dần thiết lập các chiến dịch thường xuyên trên không phận đó", giáo sư Viện Nghiên cứu Chiến lược và các Vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Tamkang (Đài Loan) Alexander Huang nói.
Ông Huang phân tích, phía nam Đài Loan thiếu khả năng đối phó với các hành động xâm nhập do phi đội F-16 của Đài Loan được triển khai dày hơn ở phía bắc. "Tây nam đã trở thành sườn dễ bị tổn thương nhất", cựu cố vấn an ninh cho chính quyền Đài Loan chỉ ra. "Giờ đây chúng tôi mới đang tìm cách giải quyết vấn đề này".